Tương truyền, vào đời Lý Thái Tông (trị vì năm 1028-1054), có một công chúa cưng của vua thường bơi thuyền du ngoạn trên dòng Thiên Đức (sông Đuống). Một ngày nọ, không may công chúa bị đắm thuyền chết đuối, tìm mãi chẳng thấy xác. Vua ra lệnh nếu ai vớt được thi hài công chúa thì sẽ phong chức tước và thưởng công rất to.
Ngược dòng thời gian
Tiết mục Đánh rắn thủy quái cứu công chúa trong Lễ hội làng rắn Lệ Mật.
Rất nhiều tướng sĩ triều đình cùng thanh niên trai tráng các làng xã tham gia nhưng không ai đạt kết quả. Duy chỉ có chàng thanh niên họ Hoàng ở Lệ Mật thạo nghề sông nước lại giỏi bắt rắn, đã kiên nhẫn kiếm tìm và dũng cảm chiến đấu với thủy quái giữa vùng nước xoáy, cuối cùng chàng đưa được ngọc thể của công chúa lên bờ.
Vua giữ lời hứa, phong cho chàng là quan lớn trong cung và ban thưởng nhiều vàng bạc gấm vóc. Nhưng chàng từ chối tất cả, chỉ xin vua cho dân nghèo Lệ Mật và mấy làng lân cận sang khai khẩn vùng đất phía tây kinh thành Thăng Long làm trang trại. Được vua ưng thuận, chàng dẫn dân chúng Lệ Mật vượt dòng Nhị Hà (sông Hồng) sang khai hoang miền đất mé tây Thăng Long. Dần dần, vùng đất ấy trở nên trù phú, được coi là khu nông nghiệp truyền thống của kinh đô, mở rộng thành 13 làng trại mà sử sách vẫn gọi là khu “Thập Tam Trại” (nay thuộc địa bàn các quận Tây Hồ và Ba Đình - Hà Nội).
Sau khi chàng mất, dân làng Lệ Mật lập đình thờ chàng, suy tôn chàng là Thành Hoàng. Theo gương chàng, dân chúng Lệ Mật giữ vững, phát triển mạnh nghề bắt rắn, nuôi rắn.
Tưng bừng lễ hội
Đình thờ Đức Thành Hoàng nằm ở rìa phía nam làng Lệ Mật, bên bờ nam sông Đuống. Tại đây, vào tháng Ba âm lịch hằng năm, dân khu Thập Tam Trại cũ và du khách bốn phương kéo về mang theo hương hoa, lễ vật.
Các nghệ nhân trong làng tập trung làm hình nộm một con rắn khổng lồ (tượng trưng cho thủy quái). Các lực sĩ của làng được lựa chọn vào việc múa rắn và đóng vai chàng trai họ Hoàng. Một thiếu nữ xinh đẹp được tuyển chọn đóng vai công chúa.
Vào ngày chính hội (ngày 23 tháng Ba âm lịch), sau khi các nghi thức nghiêm trang được cử hành xong, mọi người đổ ra đứng kín quanh sân đình, háo hức xem diễn sự tích Chàng trai họ Hoàng đánh thủy quái, cứu công chúa.
Sau cuộc biểu diễn, người ta tổ chức thi rắn to, rắn lạ, tham gia những đám rước hoặc tụ tập quanh người già nghe kể về bí quyết bắt rắn, nuôi rắn, khai thác nọc, chữa rắn độc cắn… Du khách có thể được thưởng thức các món đặc sản chế biến từ thịt rắn và khoan khoái nhất là được nhấp ly rượu rắn hăng hắc, ấm nồng, ngây ngất trong men say tình người Lệ Mật, trong hương vị mùa xuân.
Lệ Mật hiện nay đã trở thành một làng sầm uất, vừa cổ kính vừa hiện đại, thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên, cách trung tâm Hà Nội khoảng 7 km về phía đông bắc. Nơi đây có rất nhiều người thợ, nhiều dòng họ giỏi việc bắt rắn - đặc biệt là họ Nguyễn và họ Trần; hàng trăm hộ nuôi rắn, mấy chục nhà hàng đặc sản rắn, một số chợ buôn bán rắn và nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật về rắn được tổ chức rầm rộ hằng năm. Lệ Mật trở thành trung tâm giao dịch về rắn của toàn miền Bắc, đồng thời là làng rắn nổi tiếng ở Việt Nam.
SƠN HÀ