“Gia phả ngầm” ở Nam bộ

Một lần tôi dẫn bạn bè đi “điền dã” ở đồng bằng sông Cửu Long, nhà báo Phan Văn Tú (khi đó công tác tại Ðài Truyền hình Ðồng Nai, hiện là giảng viên khoa Báo chí, Ðại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) hỏi: “Miễu thổ thần và bàn thông thiên ở Nam Bộ có để những hũ gạo, muối, nước nho nhỏ. Có nơi còn có bó củi. Ðiều đó thể hiện cái gì?”.

Một lần đến Cai Lậy (Tiền Giang) thăm nhà nghiên cứu văn hóa Trương Ngọc Tường, ông kể: Một người anh họ của ông ở Cai Lậy đi kháng chiến. Năm 1963, người này chiến đấu ở Cao Lãnh, đến nhà dân thấy cúng việc lề có miếng da voi, nhớ cha anh đã từng cúng như vậy nên anh bật khóc. Chủ nhà thấy lạ, hỏi “phăng” ra thì ra chủ nhà cũng họ Trương và có quan hệ dòng họ năm đời với anh.

Ðó chính là những “gia phả ngầm” ở Nam Bộ.


Ảnh: Hoàng Trung Thủy 

Cúng việc lề

Năm 1980, một lần tôi ghé làng Bình Ðức, Bến Lức (Long An), nơi có làng chài xưa của anh hùng Nguyễn Trung Trực để thăm gia đình bà xã tương lai. Tại đây tôi chứng kiến một nghi thức cúng kiến khá kỳ lạ. Dòng họ Huỳnh bày mâm cúng trên lá chuối, lá sen ở bờ sông Vàm Cỏ Ðông, sát đám lá dừa nước. Nhiều thức cúng tôi không biết, đặc biệt có đĩa rau luộc, thủ vĩ lợn, tam sên, đĩa thịt sống và hình nộm bằng rơm với năm tàu lá dừa, năm mũi tên hình thành thế trận ngũ hành. Chủ tế là ông cha vợ tương lai của tôi, con thứ 12 của dòng họ Huỳnh - chiếm ba phần tư dân số xã này. Họ Huỳnh này gốc của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Ðức (tên thật là Huỳnh Tường Ðức, được vua Gia Long ban họ Nguyễn). Cha vợ tôi giải thích: “Dòng họ Huỳnh gốc miền Trung vào khai phá vùng đất này có nhiều hổ dữ. Vì thế gia tộc phải cúng chúa sơn lâm bằng thịt sống, cọp no thì ông bà mới về ăn được. Còn hình nộm và đồ thế là của người đi sông, đi biển”.

Gặp nhà nghiên cứu văn hóa Trương Ngọc Tường, ông giải thích: Dân gian có thành ngữ “đất có lề, quê có thói”. Lề trong phương ngữ Nam Bộ có nghĩa là công việc gì đó được lặp đi lặp lại. Cúng việc lề (cúng lề) là lễ cúng lặp đi lặp lại theo thông lệ, tục lệ… của một dòng họ. Ðó là “đám giỗ hội” của dòng họ, ngày tưởng nhớ tổ tiên đi khẩn hoang lập ấp, có từ thế kỷ 17-18 ở Nam Bộ. Cúng việc lề là nghi thức tín ngưỡng truyền thống được hình thành trong quá trình khẩn hoang vùng đất Nam Bộ. Tín ngưỡng này không có ở miền Bắc và không rõ ràng ở miền Trung. Ðó chính là “gia phả ngầm” của người Việt ở Nam Bộ. Người dân Nam Bộ thần bí hóa cúng việc lề bằng câu răn cửa miệng: “Dòng họ nào không cúng thì con cháu làm ăn không khá”. Trong lễ cúng, nhiều nội dung được đan ghép vào nhau, trước hết là cúng việc lề, sau là sẵn cúng đất, cúng cô hồn, cầu an cho dòng họ... Nếu không tìm hiểu rõ, dễ cho là mê tín.

Trong dòng họ, không phải ai cũng có quyền cúng, mà phải là người có uy tín, có hưởng lộc tổ tiên, có đạo đức, biết quan tâm đến dòng tộc mới được phân công, gần giống như người trưởng họ, tộc ở miền Bắc. Mỗi dòng họ có ngày cúng riêng. Thời điểm cúng thường là trước và sau tết Nguyên đán: Long An ngày 25 tháng Chạp âm lịch; Tiền Giang ngày 19 tháng Giêng âm lịch hoặc 19 tháng 3 âm lịch; vùng Ðồng Tháp Mười cúng vào mùa nước nổi, lúc sản vật dồi dào, hoặc là ngày giỗ ông thủy tổ dòng họ đi khai hoang trong Nam.

Nghi thức thả thuyền để tiễn đưa tổ tiên về thăm quê hương ở miền Trung trước khi vào Nam lập nghiệp. 

