“Quê” và “Dinh”

Bọn chúng mình bỏ Huế tha phương

Những thổ ngữ lâu ngày quên lửng mất

Bỗng hôm nay em nói lên như nhắc

Nghe vui sao giọng Huế của quê mình

(Tô Kiều Ngân)

Làng tôi chỉ cách thành phố Huế chừng sáu, bảy cây số đường chim bay, thế mà bao nhiêu năm, hai bên là hai thế giới hầu như tách biệt. Dân làng lên Huế thì bị coi như “nhà quê lên tỉnh”. Người Huế về làng cũng bị coi như “dân dinh về làng”. Tinh thần phân biệt này biểu hiện rõ nhất từ trong giọng nói: Người ở thành phố thì “nói giọng dinh”; người ở nông thôn thì “nói giọng quê”! Ðôi khi cũng có những bày tỏ phân biệt nhẹ nhàng... hơi chua như me, hơi the như bưởi thêm thắt vào lời bàn về giọng nói: Nói giọng dinh đỏng đa đỏng đảnh; nói giọng quê lảnh cảnh cục hòn…! Nhưng cũng có khi thương nhau vì khác giọng như: Trai dinh mà lấy gái quê. Bên ni thương chục, bên tê thương mười!

Thời còn đi học, xuất thân là học trò trường làng được lên Huế học, tôi như con chim non ở giữa hai luồng gió chướng. Lên Huế, phải ráng quên hết những tiếng phát âm theo giọng ở làng để khỏi bị chọc “quê”. Về làng, lại phải điều chỉnh trở lại để khỏi bị chọc “dinh”. Thế mà cũng đã có lần rát mặt khi có mấy o nhổ cỏ lúa đầu làng hát “trêu ngươi” theo giọng cười hể hả khi tôi mới đặt chân tới đường làng về thăm nhà sau một thời gian lên Huế học:

Cơm gạo tạ, cá mắm chuồn,

Cẳng phèn chưa sạch xổ tuồng giọng dinh.

Sau lũy tre làng, “nói giọng dinh” không phải là một cái tội nhưng gần như đồng nghĩa với một sự tách rời tiếng mẹ đẻ trong chiếc nôi văn hóa làng xã truyền thống của từng vùng. Người dân làng tôi chuyên nghề nông, bà con làng trên xóm dưới thiên về tình cảm. Người trong làng hết đời này đến đời nọ cứ mặc nhiên thì thầm nói trại tiếng “bình” thành “bường”, tiếng “quý” thành “quới”... để tránh phạm húy. Kiêng cữ tránh gọi tên tục của ông khai canh, của ngài khai khẩn là nghĩa vụ thiêng liêng của dân làng. Bởi vậy, mỗi khi về làng tôi phải tránh nói “tiếng dinh” còn hơn tránh nói “tiếng quê” khi lên Huế. Lạc tiếng dinh vào làng mẹ là đứa con cố tình xa làng, xa xóm làm buồn mẹ mình. Lạc tiếng quê vào thành phố thì bị cho là gã quê mùa chưa tắm gội văn minh. Tôi cố gắng hóa giải mặc cảm tự ti của mình bằng cách cố gắng học giỏi để vị thứ cuối năm càng cao càng giúp vớt vát chút mặt mày sau lớp bụi... nhà quê.

Ảnh: Tú Quyên

 Càng đi, khắp Bắc-Trung-Nam, người đi nhiều càng thấy rõ hơn bức tranh muôn màu muôn vẻ của tiếng mẹ đẻ. Ðấy là tiếng quê gần gũi và thiết thân từ trên miệng mẹ mớm cơm, mớm tiếng hò câu hát buổi đầu đời. Tiếng đầu đời đơn sơ là thế mà không có ai, ở đâu hay nơi nào khác tìm được ngoài mẹ hiền và làng quê yêu dấu của mình. Hai làng ở gần nhau nhưng có hai cách phát âm khác nhau là thực tế không có gì lạ trên khắp những vùng nông thôn Việt. Ngay cả người Huế mà vẫn có người không hiểu những kiểu nói Huế nặng âm tính địa phương. Có lần trong một buổi họp mặt thân hữu, tôi nói nhanh một câu tiếng Huế vùng quê rất thông thường và hỏi các bạn, đa số là người Huế ở thành phố, về nội dung của câu đó là gì. Ðại khái câu nói như thế này:

“Cặp cấy dôn nớ ngầy dau, bơn ôn mệ dau ra doái. Rứa mà chưa bưa, bơ níu trốt dau ra trữa cươi đập chắc!”

Thú vị nhất là vẫn có nhiều người Huế toàn ròn không hiểu được, nên một bạn phải “dịch” ra tiếng Việt quy ước rằng:

“Hai vợ chồng đó giận nhau, đem ông bà của nhau ra rủa. Vậy mà chưa vừa, nên níu đầu nhau ra giữa sân đánh nhau!”

