Những ngày này, xóm nấu bắp ở hẻm 100 Nguyễn Quý Anh, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM đã lục tục thu xếp đồ đạc để về quê sum vầy cùng người thân. Phần lớn họ là đồng hương ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội xa xôi. Ai cũng muốn nán lại ít hôm nhưng sợ giá vé xe lên cao mà bắp chưa chắc đã bán chạy để bù lại tiền xe nên thu xếp về. Thế nhưng không phải ai cũng có điều kiện để về quê ăn tết.
Giao thừa ngậm ngùi
Trong xóm bắp, người lớn tuổi nhất còn trụ lại với nghề là bà Mai, 54 tuổi. Bà Mai tâm sự đã gắn với cái nghề này ngót nghét 18 năm. Xe bắp của bà đã nuôi ba đứa con nheo nhóc ở quê từ lúc mới chín, 10 tuổi, nay cô con gái lớn đã lập gia đình và tiếp tục nghề bán bắp của bà ở bên quận 7. Vào những đêm 30 tết, xe bắp của bà sẽ hòa lẫn với dòng người tấp nập xem bắn pháo hoa tại quận 1. Khi những tràng pháo tay giòn giã đón chào năm mới vang lên cũng là lúc nước mắt bà lặng lẽ rơi vì nhớ nhà, nhớ chồng, nhớ con, nhớ cháu.
Dạo bắp luộc dính tin đồn nấu bằng pin, hóa chất, người ta không dám ăn bắp, nhiều người kéo nhau về làm ruộng, xóm bắp hiu hắt hẳn đi. Bà Mai cũng vậy nhưng khi về quê cày ruộng khổ quá lại không có dư, bà vào lại TP tiếp tục nghề này. “Cả xóm này chỉ biết nấu bắp bằng củi thôi chứ có biết mặt mũi cục pin hay hóa chất ra sao đâu. Nếu muốn thơm ngon chỉ bỏ thêm một ít muối, đường hoặc lót mía dưới đáy nồi thôi” - bà phân trần. Chồng bà mới nhắn vợ về ăn tết nhưng bà quyết tâm ở lại vì mới về chịu tang mẹ ruột mới đây. Nhiều năm xa quê, bà vẫn còn day dứt vì chưa kịp chăm sóc cha trước lúc ra đi. Hễ có giỗ, đám thì bà phải thu xếp về, cũng có nghĩa là tết năm đó mâm cúng giao thừa vắng bà.
Cả xóm luộc bắp bằng củi từ mờ sớm. Ảnh: H.LAN
Gắp bắp ra khỏi nồi để chở đi bán. Từ khi báo chí đưa tin có nơi luộc bắp bằng pin cho mau chín, bắp bán ế hẳn. Ảnh: H.LAN
Tết nghèo do tin đồn bắp luộc pin
Đã 7 giờ tối nhưng chị Chính vẫn cặm cụi bên bếp lửa hừng hực. Ba năm trước, bắp ế vì tin đồn nên chồng chị đành về quê cày ruộng kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy. Từ đó, một mình chị tự xoay sở tất cả mọi thứ. “Ngày trước có khi tôi bán được một ngày đến 500, 600 trái bắp, giờ chỉ còn bán được hơn 100 trái mỗi ngày. Hai đứa con ngóng mẹ suốt. Nó bảo: “Mẹ ơi, mẹ về nhà đi, có gì ăn nấy, con không học cũng được” nhưng mình nỡ lòng nào để cho nó khổ hơn mình. Ít nhất cũng cho nó học hết cấp III. Lúc bắp ế, tôi cũng tính xin làm công nhân nhưng chưa có bằng cấp III, người ta không nhận…” - chị thở dài kể.
Chỉ còn vài ngày nữa là tết đến nơi nhưng chị Chính vẫn chưa sắm sửa gì. Chị khoe có người thương tình vừa cho mấy bộ đồ “cũ người mới ta” mặc tết. Chị đếm ngược từng ngày để về với các con.
Ngày anh Bình vào TP bán bắp, con gái đầu của anh vẫn còn chưa biết lật, nay bé đã 15 tuổi. Cũng chừng ấy năm, anh xa vợ con. Anh là người đàn ông duy nhất để lại vợ con ở quê một thân một mình vào Sài Gòn bán bắp, ai gặp anh cũng ái ngại hoàn cảnh đàn ông vắng bàn tay vợ chăm sóc. Từ ngày bắp ế, anh sáng kiến bán thêm khoai mì, trứng vịt, trứng cút lộn… Anh kể từ khi báo chí đăng tin có người luộc bắp bằng pin gây độc hại cho người tiêu dùng, mỗi ngày anh chỉ bán chừng chục trái bắp nhưng có ngày dư đến năm trái, về bỏ thì phí nên ráng ăn trừ cơm. Anh tâm sự: “Đã xa quê làm ăn là phải xác định tư tưởng thì mới trụ lại được. Cả năm chỉ có mỗi mấy ngày tết gần gia đình nên phải ráng thu xếp về…”.
Ra tết mới về Nhiều năm xa quê nhưng xóm se dây để đan võng, lưới… của người An Giang đến lập nghiệp tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân và ấp 3A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh vẫn giữ nếp rước ông bà vào ngày 28 âm lịch. “Hầu hết chúng tôi đều theo đạo Hòa Hảo, ngày 28 cúng ông bà một bữa cơm mặn thật ngon chứ từ 29 đến mùng 2 là chúng tôi chuyển qua ăn chay. Mùng 3 lại nấu mặn để tiễn ông bà. Tết mang ý nghĩa đoàn viên nhưng làm ăn chật vật quá thì ở lại, ra tết rồi về. Làm gì thì làm, ăn tết sơ sài cũng phải có bánh mứt, nhánh hoa kiểng” - ông Mạc Quới An, hiện mướn đất làm nghề này ở ấp 3A, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, kể lý do tết này cả nhà sẽ ở lại TP. Ngày tết, các gia đình cùng cảnh sẽ gom lại, có chi dùng nấy. Nhiều người ở xóm se dây dù nhớ quê An Giang nhưng đành ở lại, ra tết về cho đỡ tốn kém. Ảnh: H.LAN Nhà không có ruộng, làm ăn chật vật nên tôi lên TP làm nghề se dây từ hơn 10 năm trước. Mấy năm tôi chuyển nhà vì khu đất mướn trước bị giải tỏa, thằng bé con tôi cũng học chậm mất một năm. Chỉ mong sao Nhà nước đừng giải tỏa khu đất mướn mới của xóm se dây này, tụi nhỏ ổn định học hành là tôi mừng lắm rồi. Ông MẠC QUỚI AN |