Cứ đến mùa cuối năm se lạnh, không khí tết len lỏi nhẹ nhàng, người thành thị thường hỏi nhau: Tết này ăn tết ở đâu?
Có ai đó trả lời xen lẫn với chút tự hào: “Về quê ăn tết!”. Rồi ai đó bâng quơ kèm tiếng thở dài: “Ờ, có quê để về ăn tết là vui rồi”.
Tết quê thì có gì vui mà người thành thị phải chen chúc tàu xe, cả gia đình lỉnh kỉnh dắt díu rời phố xá đông vui tề tựu về.
Tết quê có đại gia đình: ông bà, cha mẹ, anh chị em, họ hàng. Thì ở phố thị người ta cũng có đủ. Nhưng người ta vẫn thèm không khí tết quê đong đầy tình làng nghĩa xóm. Người ta thèm thăm hỏi nhau râm ran chân tình, thèm chia sẻ từng lon nếp, tấm lá chuối gói bánh hay cùng nấu chung nồi bánh tét để cảm nhận mình được tắm đẫm trong tình yêu thương của con người trong mùa xuân mới.
Ảnh: Cathy Danh
“Cây nhà… hàng xóm, lá vườn… láng giềng”
Khi mùa hoa dã quỳ đã qua, chỉ còn lác đác mấy bông nở muộn níu kéo màu vàng điểm xuyết ven đường, vài người hàng xóm cạnh nhà tôi bắt đầu gieo trồng hoa tết. Khắp thị trấn bé nhỏ này không có nhà ai gieo trồng hoa nhiều và “chuyên nghiệp” để bán tết cả. Theo cách nói của bác Pân sát nhà tôi thì: “Ôi, bán buôn gì! Trồng ba cái bông bậy bậy này chủ yếu để nhà mình chưng tết, kỉnh (biếu - NV) bà con chòm xóm”. Rồi bác khấp khởi: “Nhưng nếu khá thì cũng bán chớ, kiếm chút đỉnh sắm tết dzậy mà!”.
Sẵn mảnh đất nhỏ trong vườn nhà hoặc rẻo đất bên cạnh các ruộng rau màu, bác Pân gieo vài nắm hạt giống hoa để dành từ mùa trước. Bác không có nhiều giống hoa, năm nào cũng chỉ loanh quanh mấy loài dân dã: cúc, vạn thọ, lay ơn, năm nào nhiều hơn thì có thêm cẩm chướng. Chị em tôi bàn nhau phải canh me ngày nào bác tỉa mấy cây hoa xấu, yếu ớt bỏ đi thì xin về trồng. Thằng em tôi ra vẻ thông thái dặn dò: “Nhớ nghe, canh kỹ nghe, chứ bác Pân nhổ bông buổi sáng mà trưa chị mới qua lấy thì cây bông nó như c…ọ…n…g b…ú….n”. Nghe cái từ “cọng bún” kéo rê của nó tôi đã bực bội, nó lại còn cụp ngón trỏ xuống ra dấu làm tôi thêm nổi khùng. Tôi mắng nó: “Mày lanh quá! Chứ năm ngoái đứa nào đi chậm rì, bắt tao đợi. Người ta nhổ bông xong cả năm mày mới tới, cây bông nó mới héo như cọng bún. Hiểu chưa?”. Thằng em tôi mếu máo: “Em đâu có đi cả năm mới tới như Hai nói”.
Hai chị em đang tranh cãi, bỗng nghe tiếng bác Pân nói vọng qua: “Hai đứa yên tâm. Năm nay cho tụi bay tự nhổ bông luôn. Có cái chuyện dzậy mà khóc bay!”. Quả nhiên năm đó bác Pân cho chị em tôi lựa, thích cây nào thì nhổ đem về trồng. Chị em tôi lựa những cây to nhất nhổ về trồng nhưng một thời gian sau, đám bông của bác Pân cao vượt xa cây của chị em tôi. Thằng em tôi xụ mặt: “Chắc không kịp nở tết, chị Hai!”. Tôi an ủi: “Ờ, qua tết nó nở càng đẹp. Lúc đó chỉ có nhà mình có bông đẹp thôi!”. Em tôi hớn hở hùa theo: “Ờ, đúng, đúng!”.
Một hôm đang ăn cơm, má tôi bỗng chép miệng: “Trời! Hôm qua gặp bác Pân đi tưới bông cúc tết, em giật mình cái đụi nghĩ: Mới đó mà tết rồi!”. Ba tôi cười: “Em lúc nào cũng làm như không có bác Pân thì em không biết sắp tết”. Má tôi cười, cố vớt vát thêm câu “Thiệt mà!” để chữa quê.
Ảnh: ĐINH MẠNH TÀI
Chắc là chưa hết quê nên má tôi ngồi tính thêm: “Bông tết thì năm nay bác Pân đổi cho hai chậu vạn thọ. Nhà mình chặt cho bác cành mai đẹp đẹp. Chị Thúy cũng thích chưng mai nên kêu đổi một bó lay ơn to. Nhưng mình còn chặt vài cành tặng cho lối xóm nên thôi, khỏi đổi cho chị Thúy đi! Chặt nhiều quá tội nghiệp cây mai”. Ba tôi cười: “May quá, nhà mình có cây mai rừng cho em “đối ngoại” dịp tết”. Má tôi cao giọng: “Chưa đâu, anh có biết bao nhiêu người dặn em xin sung về đơm ngũ quả không?”. “Ai muốn cứ tới hái, làm gì cho hết chừng đó trái!”.