* * *

Mùa hè 1972, khi đi chấm thi ở trường Gia Long, gặp một bài luận văn quá xuất sắc, tôi cho 18 điểm. Với mức điểm cao như thế này, bài thi phải đưa ra hội đồng giám khảo duyệt xét. Sau khi tôi mất gần mười lăm phút đọc bài làm của thí sinh và trình bày cặn kẽ lý do vì sao tôi cho điểm cao như thế thì một giám khảo khác, nói rền giọng miệt đồng bằng Nam Bộ, đứng lên “phản biện”. Anh nói một câu làm tôi chưng hửng: “Anh nói rất hay nhưng nói giọng “ngoải” làm tôi “hổng” hiểu gì cả, “dzui” lòng nói tiếng “Dziệt’ đi!”. Thì ra người này cho rằng tôi nói giọng “ngoải” (ngoài ấy = tiếng Huế) không phải là tiếng Việt!

Giữa lòng đất quê hương, người khác xứ có thể thấy kiểu nói và cách phát âm của họ, của mình hơi khang khác. Tuy vậy, họa hoằn lắm mới có trường hợp không hiểu nhau. Nhưng giữa cộng đồng thế giới, tiếng nói trở thành những đơn vị quốc gia. Khi ra nước ngoài bắt buộc phải nói tiếng của xứ nơi mình cư ngụ, như qua Tây thì phải nói tiếng Pháp; qua Mỹ phải nói tiếng Anh... Nói một ngoại ngữ tương đối đủ giao dịch đã khó, nói và nghe phân biệt được miền này xứ nọ lại càng khó hơn. Mấy ai phân biệt rạch ròi giọng “quê”, giọng “tỉnh” của tiếng Anh, tiếng Pháp như khi còn ở trên đất nước được nói tiếng Việt của mình đâu.

Tuần trước, tôi đi dự một buổi tiệc gây quỹ của cộng đồng người Việt tại địa phương. Có một người Mỹ tên Rick Murphy hát nhạc Việt khá hay và nói được vài câu bằng tiếng Việt với giọng lơ lớ. Cả hội trường vỗ tay rần rần. Cặp nam nữ dẫn chương trình (MC) lên sân khấu giơ cả hai tay lên trời, vừa thật vừa đùa với khán giả: “Ủa?! Kính thưa quý vị. Tôi và Connie đều sinh tại Mỹ. Nhưng nãy giờ chúng tôi nói cả hai thứ tiếng Anh và Việt đều ngon lành như nhau mà chẳng nghe thấy ai khen một tiếng. Trong khi đó, Rick nói được vài câu tiếng Việt “ba rọi” lại được vỗ tay tán thưởng ào ào. Như thế có “fair” (công bằng) không ạ?!”.

Ảnh: Tú Quyên

 Một khán giả nói vọng lên phía sân khấu: “Người Mỹ họ nói tiếng Việt để chơi nhưng người Việt mình nói tiếng Mỹ để sống còn. Nói để chơi mà nói được mới hay. Còn nói để sống thì bắt buộc phải nói, như trâu bò gặm cỏ, thì có gì đặc biệt đâu mà khen!”.

Tuy đó là một sự ví von so sánh hơi khắt khe nhưng không phải là không có lý. “Tiếng quê mình” chỉ còn được dùng trong gia đình và trong cộng đồng người Việt. Ra ngõ một bước là phải nói “tiếng người ta”.

* * * 

Năm 1982, gặp những gia đình qua Mỹ trước năm 1975, tôi nhận ra rằng 90% con em Việt qua Mỹ từ lúc mới tập nói hay sinh tại Mỹ đều quên tiếng Việt. Tôi cứ đinh ninh là 30 năm sau thì thế hệ trẻ chẳng còn ai biết nói tiếng Việt. Bây giờ, sau hơn 30 năm, thực tế có vẻ ngược lại điều tôi nghĩ. Nơi đâu có cộng đồng Việt Nam, nơi đó có mở trường Việt ngữ dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ. Các chùa, nhà thờ phần lớn có tổ chức các lớp dạy tiếng Việt cuối tuần.

Thế hệ thứ hai vẫn còn để lòng với tiếng Việt vì thế hệ thứ nhất dù thân ly hương nhưng tâm không ly tổ. Ông bà, cha mẹ và những người thân lớn tuổi trên bước đường xa xứ có những gắn bó tinh thần như cội rễ bám sâu vào lòng đất quê hương. Họ đã làm lan tỏa bóng mát quê mình nơi xứ người bằng nỗi khát khao giữ gìn tiếng mình không mất. Còn thế hệ thứ ba, thứ tư? Ðộng cơ và chất men giúp giữ lại tiếng nói của một dân tộc thiểu số trên xứ người là sự tương tác hai chiều giữa kẻ ở quê người và người trên quê mẹ. Khi lòng tự hào đất nước và tình tự dân tộc còn thì lòng yêu thương tiếng nói còn mãi...

TRẦN KIÊM ĐOÀN

Yosemity, Cali. Mùa đông 2013

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm