Không đâu bằng Tết quê mình

Cái tết Việt ùa vào lòng du học sinh chúng tôi khi mùa đông tại Nhật, tại châu Âu bắt đầu khắc nghiệt. Tuyết rơi dày đặc, rét cóng. Đã vậy thi cử “không hẹn” mà cũng kéo về cùng lúc. Những ngày ngồi lướt web, đọc báo, tìm tài liệu vô tình thấy báo chí Việt Nam rộ lên sắc đỏ, sắc vàng cùng những lời chúc tụng, lòng lại nao nao muốn được trở về quê hương, sum vầy bên bếp lửa chiều nghi ngút khói với nào là bánh chưng, củ kiệu, thịt kho thơm nức.

Nhớ nồi thịt mẹ kho

Tết Việt ở châu Âu không náo nức hay rộn ràng như ở quê hương. Tết cổ truyền rơi vào dịp cuối đông, gió trời vẫn lạnh lẽo, “hối thúc” bước chân của người châu Âu, khiến nhịp sống cũng vội vàng đến nhạt nhẽo.

Để bà con vơi nỗi nhớ nhà, Đại sứ quán Việt Nam ở các nước châu Âu luôn tổ chức tiệc mừng nhân dịp tết cổ truyền. Đó là dịp cho mọi người họp mặt đông đủ, trao nhau tâm sự của cả một năm qua. Các hội du học sinh cũng hưởng ứng “Tết Ta” qua các đêm văn nghệ, triển lãm, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, hội thi nấu ăn… rồi mời bạn bè quốc tế đến chung vui để họ hiểu thêm về nét văn hóa hiền hòa, chịu thương chịu khó, mộc mạc và độc đáo của người Việt.

Nhưng rồi tiệc có lớn mấy cũng tàn, ai về nhà nấy. Còn du học sinh thì mỗi người một tâm trạng, rảo bước nhanh để kịp giờ về nói chuyện với gia đình. Qua webcam, thấy cả nhà tụ tập quanh mâm cỗ mà lòng thắt lại.

Ở quê nhà, mẹ hỏi “Tết bên Tây vui không” mà giọng cứ run run như muốn khóc, vì “nồi thịt kho đầy mà con chẳng được về ăn”. Đứa con nhẹ cười trấn an: “Tụi con tụ tập cũng vui lắm. Còn chuẩn bị các món ăn đặc trưng ngày tết, từ muối dưa cải đến việc nhất quyết phải nấu được một nồi thịt kho hột vịt, mặc dù tìm được nguyên liệu “đúng chuẩn” như mẹ nấu không hề dễ dàng”.

Mẹ ơi, tết bên này sao sánh được với tết ở quê hương. “Vùng đất lạnh” chẳng thể tìm đâu ra cành mai cành đào, câu đối, hạt dưa, hay món mứt bí, mứt khoai mẹ làm. Đứa nào cũng thiếu thốn tình cảm, da diết nhớ quê hương, gia đình, bạn bè bên phong lì xì “giòn tan” nụ cười đầu xuân mới. Nhưng có lẽ chính sự thiếu thốn đó cũng khiến những ai từng đón tết xa quê biết trân trọng niềm vui ngày tết Việt. Trước đây đã bao nhiêu năm đón tết quê nhà, nhiều lúc mọi thứ cứ trôi tuột qua thật nhanh chóng và quá đỗi bình thường. Đón tết xa nhà mới thấy quý trọng từng bịch mứt dừa gia đình bạn nào đó vừa gửi qua, để xúm xít chia nhau như trẻ con được quà.

Đón tết xa nhà để thấy gói được một chiếc bánh chưng trong điều kiện thiếu thốn là kỳ công đến cỡ nào; để háo hức chụm đầu cắt bánh chia nhau, dù mỗi người chỉ được một khoanh bé xíu, vừa đủ để nếm lại chút “vị tết quê nhà” – ngon đến tận đáy lòng, tận tâm can. Ăn tết xa nhà mới biết được mình thật sự thuộc về đâu.

