Đó là vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc xảy ra ngày 9-2 tại Hàm Minh, Hàm Thuận Nam làm 10 người thiệt mạng. Sau vụ tai nạn, hiện trường vương vãi khắp nơi trước nhà dân trong khi Tết đã đến quá gần. Nhiều người hỏi thôn ai sẽ giải quyết dọn hiện trường thì thôn chỉ xã. Hỏi xã thì xã chỉ huyện. Lên huyện thì lại chỉ ngược xuống xã. Nóng ruột, có người nhắn tin cho ông Phương.
Lập tức vị chủ tịch tỉnh yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm dọn ngay hiện trường để người dân nhanh chóng quên đi vụ TNGT đau lòng và đón Tết. Cẩn thận hơn ông còn yêu cầu cơ quan y tế xịt thuốc khử trùng khu vực hiện trường. Nhiều người khen nhưng cũng có không ít người chê việc ông Phương làm vì cho rằng đây chỉ là chuyện nhỏ.
Ngay sau vụ TNGT thảm khốc ngày 9-2 xảy ra, ông Phương đã thức trắng đêm động viên lực lượng tham gia và đến từng giường bệnh thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân.
Lần hẹn gặp đó khá gai góc bởi tòa soạn muốn tìm hiểu UBND tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm của người tiền nhiệm như thế nào. Không tránh né, trả lời thẳng thắn, ngắn gọn, vị tân chủ tịch cho biết sẽ có những vấn đề cần phải kiến nghị lại để nhìn bản chất sự việc khách quan, chính xác hơn (sau này kiến nghị đã được tổng thanh tra Chính phủ và Thủ tướng đồng ý-PN) .
Xong việc, mời tôi ly trà, ông Phương tâm sự, trước đây ông đã từng qua Nhật khi đất nước này chưa bị thảm họa sóng thần. Lần đó được những người Nhật hướng dẫn tham quan một khu phố sầm uất ở Tokyo. Đến một con phố, những người tham quan vô cùng ngạc nhiên khi thấy con đường quá hẹp, đi lại khó khăn không xứng đáng chút nào với một nơi được xem là trung tâm tài chính của châu Á. Một người trong đoàn liền đặt câu hỏi, vì sao đất nước Nhật Bản với nền kinh tế bậc nhất thế giới lại có một con lộ quá hẹp mà không giải tỏa để làm mới hiện đại hơn. “Đất nước chúng tôi không thiếu tiền nhưng nếu giải tỏa đoạn đường này chỉ sợ mất lòng dân bởi họ đã gắn bó với nơi chật chội này nhiều thế hệ rồi”, vị quan chức người Nhật giải thích.
Theo ông Phương, đó là câu chuyện về sự quan tâm khiến ai cũng phải suy nghĩ, nó giống như câu chuyện mà một giáo viên ra đề thi với học sinh: Hãy cho biết tên người phụ nữ quét dọn trong trường học. Học sinh nào cũng biết người phụ nữ này nhưng không hề biết tên vì thiếu sự quan tâm. “Trong công việc, ta sẽ gặp gỡ rất nhiều người hàng ngày và ai cũng đều quan trọng để xứng đáng nhận được sự quan tâm dù chỉ là nụ cười, cái gật đầu chào nhau…” - vị chủ tịch chia sẻ.
Thú thật, sau cuộc gặp này, tôi đã mở hẳn một cuốn sổ theo dõi để xem vị tân chủ tịch có thực hiện những “chuyện nhỏ”, “chuyện bình thường” như ông đã từng tâm sự hay chỉ là những triết lý của nghệ thuật xã giao rồi cũng quên bẵng đi.
Có lần, ra chợ Phú Thủy (Phan Thiết) vô tình nghe mấy “bà tám” bán rau sống kháo nhau chuyện ông chủ tịch tỉnh vừa nhổ bật gốc cây nhãn của ông Mười, một người dân sống trên đường Nguyễn Tương gần đó. Trời đất, có chuyện động trời này nữa sao? Tò mò tìm hiểu mới biết cây nhãn khổng lồ nói trên nằm chình ình giữa đường Nguyễn Tương nhiều năm qua trông rất nhức mắt nhưng không thể giải tỏa do chính quyền và người dân không thỏa thuận được với nhau về giá tiền đền bù và đất tái định cư . Ông Phương lên chủ tịch, thương lượng nhổ được cây nhãn, láng nhựa phần đường còn lại nối liền với đường Tôn Đức Thắng khiến con đường Nguyễn Tương mỹ quan và có giá hẳn lên. Một người dân sinh sống trên con đường này phát biểu: “Chuyện tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ, cây nhãn nằm ở đây hơn chục năm rồi còn gì”.
Mùa mưa năm 2011, khi đang đi công tác, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của bác sĩ Đoàn Thành Công, Trưởng Khoa Ngoại-Thần kinh-Lồng ngực Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận. Đầu dây bên kia, bác sĩ Công hối hả giục phải lên ngay bệnh viện để chụp ảnh. Giọng vị bác sĩ này xúc động cho biết ông đang đứng trên lầu nhìn hình ảnh đích thân vị chủ tịch tỉnh đang đứng dưới trời mưa để thị sát việc giải phóng những hàng quán nhếch nhách trước cổng bệnh viện tồn tại đã nhiều năm rồi. Tôi cắc cớ: “Sao chủ tịch không đi làm chuyện lớn lại đi lo những chuyện nhỏ thế”. Bác sĩ Công phản ứng: “Sao ông cho là chuyện nhỏ? Cái bệnh viện này là của cộng đồng, nó liên quan đến hàng ngàn bệnh nhân, hàng ngàn thân nhân người bệnh, nó lại nằm ngay QL1A là bộ mặt của tỉnh, sao gọi là chuyện nhỏ được”.
