Là người dân xứ Quảng, dẫu ngay từ nhỏ đã ra Huế học ở trường Quốc Học, ăn cơm nếm (theo cách nói của người Quảng, “nếm” là việc thay đổi liên tục nơi ăn ở - NV) nhiều gia đình ở Huế khi làm gia sư; sau này tôi lại vào sinh sống và làm việc ở Sài Gòn. Vậy mà thường khi tôi mở miệng cất lời thì nhiều lúc người đối thoại quay nhìn chăm chú:
- Anh là người Quảng?
Cái giọng xứ Quảng quê tôi nghe không giàu chất nhạc và ngọt ngào nhưng sắc sảo như giọng người Hà Nội; cũng không có được cái chất ngọt ngào mà trầm lắng, dịu dàng, man mác trữ tình như giọng Huế, càng chẳng nhẹ nhàng như giọng Sài Gòn. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học có nhận xét rằng ở rải rác trong các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế, các làng xã ven biển, thỉnh thoảng lại có làng nói “giọng Quảng đặc sệt”, chẳng hạn làng Mỹ Lợi ở Phú Lộc, Thừa Thiên. Chưa có một cách lý giải nào rõ ràng, được nhiều người tán đồng về hiện tượng ngôn ngữ đặc thù này.
Tiếng nói của người Quảng quả thật có những nét riêng. Ví dụ, có những từ ngữ xứ Quảng có cách phát âm giống hoàn toàn với ngôn ngữ chung của dân Việt nhưng nghĩa lại khác xa: ô (cái dù) thì người Quảng lại dùng chữ ô để chỉ cho một dụng cụ đo lường, thường làm bằng gỗ để đong gạo (có dung lượng bằng sức chứa của ba lon sữa bò). Ngoài những hiện tượng đồng âm như vậy, lại còn những hiện tượng đồng nghĩa. Ví dụ: lôi, kéo, người Quảng nói là rị; co lại thì người Quảng nói là cù đum; hay cái ngăn kéo, cái hộc bàn thì người Quảng gọi là cái thọa...
Ảnh: Tú Quyên
Ðiều đặc biệt là cái giọng Quảng Nam rất nhiều khi phát âm vừa vụng về vừa “quê một cục” ấy (chẳng hạn thăng thì phát âm thành then; bác thì thành boác; gạo thì nói thành gộ v.v...) lại đã có lúc được chính thức công nhận là giọng nói tiêu chuẩn của tiếng Việt (ngay cả giọng Hà Nội cũng chưa từng được như thế!). Ðại Nam nhất thống chí từng ghi rõ: “Còn như tiếng nói thì bình dị rõ ràng, so với các tỉnh thì ở đây vừa thích trung; tuy Kinh sư cũng lấy tiếng Quảng Nam làm chính” (Cao Xuân Dục dịch, Bộ Giáo dục Sài Gòn xuất bản, năm 1964, tr. 15). Ta nên nhớ rằng Ðại Nam nhất thống chí là tác phẩm chính thức của Quốc sử quán triều Nguyễn, nên câu trên có thể coi là quan điểm chính thức của triều Nguyễn về giọng nói tiêu chuẩn của tiếng Việt.
Sự công nhận ấy được thể hiện cụ thể khi triều Nguyễn, từ thời Minh Mạng, trong các dịp tế trời vào ngày rằm tháng Giêng tại đàn Nam Giao, vị quan đọc văn tế bao giờ cũng là người Quảng. Có thể là do cái chất giọng Quảng Nam thường to, vang xa, lôi cuốn. (Trong lịch sử hiện đại, các cuộc mít-tinh, biểu tình của sinh viên, học sinh tranh đấu chống Mỹ trong các đô thị miền Nam trước năm 1975, những người “xách động” thường là những sinh viên người Quảng, nên có một nhà báo đã nói đùa rằng cái giọng Quảng Nam chỉ được mỗi một việc là kêu gọi đi biểu tình hồi chống Mỹ!)
Tôi có người bạn vốn là một nhà báo. Trong một lần anh nằm bệnh, tôi đến thăm anh trong bệnh viện. Có lẽ cái tâm trạng buồn rầu của người đã nhiều ngày phải nằm yên trên giường bệnh khiến anh cảm thấy có nhu cầu tâm sự. Anh kể trong một lần đi khám bệnh ở Singapore, tình cờ trong một quán ăn, anh nghe và nhận ra giọng nói của một cô gái đồng hương đang làm phục vụ bàn. “Trong tôi đột nhiên cảm thấy như thật sự gần gũi, quen biết cô đã lâu ngày. Cô lấy chồng và sang sinh sống hẳn ở đây. Chẳng may, một năm trước chồng cô qua đời sau một cơn bạo bệnh…”.
Ảnh: San Pedro
Tâm sự kéo theo những hẹn hò ngoài giờ làm việc và giữa hai con người cùng quê gặp nhau nơi xứ lạ ấy, tình yêu bất chợt ùa đến. Nhưng rồi anh phải trở về Việt Nam, còn cô cũng không thể dứt bỏ mọi thứ để có thể theo anh. Hai con người yêu nhau từ tình đồng hương trong những ngày lưu lạc trên đất khách quê người ấy đành xa nhau, lòng vẫn không nguôi thương nhớ.
Còn tôi, thỉnh thoảng lại xách xe chạy lên chợ Bà Hoa, nằm sâu trong khu vực Ngã tư Bảy Hiền, “vương quốc của nghề dệt người Quảng”, để mua một miếng xôi đường, mươi lá mì Quảng để được nghe khắp chung quanh mình cái chất giọng Quảng Nam quê mùa mà thân thiết, dấu yêu.
Cũng chính ở khu Bảy Hiền, ngày đó, tôi còn là một sinh viên theo học tại Ðại học Huế, chạy vào Sài Gòn cùng với các anh chị trong Tổng hội Sinh viên Sài Gòn xuống đường. Một lần bị cảnh sát truy đuổi, tôi chạy vào khu Bảy Hiền. Ðang cuống quýt hỏi đường khi lạc trong “mê cung” của làng dệt, vì nơi đây có những con đường nhỏ như đan vào nhau, thì lại gặp phải một bác người Quảng chính hiệu. Thay vì nhanh chóng chỉ đường, bác lại lý sự: “Chớ anh ở mô tới mà hỏi lạ rứa? Ðường ni không tới chợ Bà Hoa thì tới mô!”. Tuy lý sự như vậy nhưng khi biết rõ tình cảnh của tôi thì ngay lập tức bác đưa về nhà, lấy áo quần thợ dệt cho mặc. Những ngày tiếp theo, tôi biến thành một người thợ dệt bất đắc dĩ. Cái tình đồng hương sâu nặng ấy thử hỏi mấy ai có thể dám quên!
Mới đây, tôi có dịp trở về quê cũ, đi lại trên con đường làng ngày xưa rợp bóng tre, nay đã được bê tông hóa. Chẳng gặp được một người quen, lòng chợt ngậm ngùi, vừa nhớ thương cha mẹ đã khuất lâu năm, vừa thương mình tha hương, đến khi quy cố hương thì giống như Hạ Tri Chương ngày xưa - xót xa đứng ở đầu làng mà nhận ra rằng “Giọng quê không đổi, sương pha mái đầu” (Trần Trọng San dịch). Lại nhớ ca từ của một nhạc sĩ thiên tài vừa mới ra đi: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời” để còn biết “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”..., vì vẫn chưa bao giờ ngừng hy vọng và vẫn vững tin rằng sẽ có một “ngày xuân tôi hát nên bài tình ca” (Phạm Duy).
NGUYỄN GIAO THỦY