Ngày 1-2 là một ngày đáng nhớ trong lịch sử chính trị Myanmar khi Quốc hội mới được bầu thông qua bầu cử tự do bắt đầu ngày họp đầu tiên.
Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi chiến thắng áp đảo trong ngày bầu cử tự do 8-11-2015, chiếm 390/664 ghế trong Quốc hội. Ít nhất 110 ghế trong số này thuộc về các cựu tù chính trị, trong đó có bà Aung San Suu Kyi.
Aung San Suu Kyi đến tham gia họp Quốc hội ngày 1-2. (Ảnh: AP)
Theo hiến pháp Myanmar thì quân đội vẫn giữ 25% số ghế Quốc hội, tương đương 166 ghế. Quân đội vẫn sẽ nắm ba bộ chủ chốt trong chính phủ mới, trong đó có Bộ Nội vụ.
Bà Aung San Suu Kyi sẽ không được làm tổng thống
Ông Win Myint, một luật sư thuộc đảng NLD được bầu làm chủ tịch Hạ viện. Như một động thái hòa giải, vị trí phó chủ tịch Hạ viện được trao cho ông Ti Khun Myat, một đại diện của đảng đối lập Liên minh Thống nhất và Phát triển (USD) vốn thân giới quân sự.
Tổng thống Thein Sein sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối tháng 3. Theo hiến pháp Myanmar thì bà Aung San Suu Kyi 70 tuổi sẽ không được làm tổng thống vì có chồng là người nước ngoài - người Anh, đã mất năm 1999, hai con trai bà cũng là công dân Anh.
Khi đảng NLD thắng cử Quốc hội, bà Aung San Suu Kyi tuyên bố chiến thắng này sẽ trao cho bà quyền cầm quyền ở Myanmar “cao hơn cả tổng thống”, ám chỉ tổng thống Myanmar sắp tới sẽ là người trung thành và đại diện cho bà.
Đã có một số nhân vật được đồn đoán sẽ là tổng thống Myanmar. Đó là ông Tin Myo Win, bác sĩ riêng của bà Aung San Suu Kyi, là một trong số ít người được phép gặp bà trong thời gian 15 năm bị quản thúc tại gia. Đó có thể là nữ nghị sĩ Su Su Lwin và chồng là ông Htin Kyaw đều theo đường lối dân chủ. Cũng có thể là ông Tin Oo, một cựu sĩ quan quân đội ủng hộ dân chủ.
Quân đội vẫn sẽ là rào cản
Trong cuộc họp báo ngày 1-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby chúc mừng Quốc hội mới của Myanmar nhưng đồng thời cũng nhận định vẫn còn rất nhiều trở ngại quan trọng để chính phủ mới có thể trở thành chính phủ dân sự thực sự và Myanmar có thể trở thành một quốc gia dân chủ hoàn toàn.
Chiến thắng của đảng NLD mới chỉ là một bước trong quá trình rất dài và rất khó khăn đưa Myanmar đến dân chủ, hãng tin AP (Mỹ) dẫn lời nhà phân tích chính trị đồng thời là một cựu tù chính trị Myanmar Tan Myo Thein.
Trong khi đó, cố vấn Richard Horsey của tổ chức phi lợi nhuận Giải quyết Khủng hoảng Quốc tế (Bỉ) hoạt động nhằm ngăn chặn xung đột toàn cầu nhận định cải cách chính trị sau hàng thập kỷ đất nước nằm dưới quyền lực của quân đội sẽ không dễ dàng.
Ông Richard Horsey viện dẫn nhiều cuộc gặp đặc biệt thời gian qua của bà Aung San Suu Kyi với Tổng tham mưu quân đội Min Aung Hlaing và cựu Thống soái quân đội Than Shwe - được cho là vẫn đang cố vấn cho quân đội về những quyết định quan trọng - để cho thấy cuộc cải cách dân chủ sẽ vẫn cần đến sự hợp tác của quân đội.
Qua các cuộc gặp này có thể thấy công việc sắp tới của bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD khá gian nan, làm sao tuân thủ lịch trình cải cách dân chủ của mình mà vẫn không xâm phạm đến quyền lực quân đội.
Viễn cảnh lạc quan nhất, theo ông Richard Horsey là quân đội sẽ tự điều chỉnh và cập nhật mình một mô hình quân đội hiện đại, đúng chuẩn, hoạt động để bảo vệ quốc gia, không còn dấu hiệu đàn áp. Lúc đó quân đội sẽ cần đến bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD.
Khả năng khác là chính phủ và quân đội tồn tại song song, quân đội không cần biết đến sự tồn tại của chính phủ. Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra vì theo tác gia Bertil Lintner từng có nhiều cuốn sách về Myanmar thì quân đội Myanmar là một thể chế độc lập, không tuân theo lệnh của tổng thống mà chỉ tuân theo lệnh Tổng tham mưu trưởng.
Việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ do người bên quân đội lãnh đạo sẽ là một trở ngại rất lớn cho chính phủ mới. Vì nếu muốn, với tiềm lực tài chính và nhân sự của mình, Bộ Nội vụ sẽ có cách phá tan ảnh hưởng của chính phủ mới ở mọi cấp bậc địa phương.
Các cựu tù chính trị liệu có điều hành được đất nước?
Chưa hết, theo AP, dù có được quân đội hợp tác thì công cuộc cải cách và kiến thiết đất nước của bà Aung San Suu Kyi cũng sẽ rất gian nan. Hiện đang có nhiều ý kiến lo ngại liệu những người chiến thắng, phần lớn thời gian qua có vai trò là những người chống đối chính phủ, là cựu tù chính trị, chưa có kinh nghiệm hoạt động trong chính phủ liệu có thể đảm đương nổi vai trò điều hành đất nước hay không.
Về đối nội, đất nước 53 triệu dân đang đối mặt quá nhiều thách thức to lớn, nghèo đói, kinh tế kém phát triển, môi trường bị hủy hoại. Hệ thống giáo dục, y tế quá tệ hại, tham nhũng khắp nơi. Myanmar nằm ở hạng 147 trong 168 nước được Tổ chức Minh bạch xếp hạng chỉ số tham nhũng toàn cầu.
Về đối ngoại, chính phủ mới sẽ phải gặp không ít khó khăn để cân bằng quan hệ với Trung Quốc và với Mỹ, châu Âu.