Tết ở làng Lụa Hội An

Từ tháng 8-2012, làng Lụa bắt đầu được triển khai, do Công ty Cổ phần Tơ lụa Quảng Nam đầu tư trên 20 tỉ đồng, với sự tư vấn của kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính.

Du khách tham quan làng Lụa.

Du khách khi tới “làng Lụa Hội An” có thể thưởng thức những điệu hò câu hát dân gian miền Trung. Điều này giúp du khách cảm nhận sâu sắc hơn về vẻ đẹp của những cô gái chuyên canh cửi tằm tang, nơi từng có một chuyện tình đẹp cách đây khoảng 300 năm giữa một thôn nữ xứ Quảng đi hái dâu bên sông Thu Bồn với thế tử Nguyễn Phước Lan, con của chúa Sãi. Sau này cô gái ấy trở thành con dâu nhà chúa với tên gọi Đoàn Quý Phi. Hiện nay ở đầu làng Lụa có nhà thờ bà chúa nghề tơ tằm họ Đoàn.

Ông Lê Thái Vũ, Giám đốc Công ty Cổ phần Tơ lụa Quảng Nam, người có thâm niên làm lụa tơ tằm hơn hai chục năm, cho biết ông đã bỏ công sưu tầm 40 giống dâu đã từng hiện diện ở xứ Đàng Trong, sưu tập từng khung dệt cổ xưa trong các làng Mã Châu (Duy Xuyên), làng dệt trên vùng Trung Phước (Quế Sơn)…

Hoạt động chính của làng Lụa là phục hồi văn hóa làng nghề tơ tằm canh cửi từng một thời sản xuất ra lụa Quảng Nam và thổ cẩm Chăm nổi tiếng, vào giai đoạn Hội An còn là thương cảng phát đạt để đưa tơ lụa của Quảng Nam ra thế giới. Ngày ấy, người xứ Đàng Trong tự hào nơi đây khởi đầu con đường tơ lụa trên biển của người Việt.

Những ngày tết này, thật ngỡ ngàng và thú vị khi đặt chân tới làng Lụa. Cảm giác thật êm đềm, sống động, gợi nhớ lại hình ảnh những phiên chợ phồn vinh với những tấm lụa thướt tha của một thời đất Quảng xa xưa…

TRẦN TRUNG SÁNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm