Xem phim hay xem xe?
Từ những năm 80 của thế kỷ trước, những hãng xe hơi lâu đời như BMW, Mercedes… đã ý thức được việc xuất hiện hình ảnh sản phẩm của hãng mình trong các phim bom tấn của Hollywood. Càng về sau này, Audi, Chevrolet… là những hãng kế tục việc quảng cáo sản phẩm trong phim. Hầu hết phim bom tấn mùa hè này đều có xe của Audi. Cụ thể nhất trong Hitman: Agent 47, Người vận chuyển là sự xuất hiện từ đầu đến cuối của Audi. Trên nhiều trang mạng xã hội đã lan truyền hình ảnh mang tính chế giễu ghép từ ba bộ phim: Người sắt, Hitman: Agent 47 và Người vận chuyển rằng: “Tony Stark dùng, sát thủ Hitman dùng, đến Người vận chuyển cũng dùng… xe Audi của mọi nhà!”.
Và sự xuất hiện xe của hãng này quá lố nhất ở bộ phim Người vận chuyển 4 bởi có những cảnh đáng lý ra leo lên xe mà chạy vì bị truy đuổi thì nhân vật nam chính đã để xe ở chế độ tự động lái. Phim diễn ra trong vài phút với cảnh anh này đánh từng tên sát thủ khác và xe cứ lừng lững hiện đại ở chế độ tự lái đằng sau. Chưa kể đến liên tục trong phim là phần thoại giới thiệu các hệ thống cải tiến của xe.
Không chỉ trên phim, trong chiến dịch truyền thông các phim có siêu xe này, các thương hiệu xe cũng quảng bá rầm rộ cho xe của mình như đưa vào các thông số kỹ thuật của xe. Lễ ra mắt phim ở khắp nơi trên thế giới hầu hết đều có sự xuất hiện của dòng xe có mặt trong phim cùng những màn người mẫu lái xe thử, tạo dáng bên xe…
Với chiến dịch truyền thông, người xem có thể thông cảm nhưng nếu sự xuất hiện của nhãn hàng quá lố, lấn vào nội dung phim như trường hợp Audi trong phim Người vận chuyển vừa qua sẽ không còn làm khán giả thấy dễ chịu mà làm khán giả có cảm giác mình đang mua vé để xem quảng cáo xe hơn là xem phim.
Màn khoe xe lái tự động trong Người vận chuyển vừa ra rạp đầu tháng 9 vừa qua làm khán giả khó chịu vì quảng cáo xe quá lố. Ảnh: YOUTUBE
Chọn thời khắc khôn ngoan
Nhiều người sẽ khó quên khoảnh khắc tự chụp ảnh của MC Ellen DeGeneres với hàng loạt ngôi sao như Bradley Cooper, Brad Pitt, Angelina Jolie, Julia Roberts và Meryl Streep tại lễ trao giải Oscar 2014. Tấm ảnh đó được chụp bằng chiếc điện thoại Samsung Galaxy Note 3. Năm đó Samsung đã chi ra gần 20 triệu USD để được phát quảng cáo trên hãng ABC (đơn vị truyền hình trực tiếp lễ trao giải) trong thời gian nghỉ giải lao. Sự xuất hiện của chiếc điện thoại Samsung trên sân khấu lễ trao giải Oscar đã được hãng điện tử này đàm phán trước với hãng ABC và giao cho MC Ellen DeGeneres chụp ảnh. Và pha chụp ảnh này đã có hiệu quả truyền thông gấp nhiều lần 20 triệu USD quảng cáo bên trên bởi bức ảnh đạt hơn ba triệu lượt chia sẻ trên Twitter, đã được nhắc đến hơn 40.000 lần từ các trang mạng xã hội. Dù thích hay không thích điện thoại châu Á, khán giả Tây phương cũng phải ngả mũ màn quảng cáo này.
Hay sự xuất hiện của đồng hồ Omega, laptop Sony Vaio, xe Vespa cổ… trong phim Điệp viên 007 và phim The Interpreter lại tạo những khoảnh khắc đẹp, hoài niệm cho người xem.
Để được quảng cáo trong các phim bom tấn không hề dễ, các hãng cũng phải xếp hàng đăng ký và chi tiền khổng lồ. Trong một bộ phim Điệp viên 007 từ thập niên 1990, BMW đã phải chi 3 triệu USD cho một cảnh quay có xe của hãng này nhưng sau đó dòng xe này được đặt hàng liên tục. Hay sau khi xuất hiện trong các phim bom tấn như Người sắt, Nhiệm vụ bất khả thi, Transformer… hãng vali Rimowa bán vèo vèo.
Bất cứ nền điện ảnh hay bộ môn giải trí nào cũng phải nhờ các thương hiệu, người ta thường gọi là “đồng tiền cứu rỗi nghệ thuật”, thế nhưng sự tinh tế của các nhãn hàng nằm ở chỗ chọn cách xuất hiện đúng thời khắc mà thôi.