Mấy ngày tháng Chạp, má tôi gặp ai cũng hỏi, nói mấy chuyện đại loại: Nhà chị có nếp chưa? Ðặt mua ở đâu? Mấy ký? Bà A, B, C xóm trên nuôi nhiều gà lắm. Có mua trứng gà không? Tui năm nay tự nhiên “no cái bụng, đói con mắt” mua dư hai ký đậu xanh lận, nhà chị sắm chưa, tui để lại cho. Thôi, tiền nong gì, coi như lì xì trước cho mấy đứa nhỏ đi!...
Theo kiểu cho qua cho lại lấy thảo, nhà ai cũng có “sản vật” của chòm xóm và có câu chuyện để tự hào khoe trong ngày tết với khách đến nhà.
Cùng mở cánh cửa mùa xuân
Với trẻ con ở thị trấn nhỏ như lòng bàn tay này, chuyện “ăn đụng heo” là vui vầy, ồn ã nhất trong những ngày giáp tết. Một nhà nào đó nuôi heo, rủ thêm ba, bốn nhà khác làm thịt heo chia nhau. Sáng sớm ngày mổ heo, đàn ông các gia đình thường tập trung rất sớm để làm thịt heo.
Tết nào em trai tôi cũng lên kế hoạch rình sớm ở đó để xin cái bong bóng heo về làm banh đá. Nhưng người lớn luôn không cho trẻ con đến gần lúc giết mổ heo. Nó và vài đứa con trai khác đành ngấp nghé ngoài hàng rào rồi ấm ức quay về, lại chui vào chăn ấm nồng ngủ tiếp.
Khi đó, các bà mẹ mới rục rịnh đến chia phần thịt heo cho từng nhà. Tiếng cười nói xôn xao. Mỗi bà một việc luôn tay: rửa rau; nấu cháo lòng; cắt, xẻ, cân thịt… nhưng không quên chọc ghẹo nhau: “Chia cho đều nha!; Trời ơi! Phần của tui ngon như vầy làm sao ăn được; Con heo này anh Tám có cho nó đeo chì chạy bộ không mà sao nạc dữ vầy…”. Tiếng cười đùa xôn xao, náo nhiệt cả khoảng sân rộng nhà bác Tám. Bác Pân trai ra oai với bác gái: “Bà nhỏ nhỏ cái miệng lại, như cái chợ!”. Bác gái không giận mà còn cười ha hả: “Cả năm mới có một lần chứ có phải rau cần ngày nào cũng nấu”. Có tiếng ai đó ủng hộ bác gái: “Ðúng rồi, tết nhất mới có dịp tập trung vui vẻ như thế này chứ giỗ quải cũng không vui bằng”.Tiếng cười rộ lên giòn giã hơn lúc trước.
Khi nồi cháo lòng sôi ùng ục lan tỏa mùi thơm dậy xóm thì bọn trẻ con mới được phép đến. Người ta vừa sửa soạn chén đũa, vừa í ới gọi bọn trẻ. Ðứa trẻ nào cũng thơ thẩn ở cổng nhà mình, có ý chờ đợi, chỉ chờ nghe tiếng gọi là nháo nhào cắm cổ chạy sang.
Trong cái se lạnh của buổi sớm mai giáp tết, các gia đình quây quần múc cháo, gắp thịt cho con cái nhau ăn uống như thể người một nhà.
Cánh đàn ông có thêm vài ly rượu “giải mỏi”. Rồi bác Tám mở lời: “Hôm nay làm heo rồi, chiều nay nhà tôi cúng tất niên luôn, mời mấy anh tới uống ly rượu cuối năm”. Bác Tám dứt lời, mấy người khác cũng rộn rã: “Trưa mai tới lượt nhà tôi nghe mấy ông; vậy tôi cúng tất niên chiều mai luôn, xong ở nhà anh Tư thì quẹo vô nhà tôi làm tiếp…”.
Không câu nệ, không màu mè, văn vẻ, người ta mời nhau thân tình, hồn hậu như cây cỏ.
Vậy mà dịp đầu năm, đến nhà nhau chúc tết thì người ta khác hẳn. Vẫn sự thân tình đó nhưng người ta ý tứ hơn, có vẻ giữ gìn cho gia chủ sự bình yên, thanh tịnh của ngày đầu năm mới.
* * *
Tôi lập nghiệp xa quê, có lần ăn tết nơi thị thành. Lòng người thành thị cũng hồn hậu, rộng mở nhưng dĩ nhiên người ta không thể trồng bông cúc rồi dành cho tôi cây cúc cao nhất. Cũng như tôi, chốn thị thành này chưa lần nào chặt một nhành mai, hơ nóng gốc cho mai tươi lâu rồi trang trọng trao cho người láng giềng chưng tết.
Ðiều đó càng làm cho tôi nhớ những cái tết ở quê da diết…
TRÀ GIANG