Dân ca xứ Nẫu

Mừng quá vội mời (không biết xưng hô thế nào) vô nhà uống chén nước đã… Thế là súc bình, pha trà… và nhận “đồng hương”.

Con chim hót gọi đàn, con sói hú kêu bầy… Vùng nào có phương ngữ vùng đó. Những phương ngữ có thể khiến người ít có dịp tiếp xúc nghe không hiểu gì hết, ngỡ như một bên nói tiếng Tây, một bên nói tiếng Tàu nhưng lại là sợi dây tình cảm kết nối những người xa xứ lâu năm.

Thử nghe câu ca dao:

Chiều chiều mây phủ Ðá Bia

Ðá Bia mây phủ… chị kia mất chồng

Mất chồng như nậu mất trâu

Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bôm

Ảnh: Đào Tiến Đạt

Nậu là gì? Thời Chúa Nguyễn Hoàng, có các đơn vị hành chánh cơ sở: thôn, phường, man, nậu. Thôn là đơn vị hoàn chỉnh; phường là nơi tập họp nhóm người cùng làm một nghề (Phường Lụa, Phường Củi, Phường Câu…); man là những xóm hẻo lánh nơi miền núi. Và nậu, theo giải thích trong Thực lục tiền biên, là tập họp nhóm người làm ruộng. Sau này nậu còn có nghĩa là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, nên người đứng đầu gọi là… đầu nậu. Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm...

Khi Hùng Lộc hầu mở cõi vào đất Khánh Hòa ngày nay, lập ra dinh Thái Khang, không thấy có đơn vị nậu. Do vậy từ Khánh Hòa trở vào không nghe tiếng nẫu. Nẫu là biến âm của nậu ấy.

Nghe tiếp một câu hò:

Ðỗi đàng ở dưới lên đây

Tui không biết thứ, chị em bày tui kêu

Chợ phiên Dinh nẫu họp buổi chiều

Cũng lắm người bán, cũng nhiều người mua…

Nẫu là nhân vật đại danh từ ngôi thứ ba số nhiều, có nghĩa như họ, người ta, thiên hạ. Một người con gái than trách về người yêu vầy:

Thương chi cho uổng công tình

Nẫu về xứ nẫu, bỏ mình bơ vơ.

Bây giờ, nẫu đã thành một từ được nhiều người hiểu. Có một trang mạng tên Xứ Nẫu, người chủ trương xưng là Sáu Nẫu. Ở Sài Gòn có quán ăn tên Nẫu, lại có quán khác là Nẫu Sài Gòn chuyên bán các món đặc sản Bình Ðịnh. Mà khỏi cần giải thích, thấy tên quán là biết chủ ý phục vụ ai, gợi nhớ cái gì rồi!

Quảng Nam và Quảng Ngãi cách nhau bởi đèo Bình Ðê, có quan hệ mật thiết từ thời là các phủ Thăng Hoa, Ðiện Bàn, Tư Nghĩa, giọng nói gần giống nhau. Bình Ðịnh và Phú Yên cách nhau bởi đèo Cù Mông, có quan hệ mật thiết từ thời là phủ Quy Nhơn và đạo Phú Yên, cũng có giọng nói gần giống nhau. Ra Bắc, vào Nam, thậm chí chỉ ra Huế, thường được gọi chung là “người Quảng”. Nhưng hai người đồng quê tình cờ gặp nhau nơi chợ Ðồng Xuân hay chợ Bến Thành, chợt nghe tiếng nói “người Quảng” đã biết ngay là người “trong mình” hay “ngoài mình”. Phải chăng vì biết là “người trong mình (hay) ngoài mình” rồi thì sẵn sàng đặt sự tin tưởng để nhờ vả hay giúp đỡ lẫn nhau.

Một anh bạn kể chuyện: Hồi đó anh ta trốn lính, bỏ quê lên Tây Nguyên. Bị phát hiện, may mắn trời thương sao… người định bắt anh ta nói: “Ông ở đau mà nghe giọng nói quen quen? (Cười) Dân nẫu hớn? Tui cũng dân nẫu đay”. Mừng quá vội mời (không biết xưng hô thế nào) vô nhà uống chén nước đã… Thế là súc bình, pha trà… và nhận “đồng hương”.

Anh bạn được chỉ vẽ cho cách khai báo thất lạc giấy tờ trong vùng mất an ninh, tìm nhân chứng làm lại khai sinh “đôn lên” vài tuổi, vượt qua được ngưỡng cửa “động viên”. Bây giờ, cũng nhờ cái tuổi đôn ấy mà anh hưởng trợ cấp già trước các bạn đồng tuế. Anh nói: “Thời còn trai, đi đâu bị cho là “dân nẫu” có phần mắc cỡ vì mặc cảm tự ti quê mùa. Sau mới nghiệm ra mỗi địa phương có một số ngôn ngữ biệt dụng. Mình “quê” cái này thì họ “quê” cái khác. Có sao đâu! Năm ấy, nếu tôi không gặp điều may mắn như vừa kể, không biết giờ này có còn được ngồi dan ca với ông không!”.

Dan ca là nói chuyện dông dài, hết chuyện này sang chuyện khác, bây giờ các bạn trẻ gọi là tám.

Dan ca thì nói biết bao giờ hết nhưng thôi, xin ngưng lại ở đây. Nhắc nhiêu đó cũng đã thương cái tình xứ “nẫu” lắm rồi!

TRẦN HUIỀN ÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm