Dưới những gốc cây cổ thụ như cây dầu dù 300 năm ở Trà Vinh, cây da ở huyện An Phú, cây dầu ở Tịnh Biên (An Giang) đều có miếu thờ ông Tà. Ở vùng Bảy Núi, Láng Linh (An Giang), Tháp Mười (Đồng Tháp) có rất nhiều nơi thờ ông Tà.
Miếu Ông Tà bên cạnh gốc cây da cổ thụ ở huyện An Phú - An Giang.
Miếu ông Tà thường nằm ở những nơi như đầu vàm, cuối rạch, giữa đồng hoặc bên cạnh gốc đa, gốc gừa, doi đất…. Nói là miếu chứ thật ra chỉ là một cái nhà cực nhỏ, sơ sài, rộng chừng 1 m2 đủ chất vài cục đá và chiếc lư hương. Có khi “ông Tà” nằm ngoài mưa gió hoặc thu mình trong những bọng cây. Hằng năm, mỗi lần bà con rước thầy về cúng thổ thần, bao giờ cũng dành riêng cho ông Tà một mâm rượu thịt.
Những viên đá hình tròn, nhẵn nhụi đặt trong miễu, trên gò đất cao hoặc bên cạnh gốc cây là hình tượng tiêu biểu cho ông Tà. Hình tượng ông Tà đã ăn sâu vào tâm thức của nhiều người, nhất là cư dân miệt vườn sông nước.
Phải chăng ông Tà tức là ông thần ác mà chúng ta thường thấy ở đình (một bên có thần thiện, một bên có thần ác)? “Tà”, như vậy, được hiểu nghĩa đối lập với “chính”. Té ra không phải vậy. Theo cụ Vương Hồng Sển, nhà nghiên cứu văn hóa nổi tiếng, “ông Tà trừng phạt những kẻ gian ác, bất chính, còn đối với người ngay thẳng, chính trực thì luôn luôn phù trợ”.
Ông Tà, trong những truyền thuyết dân gian, rất thương trẻ con, tới mức bọn nhóc tỏ ra nghịch ngợm rắn mắt thì ông cũng không bao giờ quở phạt.
Ông Tà hết sức bình dân trong việc thờ cúng: Không đòi hỏi cầu kỳ và tốn kém mà chỉ cần một gò đất cao, một gốc cây, bệ đá, thậm chí sống chung với thổ thần cũng được, miễn sao có chỗ đi-về, vì tính ông Tà hay du sơn ngoạn thủy, ít khi ngồi một chỗ như các vị thần khác. Đồ ăn có gì cúng nấy, nghèo thì nải chuối, ba vắt xôi, giàu thì gà, vịt, đầu heo và một bình rượu trắng. Quan trọng là tấm lòng thành.
Vậy, ông Tà là ai?
Một bằng chứng về giao thoa văn hóa
Ông Tà có nguồn gốc từ kho tàng văn hóa của người Khmer. Đó là một vị thần mang tên Neak-ta, có quyền năng cai quản trong phạm vi phum sóc hoặc một khu vực rộng lớn hơn. Người Khmer cho rằng những thiên tai, bệnh tật đều do sự bất kính của con người đối với ông Tà. Mỗi lần đi ngang qua miễu ông Tà, họ đều giở nón, lột khăn và kính cẩn nghiêng mình.
Thần Neak-ta khi đi vào cách phát âm của người Việt đã được biến âm thành “Tà”, “ông Tà”. Té ra là vậy, khỏi phải suy nghĩ méo mó.
Theo khảo cứu của cụ Vương Hồng Sển, “Neak-ta có nhiều cấp bậc. Có những ông Tà được thờ nơi góc giường, chuyên lo chuyện trong nhà ngoài cửa. Có những ông lại lo việc cứu người bị rắn cắn. Lại có những Neak-ta có miếu thờ đàng hoàng ở các ngã ba, ngã tư đường hoặc đầu gành cuối bãi, trách nhiệm và địa vị cũng giống như thổ địa của người Việt”.
Trong quá trình cộng cư ở miền Tây Nam Bộ, người Việt, Khmer, Hoa đã có sự giao thoa văn hóa với nhau. Tục thờ ông địa và thần tài của người Việt xuất phát từ người Hoa, còn thờ ông Tà là của người Khmer.
Trong cuốn Nửa tháng trong miền Thất Sơn, tác giả Nguyễn Văn Hầu có đoạn ghi: “Ông Tà của người Miên cũng như ông thần của mình. Người ta tin rằng ông thần đã nhập vào viên đá mới xui khiến cho ai đó bắt gặp được mà đem về thờ. Bao giờ thần không muốn ở nữa thì bỏ mà đi và viên đá tự nhiên mất tích”. Tương truyền tại vùng biên giới Tây Nam, xưa kia có một cái miễu ông Tà rất linh, nhiều người thường mang tiền và lễ vật đến cúng, đặt trước các viên đá rồi bỏ về nhưng không ai dám trộm cắp vì sợ thần bẻ cổ.
Về lai lịch của ông Tà xưa nay có rất nhiều giai thoại thật huyền bí và hấp dẫn. Có người đồn rằng ông Tà được thờ trên bọng cây, nếu có ai đó bướng bỉnh, chơi cắc cớ đem ném xuống ruộng, nhất định vài hôm sau ổng sẽ trở về chỗ cũ.
Để có được một chỗ thờ trang nghiêm, bà con chọn một gò đất thật cao, xung quanh vắng vẻ để dọn nền cất miễu thờ ông Tà. Cạnh bên miễu thường trồng cây đa, cây xộp hoặc bụi tre để tạo bóng mát.
Với người Việt, bà con chấp nhận tục thờ ông Tà cũng giống như tục thờ thổ thần hoặc thần tài và ông địa, bởi vì ai cũng muốn trong nhà ngoài ngõ luôn có một vị thần trông coi việc gia cư, định đoạt phúc họa và mang lại an cư lạc nghiệp cho xóm làng.
Đó là tâm lý khôn khéo “có kiêng có lành”, bàng bạc trong suy nghĩ của người Việt.
HOÀI VŨ