Tết Việt ùa về trên xứ sở Phù Tang

Thời điểm tết, Nhật cũng lạnh giá chẳng khác nào châu Âu. Người Nhật không đón tết âm lịch nên người Việt sống tại Nhật vẫn phải đi học, đi làm bình thường. Lướt web, thấy ai đó chia sẻ bài hát đón xuân, chúc tụng ông bà, sum vầy ba mẹ, con cháu rộn tiếng cười khiến lòng mình như trẻ lại. Chợt thấy nao lòng, chỉ muốn được bay về sum vầy, quây quần đón tết cùng người thân, bạn bè nhưng nào có điều kiện.

Đến thăm trường đại học công nghệ Nagaoka (thành phố Nagaoka, tỉnh Niigata, Nhật Bản), thật vui vì hội du học sinh người Việt tại đây luôn tổ chức tiệc đón mừng tết Việt.

Không khí chuẩn bị nhộn nhịp từ 2-3 tuần trước. Từ đặt phòng tiệc, đặt mua bánh chưng, bánh tét, giò lụa, củ kiệu, bánh mứt từ thủ đô Tokyo, đến các khâu trang trí, kêu gọi mọi người tham gia… đều được lên kế hoạch chu đáo. Không được cùng gia đình nấu bánh chưng, bánh tét hay trang trí nhà cửa, các du học sinh - có quen có lạ - mỗi người một tay lặt rau củ, thái thịt, nấu cháo, làm gỏi, rán bánh phồng tôm, cắt bánh, trang trí phòng tiệc. Mọi người vừa làm vừa kể nhau nghe những buồn vui mình gặp trong suốt một năm xa nhà.

Ngoài trời nhiệt độ đã xuống dưới 0 độ C, tuyết rơi dày đến tận 2 m. Trong căn phòng nhỏ, mâm cúng được bày dọn trong không khí thật trang nghiêm, để rồi tất cả cùng vỡ òa khi đồng hồ chỉ thời khắc giao thừa. Tết Việt đã ùa về trên xứ sở Phù Tang.

Ăn tết xa quê mà ngóng ngày về

Cái cảm giác “thèm tết Việt” khi năm đầu tiên xa nhà khiến người ta thấy trống vắng đến đáng sợ. Liếc màn hình, chợt bắt gặp vài dòng trên Facebook cũng “đầy tâm trạng” của đứa bạn cũng xa nhà du học. “Bình luận” bên dưới, bắt chuyện vài câu để lòng nhẹ hơn. Có đứa nhạy cảm hơn còn kể lại “mùi của tết”. Đó là cái mùi của gió, mang theo ít hương thơm của hoa cúc, cùng một chút mùi nồng nàn của khói “xông hương” nhà ai đốt đầu năm.

Chợt có đứa thốt lên lời hứa hẹn, gõ một câu: “năm sau tốt nghiệp, lại được ăn tết ở nhà” làm cả bọn nhốn nháo theo. Tự dặn lòng “Đúng vậy. Ráng lên đi, năm sau sẽ về”. Để lại được ngồi cùng gia đình canh nồi bánh tết, cùng mẹ làm ít mứt gừng, được ba “cho uống rượu mừng xuân” khi con đã lớn, được ông bà lì xì cho phong bì đỏ tươi dù “cháu của ông bà đã trưởng thành”. Rồi mấy đứa em sẽ dẫn anh hai đi xóm này, xóm nọ chơi đủ trò, gặp nhiều người, ăn đủ thứ món “có một không hai”.

Hạnh phúc lớn dần trên sự nỗ lực và chịu khó. Vậy nên du học sinh chúng tôi – dẫu tiếc đứt ruột từng cái tết bên gia đình – nhưng rồi ai nấy cũng biết rằng “phải đi tiếp”, chấp nhận ăn món bánh chưng, củ kiệu, thịt kho “thiếu vị quê nhà”. Để rồi ngày về sẽ không còn xa, tết Việt không còn xa như hôm nay nữa!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm