Tôi xa quê từ ngày còn bé, đó là những năm đất nước còn chia cắt, mỗi lần nghe bom rơi đạn lạc là mạ tôi lại tha tôi như mèo tha con động ổ. Lần đầu tiên xa ngôi trường làng ở Huế, vào Ðà Nẵng bị mẹ đưa vào học một lớp lạ hoắc, cậu bé tôi bật khóc rồi lại chịu nín khi nghe lời cô giáo dỗ dành: “Có cô đây, nín đi, có chi mô mà sợ hè”…
Sau ngày đất nước thống nhất, tôi lưu luyến rời quê nhà ra Bắc học. Lần đầu tiên đặt chân xuống ga Hàng Cỏ (Hà Nội), sự lạ lẫm tiếng quê người cùng cơn mưa chiều làm tối sầm trời đất khiến nhuệ khí chàng trai trẻ trong tôi xẹp như bong bóng xà phòng. Mệt mỏi khoác chiếc ba lô, tôi hỏi một người đàn ông gần đó: “Eng (anh) chỉ cho em đường tới Bến Nứa?”. Anh ta nhìn tôi dò xét rồi ái ngại nói bằng giọng Bắc: “Bến Nứa giờ này không còn xe, mà đến đó ở lại cũng phức tạp lắm. Tốt hơn em nên kiếm nhà nghỉ tá túc rồi ngày mai hãy đi”. Tôi không quen biết ai trên đất khách và tiền mạ cho cũng không nhiều, đành chọn một chỗ trong nhà ga ngồi đợi qua đêm…
Ðang gục đầu trên chiếc ba lô thì bất chợt có bàn tay ai đó vỗ vào vai tôi, rồi một giọng Bắc: “Em dân Bình Trị Thiên hả?”. Ngẩng đầu lên, nhận ra là người đàn ông lúc nãy, tôi uể oải trả lời: “Dạ!”. Không ngờ người ấy lại đổi ngay giọng nói: “Ồ, rứa là tụi mình đồng hương rồi! Ra đó uống đọi nước cho ấm bụng rồi eng (anh) em mình nói chuyện cho bui (vui) đi”. Ở một nơi tưởng chừng tất cả đều xa lạ lại bỗng dưng có người nói tiếng quê mình tới làm quen, lòng tôi bừng lên một niềm vui đến… ngộp thở.
Sau một cốc nước chè và miếng bánh nướng, anh hỏi: “Em ra Bắc Ninh mần chi rứa?”. “Dạ em ra học”. Sau khi coi giấy tờ của tôi, anh suy nghĩ một hồi rồi nói: “Em về nhà anh nghỉ nghe?”. Tôi mừng quýnh, líu ríu leo lên ngồi sau chiếc xe đạp của anh. Tiếng xích sắt mở cửa rổn rẻng, anh nói với vợ: “Em ơi, nhà mình có khách”… Ðêm đó hai anh em nằm ken nhau trên chiếc bàn ăn chật ních và anh hỏi han tôi đủ thứ chuyện… Người đồng hương lần đầu tiên tôi gặp trong đời là thế đó! Ðể rồi trong mấy năm trời học tập trên đất Bắc, nhà anh đã trở thành nơi tôi tá túc mỗi khi từ Bắc Ninh lên Hà Nội mua vé về quê.
Ảnh: Shenvi
Gần hai mươi năm sau, dòng đời đẩy ngược tôi trôi dạt vô Hậu Giang. Dân bản xứ bảo rằng tôi nói tiếng “nước Huế”! Hơn năm trời làm cho một công ty vận chuyển vật liệu, mỗi khi giao dịch với khách hàng, tôi nói mà họ vẫn tỏ vẻ không hiểu gì! Ban ngày đi làm gặp tình cảnh vậy, chiều đạp xe về phòng trọ ở khu Trà Nóc, nhiều lúc chân tôi đạp xe vu vơ, không thiết về cái nơi mà đêm đêm nằm nghe tiếng cuốc kêu ngoài bờ dừa nước buồn đến cháy ruột.
Chiều nọ, tôi đứng trên bờ sông Hậu, miên man nhìn lục bình thì một người đàn ông râu ria lởm chởm tới hỏi: “Anh là người Huế?”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Ủa sao anh biết?”. “Tôi là Năm Râu tài xế xe lôi, mấy thằng đồng nghiệp đang uống rượu trong quán nói cho tôi biết, anh hay đi xe của họ mà. Tôi cũng là người Huế mà!”. Rồi Năm Râu rủ: “Thôi, vô làm vài ly! Anh đứng ngó sông ngó nước, tôi cũng buồn lây”. Hôm ấy tôi đã say. Ðể rồi sáng hôm sau tỉnh dậy, quanh mình xôn xao những giọng nói “răng, rứa…” làm tôi ngờ ngợ hình như đang ở quê nhà. Hóa ra tối qua, Năm Râu đã xốc tôi lên xe lôi và “lôi” tôi về nghỉ trong mái ấm của anh bên bờ sông Ô Môn, nơi có hàng chục gia đình người Huế tìm đến nương nhau. Từ đó, mỗi khi thấy quê hương xa ngái qua tầm mắt dõi nhìn từ bờ sông Hậu, tôi lại về Ô Môn soi bóng mình trong mắt đồng hương cho dịu bớt nỗi nhớ nhà.
Vài năm sau, tôi lại dắt díu gia đình vào chốn Sài thành mưu sinh. Một bận tôi tưởng mình bị loạn trí nhớ khi điện thoại tôi vang lên giọng nói: “Anh hả, má có mạnh giỏi không?”. Một giọng lạ hoắc kèm âm hưởng miền Trung làm tôi lục tung trí nhớ nhưng vẫn không tài nào biết người đó là ai. Bèn hỏi: “Xin lỗi anh là ai?”. “Dạ, em Hùng đây mà anh!”. Ôi chao, thằng em tôi từ quê mới vô Nam hơn một năm lại có cái giọng thịt ba rọi chấm đường! Tôi hét lên: “Em tao chỉ có thằng Tí. Tao không có má nào hết mà chỉ có mạ thôi. Mạ tao mạnh khỏe chứ không mạnh giỏi được” (!). Từ đó cậu em không bao giờ dùng nhầm tiếng nói “lạ” của mình với những người thân thuộc nữa.
Có nhiều lý do mà có người cố giấu gốc tích mình bằng trăm lần vải bọc. Nhưng giọng nói là một phần bẩm chất của mỗi người, có liên quan mật thiết tới thổ nhưỡng và phong tục tập quán đặc trưng nơi sinh trưởng. Ðối với người cùng quê, người giả giọng giỏi đằng trời cũng bị phát hiện. Nhớ lần ngồi chờ mua vé tàu, các đồng hương Huế ngồi đợi lâu, nói chuyện dây cà ra dây muống. Một người “ngứa miệng” hỏi tôi: “Anh mua vé đi Quảng Bình hở?”. Tôi khen thầm tay này khá tinh ý, bởi thời trẻ tôi có gần hai mươi năm công tác ở hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, để rồi không biết tự lúc nào mà giọng tôi trở nên trầm đục, phát âm gọn, không bị kéo dài ra những từ như “ăng (ăn) cơm, uống (uốn) tóc…” thường gặp ở người Huế. Vậy mà một người có tuổi ngồi bên đốp liền: “Răng lại noái (nói) anh ni mua vé đi Quảng Bình. Cái lối noái chậm rãi, thỉnh thoảng nhìn sâu vào mắt người nghe nớ là… của người Huế mình đó” (!).
… Chiều cuối năm, tôi đang trên đường về nhà thì điện thoại tôi rung lên: “Chào, Chủ nhựt ni họp hội đồng hương, ông nhớ hô hào mấy đứa khấm khá đóng góp quỹ hội tăng một tí để có món quà ra tấm ra miếng cho mấy cháu nhà nghèo hiếu học nghe…”. Ðó là thằng bạn cùng làng. Năm ngoái hai đứa cùng về thăm quê. Ngày sắp đi, hắn nhờ tôi tới chụp cho gia đình hắn một tấm hình lưu niệm. Mẹ hắn đang cầm chổi xuốc cươi (quét sân) bị kêu vào đứng trước ống kính, lẩm bẩm hỏi: “Chụp khúc côi hay cả khúc đưới?” (Chụp phần trên hay cả người?). Tôi trả lời: “Dạ, cả khúc đưới o ạ!”. Lúc nớ mụ mới chịu xả hai cái ống quần xuống!
* * *
Ðôi lúc tiếng nói vùng này thành khó nghe, khó hiểu với người vùng miền khác nhưng lại đậm chất dính kết giữa những con người xa quê, kéo họ xích lại gần nhau sống đầy ắp tình cảm. Nó như sự neo nhớ vô hình giữa con thuyền viễn xứ với bến cũ, là những âm hưởng mang giai điệu quê nhà mà ngay cả những vĩ nhân cũng muốn đắm mình trước khi trút hơi thở cuối cùng.
TRẦN KIÊM HẠ