Dự luật này đã gặp phải sự phản đối dữ dội của các nghị sĩ quân đội, cho dự luật là vi phạm hiến pháp. “Chức vụ cố vấn quốc gia tương đương chức tổng thống, đây là điều đi trái hiến pháp.” – Reuters dẫn lời nghị sĩ quân đội Myint Swe.
Theo họ, chức vụ cố vấn quốc gia tập trung quá nhiều quyền lực vào tay một người, như thế là thiếu cân bằng và có thể mất kiểm soát.
Chức vụ cố vấn quốc gia cho phép bà Suu Kyi có quyền tiếp cận Quốc hội, yêu cầu Quốc hội nhóm họp khi cần thiết. Bà Suu Kyi có thể tham gia tất cả vấn đề chủ chốt của chính phủ, điều phối các Bộ trưởng và có thể gặp bất kỳ ai bà thấy cần thiết.
Một số nghị sĩ đề nghị đưa dự luật cho Toà án Hiến pháp quyết định.
Tuy nhiên sự phản đối này không cản được dự luật được thông qua. Dự luật sẽ được Hạ viện xem xét vào ngày 4-4 tới.
Bà Aung San Suu Kyi. (Ảnh: AP)
Nghị sĩ Thiri Yadana thuộc đảng NLD nhận định chắc chắn sẽ có sự đối đầu giữa đảng NLD và các nghị sĩ quân đội tại Quốc hội trong ngày 4-4. Nhưng theo Reuters, dự luật có rất nhiều khả năng được Hạ viện thông qua, vì đảng cầm quyền Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) chiếm đa số ở cả hai viện, dù số nghị sĩ quân đội có phản đối hết cũng không ngăn cản được dự luật.
Dự luật này thì có thể không cần, nhưng để thay đổi Hiến pháp, bà Suu Kyi sẽ phải cần sự thống nhất của quân đội. Vì Hiến pháp chỉ được sửa đổi khi có hơn 75% nghị sĩ đồng ý, cao hơn số nghị sĩ đảng NLD tại Quốc hội. Số nghị sĩ quân đội tại Quốc hội chiếm 25%.
Hiến pháp là điểm bất đồng lớn giữa bà Suu Kyi và quân đội. Hiến pháp không cho phép bà Suu Kyi làm tổng thống vì có chồng là người Anh (đã chết) và hai con trai đang ở Anh.
Theo nhận định của nhà phân tích chính trị độc lập Richard Horse, chắc chắn bà Suu Kyi sẽ phải thuyết phục quân đội thống nhất sửa đổi Hiến pháp. Vì chức vụ cố vấn quốc gia sẽ làm dài thêm danh sách chức vụ của bà Suu Kyi – bộ trưởng của bốn bộ, một người mà thực hiện cùng lúc bốn vai trò này thì sẽ cực kỳ khó khăn.