Rất nhiều phụ nữ sợ tết còn hơn sợ cọp, vì họ sợ… mập! Câu than thở phổ biến là “Đâu có ăn gì đâu, mà cứ dòm cái cân là thấy phát ghét. Nó nhảy dựng vèo vèo, cứ mỗi ngày nhảy một ký”. Vậy với đàn ông, tết có sung sướng hơn không?
Đàn ông là một dạng sinh vật thích nghi nhanh với sự hưởng thụ. Bởi thế, nhìn chung qua mấy ngàn năm, họ vẫn thuộc lòng câu dạy của ông bà: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Cứ nhìn lịch chảy về cuối năm âm lịch, là lắm đàn ông thấy lòng mình nảy nở. Tết tới, có vẻ như đàn ông như cá gặp nước.
Mà tết không chỉ gồm ba ngày mới thích chứ. Tết tập một nghĩa là lai rai nhậu nhẹt từ tháng Chạp. Tất niên, họp mặt, gặp gỡ lu bù. Đời lên hương tợn, khi ngày nào cũng có cơ hội “dzô”. Ba ngày tết chính vụ, sức nhậu xuân càng lên phơi phới. Hết bên nội tới bên ngoại, hết nhà mình tới nhà hàng xóm, rồi tết bạn tết thầy, tết ông anh kết nghĩa của đứa cháu dượng người bạn hồi đó quen ở Nha Trang… Ngày nào nhậu cũng lết bánh, nên suốt tết tập hai nếu có cho chó ăn chè thì đời vẫn ngọt.
Sau tết, đi làm lại, nghĩa là tết tập ba. Chuyện này khỏi tả, thì ai cũng biết thế nào rồi đấy. Lấy cớ lì xì đầu năm, còn ít khí thế ngày xuân mang ra xài nốt. Những cái “kỳ vô phong” bay phấp phới, í ới hội quần hùng. Giặc ngoại xâm mình còn không sợ, sao lại sợ vợ cằn nhằn, con khóc thét, hoặc là sợ chính mình té ngã?
Nhưng đặt những khí thế ngút trời ấy bên cạnh thông tin ngắn ngủi này, liệu có ai phát rét: tỉ lệ nam giới tai nạn, tử vong trong mùa tết thường gấp đôi ngày thường. Trong đó, phần lớn tai nạn đều có căn nguyên từ rượu bia. Thêm vào đó, có nhiều người nhập viện cấp cứu vì rối loạn tiêu hoá, hoặc tim mạch cà giựt do căng thẳng vì bài bạc.
Người ta thường biện bạch “cả năm có ba ngày tết, đã vui phải vui cho tới”. Cơ thể con người cũng giống chiếc xe, khi đã đạp ga thì thắng thường vô dụng. Khi đã vui tới bến, mọi cảnh báo đều vô ích. Do vậy, nên tự nhắc mình, “nhấp thắng” từ khi cuộc vui tết còn xa.
Rượu bia là thứ khó cưỡng, nhất là khi ngồi đủ tụ, người này chúc, người kia ép, kẻ khích bác, kẻ đưa mồi. Nên tự đặt ra giới hạn cho mình, mấy lần nâng cốc rồi ngưng. Sau đó, ai có lời chê bai hay giận hờn gì cũng coi những lời đó như đồ bỏ, không bận tâm. Và cách tốt hơn, là nên lượng sức. Những đám tiệc nào nhắm toàn “nhậu tặc” thì kiếm cách cáo từ, đừng để mình nhào vô chén anh chén chú, rồi “từ chết tới bị thương” mà không có mảnh huy chương nào làm thuốc.
Để có thói quen kiềm chế khi uống, phải tập dần dần. Không vinh quang nào tới từ bàn nhậu. Cái danh xưng “kẻ gục ngã cuối cùng” chả bổ béo gì, nếu không nói là chắc chắn sẽ gắn liền tật bệnh nhỡn tiền. Hoạ từ miệng vào, câu ấy luôn đúng khi có rượu.
Ham vui, thực chất cũng là tham. Cái gì mình muốn có mà vượt quá giới hạn thông thường cũng là tham cả. Tết không phải là lý do để cái vui quá nhiều, vì đấy cũng chỉ là những ngày bao gồm 24 tiếng. Cơ thể vẫn cần nghỉ ngơi đủ giấc, trí não vẫn cần tỉnh táo, thân xác vẫn cần nhẹ nhàng. Không chỉ phải cẩn thận với đồ uống có cồn, mà ngay cả miếng ăn cũng vẫn nên giữ chừng mực. Miệng nhai nhiều cho thoả vui, lá gan và đường tiêu hoá sẽ lãnh đủ. Với tuổi trung niên, cái gì vượt quá mực thường đều có hại.
Cái danh xưng “kẻ gục ngã cuối cùng” chả bổ béo gì. Ảnh minh họa
“Khi hai đã là đủ, thì có ba là thừa” (Khổng Tử). Với mỗi người, giới hạn thế nào là vừa đủ là sự tự cảm nhận, chứ không có công thức chung. Nhưng tóm lại với ngày tết, thì đừng uống say, đừng ăn no. Bạn không cần học các cô thi hoa hậu, khi nhất mực đòi yêu hoà bình, mà chỉ cần yêu chính mình là được. Đừng bắt thân xác, tinh thần phải khổ nhọc vì cái tưởng là sướng miệng. Hãy tử tế với chính mình, giữ chừng mực, để quẳng gánh tham mà vui tết!
Theo Vũ Thượng (thatmah.com)