TP.HCM đã làm nên hiện tượng ở làng bóng quốc nội với những bước tiến chậm mà chắc dưới thời HLV Chung Hae-seong. Sau 11 trận đấu, họ đã thắng 8, hòa 2, thua 1 và chễm chệ ở ngôi nhất bảng quen thuộc.
Cũng có lúc TP.HCM bị rơi xuống nhì bảng V-League, như khi họ thua trên sân Hà Nội 0-1 ở vòng 7 nhưng đã nhanh chóng trở lại với chuỗi trận bất bại ấn tượng. Tuy nhiên, cái thua ấy cũng phần nào nhìn ra khả năng của nhà đương kim vô địch Hà Nội không đơn giản nếu họ chịu tập trung chơi hết mình với đối trọng tiềm ẩn nhiều cơ hội lật đổ mình.
Trung vệ Đình Trọng bị thẻ đỏ trong cảnh dầu sôi lửa bỏng và Duy Mạnh chấn thương đã làm Hà Nội gãy nửa hàng thủ. Ảnh: NGỌC DUNG
Trái ngược với sự thăng hoa của bóng đá TP.HCM, nhà đương kim vô địch Hà Nội có lực lượng hùng hậu bậc nhất V-League vẫn có những trận đấu thất thường. Thầy trò Chu Đình Nghiêm vừa thua 0-2 trên sân Thiên Trường của đội áp chót bảng Nam Định như một gáo nước lạnh dội vào lòng kiêu hãnh của Hà Nội.
Nguyên nhân sa sút chính của đội bóng bầu Hiển có lẽ nhiều trụ cột có dấu hiệu xuống sức khi phải phân thân ra chơi trên nhiều mặt trận. Từ đầu mùa đến nay, họ chơi gần gấp đôi (20 trận) so với các đối thủ khác gồm AFC Champions League, AFC Cup, V-League, chưa kể những trận đấu của đội tuyển U-23 Việt Nam ở vòng loại châu Á.
Trong đợt tập trung hai đội tuyển quốc gia và U-23 sắp tới, chắc chắn Hà Nội vẫn sẽ góp quân nhiều nhất bởi khả năng của họ đã được thầy Park Hang-seo kiểm chứng sau hàng loạt giải đấu quốc tế hơn một năm qua.
Trận thua nặng Thanh Hóa 1-4 ở vòng 9 V-League đã buộc Hà Nội phải suy nghĩ lại về cách chơi của mình. Ảnh: NGỌC DUNG
Không may cho Hà Nội trong hoàn cảnh chia sức cho nhiều đấu trường đã gặp phải chấn thương hoặc thẻ phạt, cầu thủ quá tải nhiều hơn bất cứ đội nào. Như trong các trận đấu gần đây họ mất cả cặp trung vệ cứng cựa Đình Trọng và Duy Mạnh. Tiền đạo Văn Quyết thì sau cú sút phạt đền hỏng ở AFC Cup nghe đồn là chấn thương bắp chân phải nghỉ dài.
Chính vì thiếu hụt một vài vị trí xung yếu nên những Thành Lương, Văn Hậu, Quang Hải, Văn Kiên, Đức Huy, Hùng Dũng… phải cày ải liên tục, bên cạnh các ngoại binh lẫn nhập tịch bị vắt sức không kịp hồi phục. Đến cả thủ môn Văn Công ít mất sức nhất mà gần đay ông Nghiêm phải thay bằng Tiến Dũng trẻ và thiếu kinh nghiệm hơn vì cần nghỉ dưỡng.
Cũng cần phải nhắc đến sự chủ quan của một số cầu thủ Hà Nội sau một quãng thời gian dài đoạt nhiều chức vô địch V-League. Như sau trận thua nặng nề Thanh Hóa 1-4, HLV Chu Đình Nghiêm đã buồn bã nhận định các học trò ảo tưởng sức mạnh và cần thiết điều chỉnh lại thái độ thi đấu của họ. Đấy là chưa kể có những thời điểm và một vài trận thua, ông thầy trẻ Chu Đình Nghiêm còn không hiểu nổi các cầu thủ.
Dẫu mất ngôi đầu V-League, nhà đương kim vô địch Hà Nội vẫn còn cả một giai đoạn hai để làm lại. Ảnh: NGỌC DUNG
Còn một yếu tố quan trọng khác mà ông Nghiêm không ngần ngại tiết lộ là hầu hết đối thủ đều muốn đá thắng nhà đương kim vô địch Hà Nội. Bất kỳ đội nào gặp dàn cầu thủ có tiếng tăm của HLV Chu Đình Nghiêm đều nghiến răng ra chơi để chứng tỏ mình.
Chính vì thế, Hà Nội rất khó chơi trong sự tập trung của đối thủ muốn đá thắng bằng mọi giá theo kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy". Dĩ nhiên, trừ một số đội bóng thân quen, phần còn lại V-League đều thích thú qua mặt đội bóng của bầu Hiển.
Hà Nội hiện rơi xuống vị trí nhì bảng, kém đội TP.HCM 5 điểm nhưng gần như chỉ có thầy trò ông Nghiêm mới đủ sức soán ngôi đầu khi vào giai đoạn hai V-League. Thực chất Hà Nội vẫn có dàn cầu thủ mạnh và nhuần nhuyễn bậc nhất V-League trong điều kiện họ phục hồi đầy đủ phong độ. Bên cạnh đó, sức mạnh đội bóng của bầu Hiển dù không ai nói thẳng ra nhưng sẽ cao gấp nhiều lần bởi sự chung sức gián tiếp hoặc trực tiếp của nhiều CLB anh em thân thuộc.
Nếu chịu chơi, Hà Nội sẽ khiến bất kỳ đối thủ nào cũng ngán ngại, không chỉ TP.HCM.