Câu chuyện tiểu thương chợ Phan Thiết phản đối xây lầu là điển hình của sự xung đột của chính quyền và người dân trong việc không tìm ra tiếng nói chung của công tác kêu gọi người dân tham gia xã hội hóa. Năm 2012, UBND TP Phan Thiết đã tổ chức bao nhiêu cuộc họp hiệp thương, thậm chí họp báo nhưng gần cả ngàn tiểu thương cũng không mặn mà gì. Một tiểu thương nhận xét, phương án xây chợ kiểu này là quá ép dân. Nhà nước chỉ có đất trong khi tiểu thương bỏ tiền ra xây chợ chỉ được thuê lại gian hàng của mình có 15 năm, lại không được sang nhượng. Chưa hết, mục tiêu của dự án là xây dựng chợ văn minh, xứng tầm với đô thị loại II. “Nếu muốn “xứng tầm” sao Nhà nước không đầu tư mà lại huy động vốn của tiểu thương lại xây lầu là thêm tốn kém”, tiểu thương này bức xúc.
Đem câu “chuyện nhỏ” này của các tiểu thương đăng ký gặp chủ tịch tỉnh nhưng do công việc bận rộn, cuối tháng 11-2012, chúng tôi mới gặp được ông Phương. Sau vài câu hỏi thăm về sức khỏe, gia đình, vị chủ tịch vui vẻ cho biết mọi việc đã giải quyết xong và hầu hết tiểu thương đều đồng tình. Ông Phương tâm sự mình đã thức trắng mấy đêm liền để sửa lại dự án này. Trước đây người dân chỉ được thuê 15 năm nay được sửa lại là được thuê hết vòng đời của công trình. Theo đó, nếu đầu tư nhiều thì công trình càng kiên cố, bền vững và tiểu thương càng có cơ hội sở hữu lâu dài từ 20-30 năm thậm chí 40-50 năm, chỉ đến khi công trình xuống cấp cần phải tháo dỡ thì mới chấm dứt hợp đồng và họ được toàn quyền sang nhượng. Mục tiêu “xứng tầm” của dự án cũng được ông Phương chấp bút sửa lại là: Thuận lợi cho bà con buôn bán, kinh doanh; đảm bảo an toàn cháy nổ, đảm bảo tính mạng, tài sản… Chính những lời lẽ chân tình, mộc mạc, không “có cánh” này mới gần dân hơn và được họ chấp nhận. Và trong năm 2015 này ngôi chợ Phan Thiết khang trang sẽ được đưa vào hoạt động.
Trong công tác điều hành, gần đây đã có hàng loạt chủ tịch các huyện, thành phố bị ông Phương ký công văn phê bình, nhắc nhở. Có người nói, ông Phương “cứng” và mạnh tay quá vì đó chỉ là những sai lầm nhỏ nhặt.
Tôi đã thử điện thoại cho ông Nguyễn Thanh Đạt, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc, người vừa bị ông Phương ký công văn phê bình chưa ráo mực. Kỳ lạ là ông Đạt không buồn hay tự ái mà còn cho rằng việc ông bị phê bình là cần thiết nhằm nhắc nhở mình điều hành công việc tốt hơn. Suy cho cùng, sai lầm là điều nên tránh nhưng nếu đã phạm sai lầm thì đó là điều cần thiết phải đối mặt và không tiếc nuối. Ở đời sự thành công không có nghĩa là không lần nào sai lầm mà quan trọng là rút ra được bài học. Nếu có ai cho rằng mình chưa bao giờ phạm sai lầm thì chắc chắn người đó sẽ có một vấp ngã và thất bại lớn trong tương lai.
Mùng ba Tết năm ngoái chúng tôi đến nhà ông Phương chúc tết. Sau ly rượu xuân, ông Phương thẳng thắn nhờ tôi nhận xét thật lòng những điều làm được, chưa được của ông trên cương vị chủ tịch tỉnh thời gian qua. Thú thật là chưa lần nào được một quan chức đặt vấn đề chuyện tế nhị này nên tôi khá bối rối. Cuối cùng nhờ động viên, tôi đã nói thẳng những gì dư luận nghĩ về ông. Đó là việc đông đảo nhiều người thích những công việc nhỏ mà ông đã làm. Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến còn cho rằng ông quá “cứng”, “thẳng như mực Tàu”, ít linh động với một số “đại gia” kinh tế nên cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến lĩnh vực đầu tư, làm tỉnh chậm đà phát triển….
Vị chủ tịch tỉnh cảm ơn và cho biết sẽ ghi nhận điều này. Bất chợt tôi nhìn lên tấm lịch nhà ông Phương, nơi có câu nói nổi tiếng của nghệ sĩ người Mỹ Bill Cosby: “Tôi không biết chìa khóa của thành công là gì nhưng tôi biết chìa khóa của thất bại là cố gắng làm vừa lòng mọi người”…