Những ký hiệu riêng của dòng họ

Sau khi khảo sát nhiều nơi người viết mới phát hiện ra lễ vật cúng việc lề toàn là “ẩm thực khai hoang”. Có thể chia làm hai phần:

Phần chung cho tất cả dòng họ, bắt buộc phải có. Bốn lễ vật vốn là thứ không thể thiếu của cư dân miền Trung đi ghe bầu vào Nam khẩn hoang mang theo đi trên biển, trên sông là hũ gạo, hũ muối, tĩn nước, bó củi.

Món kế tiếp không thể thiếu trong cúng việc lề là món cháo ám. Ðó là món cháo cá lóc (cá quả miền Bắc, cá tràu miền Trung). Cá lóc đánh vẩy bằng dao tre, dân khẩn hoang nghèo không có dao bằng thép, vì thế không thể cắt kỳ, vi, đuôi và để nguyên con nấu cháo. Kế tiếp là cá nướng trui, mắm sống. Rau rừng gồm có rau choại, cải trời, rau lang, rau muống, rau dừa, rau mác, mã đề, rau má, nhãn lồng, bắp chuối… cứ hái hoặc luộc hoặc để sống cũng là thức cúng.

Ðiều khác biệt là mỗi dòng họ có một lễ vật thật đặc biệt mang liên quan đến sự tích ông tổ dòng họ hoặc có ý nghĩa nào đó với dòng họ. Ðó có thể không phải là thức ăn mà là một vật tượng trưng cho dòng họ, khi nhìn thấy ai cũng nhớ, cũng biết gốc tích gia tộc của mình. Ðây mới chính là “gia phả ngầm”.

Chẳng hạn, dòng họ Mai ở Cai Lậy (Tiền Giang) cúng hình nộm - là hình người bện bằng rơm, dựng trên một cọc gỗ, cúng xong thì đốt đi. Ðây là tục đốt đồ thế của người đi biển miền Trung. Họ Trương cũng ở Cai Lậy cúng miếng da voi và bày cung tên theo thế trận ngũ hành. Ông Trương Ngọc Tường, người trong họ này, giải thích thủy tổ dòng họ Trương là thợ săn từ miền Trung vào.

Ở Gò Công (Tiền Giang), Bến Lức (Long An) vật tổ có thể là ba con ốc, ba con cua. Ở Cao Lãnh, vật tổ có thể là đĩa mắm sống với bắp chuối đập dập… Họ Võ ở Mộc Hóa (Long An) bắt buộc phải có gỏi da tượng (nay thế bằng miếng da heo cắt hình voi để nguyên trên mâm) vì tương truyền ngày xưa, trước khi về Ðồng Tháp Mười, họ này chuyên săn bắn...

Vị trưởng lão cúng việc lề một dòng họ Trần ở Long An. Ảnh: Nguyễn Quốc Hùng

Tái hiện sinh hoạt thời mở đấ

Ðiểm đặc biệt trong nghi thức cúng việc lề là người cúng cố tái hiện cuộc sống nhọc nhằn, cơ cực của ông bà, tổ tiên thời xưa đi khẩn hoang ở Nam Bộ. Thức cúng chỉ dọn trên lá chuối, lá sen và cúng ở ngoài trời chứ không cúng trong nhà, trên bàn ghế. Sau này, việc cúng có cải tiến thì cũng chỉ trải đệm hoặc chiếu dưới đất và vẫn cúng ngoài sân. Chén cúng thì bằng gáo dừa (muỗng dừa), đũa làm bằng que tre…

Cúng việc lề còn là dạng “giỗ hội”, là ngày “hiệp kỵ” tổ tiên của một dòng họ. Ở Nam Bộ, các đám giỗ cha mẹ, ông bà nội ngoại, ông bà cố được tổ chức hằng năm kỷ niệm ngày mất. Việc cúng từ đời thứ tư trở đi, ông cố, ông sơ… được tổ chức gom chung lại thành giỗ “cửu huyền thất tổ” trong ngày cúng việc lề. Ở những nơi không có cúng lề thì lễ chung này gọi là giỗ Chạp, thường hay chọn một ngày trong tháng tảo mộ trước tết Nguyên đán cũng gọi là “lễ chạp”.

Cúng việc lề là tín ngưỡng đặc thù của địa phương Nam Bộ, được hình thành từ thời khẩn hoang đến nay đã trên dưới 300 năm. Cúng việc lề hoàn toàn mang tính cách riêng tư của từng dòng họ, nên mỗi dòng họ tự quy ước với nhau về ngày cúng và thức cúng, như là một hình thức ghi “gia phả ngầm”, một “ký hiệu riêng” của nhiều dòng họ ở Nam Bộ . Chính nhờ những “ký hiệu riêng” ấy trong cúng việc lề mà người cùng dòng họ có thể nhận biết được nhau trên bước đường lưu lạc.

NGUYỄN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm