Theo hãng tin Sputnik ngày 15-3, phát ngôn viên quân đội Mỹ John Dorrian cho biết binh sĩ Mỹ, Nga đang cùng hiện diện tại Manbij, Syria và có thể quan sát hoạt động lẫn nhau. Tuy nhiên, binh sĩ hai bên không tiếp xúc, không gặp gỡ hay nói chuyện với nhau.
Đại tá Dorrian nói thêm Mỹ và Nga thời gian gần đây đã tăng cường liên lạc thông qua đường dây nóng về tránh xung đột trong các chiến dịch ở Syria.
“Tần suất phối hợp thông qua đường dây nóng tránh rủi ro tiếp tục tăng lên. Kênh này đã đi vào hoạt động cách đây nhiều tháng với tần suất vài lần một tuần” - Dorrian cho biết. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm dù binh sĩ Mỹ và Nga chạm mặt nhau nhưng họ không nói chuyện hay gặp gỡ nhau.
Đoàn xe thiết giáp của lực lượng Mỹ đến làng Yalanli, ngoại ô TP Manbij, Syria hôm 6-3. Ảnh: AFP
Phát ngôn viên quân đội Mỹ nhấn mạnh rằng giống như binh sĩ Mỹ, binh sĩ Nga cũng cắm quốc kỳ trên các phương tiện quân sự của họ. “Đây chỉ là biện pháp nhằm đảm bảo không xảy ra sai sót hay nhầm lẫn”- Dorrian nói.
Hôm 6-3, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo nước này đã triển khai một lượng nhỏ binh sĩ bổ sung tới Manbij để thực hiện chiến dịch “trấn an và răn đe”. Bộ Quốc phòng Mỹ không tiết lộ số lượng chính xác về số binh sĩ bổ sung này. Các đoàn xe gắn cờ Mỹ cũng được nhìn thấy di chuyển trong TP này.
Trước đó cùng ngày, một nguồn tin nói với Sputnik rằng một đơn vị Thủy quân lục chiến Mỹ cũng đã tiến vào phía bắc Syria. Số thủy quân lục chiến Mỹ trên được điều động để yểm trợ các lực lượng đối tác của Mỹ dưới mặt đất, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tấn công giải phóng Raqqa từ tay Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chiến dịch này do Lực lượng dân chủ Syria (SDF) phát động vào ngày 5-11-2016.
AFP cho biết sự hiện diện của binh sĩ Mỹ đã tạo ra “vùng đệm mềm” giữa lực lượng người Kurd ở Syria và binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang để mắt đến Manbij. Lầu Năm Góc cho biết họ muốn các bên tập trung đẩy lùi phiến quân IS hơn là đấu đá lẫn nhau.
IS bị SDF, liên minh người Kurd-Ả Rập được Mỹ hậu thuẫn đẩy lùi khỏi Manbij hồi năm 2016. Cũng vào thời gian này, Thổ Nhĩ Kỳ điều quân sang miền bắc Syria, gia nhập cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời quan sát lực lượng người Kurd – lực lượng bị Ankara coi là khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ dọa tấn công lực lượng người Kurd nếu họ không rút khỏi Manbij.
Nga và quân đội chính phủ Syria sau đó chuyển các đoàn xe nhân đạo có chở theo thiết bị quân sự vào Manbij. Ông Dorrian cho hay binh sĩ Mỹ và Nga thông báo về hoạt động của từng bên thông qua đường dây nóng. Đường dây nóng được thiết lập năm 2015 để tránh rủi ro khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Những diễn biến mới ở TP Manbij xuất hiện vào thời điểm cuộc nội chiến Syria bước sang năm thứ sáu. Xung đột Syria đánh dấu bằng phong trào biểu tình chống chính phủ hồi tháng 3-2011 và cướp đi sinh mạng của 320.000 người.