Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những thăng trầm và đột phá

(PLO)- Vẫn còn dư địa rất lớn để quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 12-5 (theo giờ Washington D.C), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean (USABC) và Phòng thương mại Hoa Kỳ (USCC) tổ chức. Đây là một trong những hoạt động của Thủ tướng nhân dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc.

Nhiều tập đoàn lớn hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới đã dự cuộc làm việc này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định buổi gặp gỡ này phải diễn ra trong không khí chân thành, có trách nhiệm. Tại đây, Thủ tướng đã đề cập đến những vấn đề cốt lõi về quan hệ hai nước cũng như trọng tâm phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua có nhiều "thăng trầm và đột phá". Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua có nhiều "thăng trầm và đột phá". Ảnh: NHẬT BẮC

“Làm sâu sắc tính trung tâm của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, ASEAN - Hoa Kỳ”

Nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC trong bài phát biểu chào mừng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ được hưởng những lợi ích lớn dưới chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Phạm Minh Chính kể từ khi ông nhậm chức. Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ coi Việt Nam là thị trường chiến lược ưu tiên, đóng góp vào tăng trưởng và thịnh vượng cho Việt Nam.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng ở vị trí tối ưu để giúp Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển hệ thống y tế… Số lượng đông đảo doanh nghiệp tham gia sự kiện hôm nay cho thấy sự quan tâm của phía doanh nghiệp Hoa Kỳ với Việt Nam là rất lớn.

"Hoa Kỳ hiểu rõ hai nước quan trọng như thế nào đối với nhau, với lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau. Chúng ta có thể cùng nhau đưa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, ASEAN-Hoa Kỳ mang tính trung tâm trong khu vực châu Á, Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương"- ông Ted Osius nói.

Còn Trưởng Cơ quan đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) Katherine Tai khẳng định, Việt Nam là một trong những đối tác lớn và quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ rất đặc biệt. Hai bên đã hợp tác rất chặt chẽ trong nhiều thập kỷ để tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, kinh tế rất năng động.

Bà Katherine Tai đề cập đến Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khẳng định: Thúc đẩy phát triển thị trường lao động, bảo vệ quyền lợi người lao động và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, hệ thống nông nghiệp bền vững, hệ thống chính sách thương mại tự do, bình đẳng, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số… là một trong những trọng tâm của khuôn khổ hợp tác này.

Cuộc làm việc có sự tham dự của đông đảo đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ, trong đó có các tập đoàn lớn hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới. Ảnh: NHẬT BẮC

Cuộc làm việc có sự tham dự của đông đảo đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ, trong đó có các tập đoàn lớn hàng đầu của Hoa Kỳ và thế giới. Ảnh: NHẬT BẮC

Hai nền kinh tế bổ trợ nhau, dư địa còn rất lớn

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho hay: Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ chín của Hoa Kỳ. Năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do COVID-19 nhưng kim ngạch thương mại hai nước vẫn đạt gần 112 tỉ USD, tăng gần 280 lần so với mức 400 triệu USD năm 1995. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ trong ASEAN. Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác lớn nhất về đầu tư của Việt Nam, với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỉ USD nhưng điều này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

"Thời gian vừa qua đã khẳng định tính bổ trợ rất cao giữa hai nền kinh tế, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, chúng ta còn nhiều dư địa phát triển, nhiều việc phải làm để mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước" - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng điểm qua những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua (về duy trì tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn…); những chính sách lớn trong chương trình phục hồi và phát triển (nâng cao năng lực y tế; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển hạ tầng; cải cách thể chế). Ngoài ra, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam cũng có những bước tiến mạnh. Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 trong ASEAN về quy mô kinh tế số.

Thủ tướng thông báo với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ rằng từ đầu năm 2022, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về mở cửa nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời hội nhập quốc tế tích cực, sâu rộng, hiệu quả.

Thủ tướng cho hay, tới đây ông sẽ trình bày tại Đại học Harvard về chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế tích cực, sâu rộng, hiệu quả”. Đây cũng là hai vấn đề có tính chất bổ sung, thúc đẩy lẫn nhau. “Việt Nam xác định lấy nội lực (con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, lấy ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắc lại tinh tinh thần chân thành, tin cậy, trách nhiệm để đối thoại và làm việc, nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng cho biết ông sẵn sàng đối thoại với bất kỳ ai trên thế giới về nền kinh tế Việt Nam, tình hình tại Việt Nam.

Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã đạt được những nguyên tắc nền tảng

Sau phần chào mừng của USABC và USTR, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu, cho rằng, để có thể tổ chức cuộc làm việc hôm nay thì một trong những yếu tố quan trọng là các hoạt động hợp tác quốc tế hiệu quả trong phòng chống COVID-19. Thủ tướng cảm ơn Chính phủ, người dân và các đối tác Hoa Kỳ đã ủng hộ Việt Nam trong phòng chống COVID-19, trong đó có ủng hộ về vaccine.

Theo Thủ tướng, đây là vấn đề toàn cầu và phải giải quyết bằng phương thức toàn cầu. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm đề cao hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương với nhiều vấn đề thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Thủ tướng nói, trong lịch sử quan hệ này đã có những thăng trầm và đột phá. “Đây là điều bình thường trong quan hệ quốc tế, cũng như cuộc sống đời thường giữa các cá nhân”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng kể, trong các lần tiếp xúc với các đối tác Hoa Kỳ mấy ngày qua, ông luôn “nói vui” quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ giống các món ăn Việt Nam. Trong đó có đa dạng các hương vị “chua, cay, mặn, ngọt và cả vị đắng”. Nhìn tổng thể thì quan hệ đó “rất hấp dẫn”.

Thủ tướng khẳng định, sau 27 năm bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đã có bốn vị Tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp đến thăm Việt Nam và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân hai nước. Tổng thống Joe Biden cũng rất quan tâm thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và quan hệ hai bên tiếp tục được thúc đẩy trong dịch bệnh.

Kể từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, nhiều quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đã đến thăm Việt Nam vào thời điểm khó khăn của đỉnh dịch COVID-19 năm 2021, trong đó có Phó Tổng thống Kamala Harris và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.

Đặt biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay ông và Tổng thống Joe Biden đã có cuộc gặp ngắn nhưng rất ý nghĩa tại Hội nghị COP26 vào năm ngoái.

Nhắc lại chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hoa Kỳ hồi 2015, Thủ tướng đánh giá đây là chuyến thăm đã giúp hai nước vượt qua được những khác biệt và đạt được những nguyên tắc nền tảng cho quan hệ song phương.

Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ khi đó đã nhấn mạnh việc tôn trọng "thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau". Việt Nam đánh giá cao trong những năm qua Hoa Kỳ luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm