Ngày 30-5, Quốc hội (QH) dành cả ngày thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Nhiễu loạn thông tin quy hoạch gây bất ổn xã hội
Đại biểu (ĐB) Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cùng đa số ĐB đều “đồng tình” và nhận định báo cáo của đoàn giám sát là “rất giá trị, toàn diện và sâu sắc”. Theo đó, sau năm năm Luật Quy hoạch có hiệu lực, dù có tới 144 luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư liên quan đến quy hoạch được ban hành nhưng chưa có dự án nào được triển khai từ chính luật này.
Ông Nhân cũng như đa số ĐB đều chỉ ra nguyên nhân từ việc chưa rõ ràng của “giải pháp tích hợp quy hoạch”, năng lực, số lượng chuyên gia tư vấn có đủ năng lực, trình độ, chuyên môn làm quy hoạch tích hợp.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận): “Công tác quy hoạch hiện rất chậm,có nhiều quy hoạch treo…”. |
ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng Luật Quy hoạch chưa thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống, chưa tạo điều kiện cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí còn có mặt kìm hãm sự phát triển vì chưa thu hút, phát huy các nguồn lực.
Cùng với nhiều ĐB khác, ĐB Thông nêu tình trạng nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trước khi bỏ tiền ra đầu tư ở một địa phương, lĩnh vực nào đó, vấn đề đầu tiên họ tìm hiểu là cam kết chính trị của Nhà nước, trong đó có công tác quy hoạch. Tuy vậy, quy hoạch lại đang được triển khai rất chậm, thậm chí vẫn còn tồn tại các quy hoạch treo, gây lãng phí nguồn lực xã hội, tài nguyên quốc gia, nhất là nguồn lực đất đai và làm giảm niềm tin của người dân với chính quyền.
ĐB Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) thì để ý đến công tác công bố, công khai thông tin quy hoạch và cho rằng công tác này chưa đạt yêu cầu. “Những gì dân muốn biết, dân cần thực sự rất khó tiếp cận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương” - ông Hoàn nói.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị: “Xin trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội…”. Ảnh: Quochoi.vn |
Vì sao quy hoạch dưới không phù hợp quy hoạch trên
ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) và rất nhiều ĐB khác cho rằng quy hoạch là một trong những lĩnh vực khó và đặc biệt quan trọng. Nhưng hiện công tác này đang gặp nhiều vướng mắc, từ cơ sở pháp lý, pháp luật đến nguồn lực, năng lực đội ngũ đơn vị tư vấn, quản lý nhà nước…
“Một nhà nước pháp quyền mà không áp dụng quy định của pháp luật đã ban hành thì chúng ta căn cứ vào đâu, cơ sở nào để lập các quy hoạch đó” - ĐB Hạ nói.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng đề nghị cần làm rõ nguyên nhân vì sao quy hoạch chậm và đặt ra hàng loạt băn khoăn như vì sao quy hoạch cấp dưới đã được phê duyệt có nguy cơ phải điều chỉnh vì không phù hợp với quy hoạch cấp trên?
“Tôi cho rằng nguyên nhân không phải do khiếm khuyết của Luật Quy hoạch mà là do chúng ta đã hiểu chưa đúng cách thức tiến hành quy hoạch tích hợp nên còn lúng túng, thậm chí còn chỉ đạo làm sai lệch bản chất Luật Quy hoạch” - ông Cường nói.
Sau khi phân tích các bước cần thiết để làm quy hoạch cũng như giải pháp từng được đưa ra ở Nghị quyết 751 của Thường vụ QH khóa XIV, ĐB Cường nói: “Tôi rất mừng khi thấy gần đây Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan ở trung ương tập trung thực hiện nhiệm vụ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành. Các quy hoạch này cần phải làm song song với quy hoạch của các tỉnh”.
Ý kiến của các bộ trưởng
+ Tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng xin nhận trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và hứa sẽ thực hiện tốt hơn việc triển khai chính sách, pháp luật về quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá, hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về quy hoạch để phù hợp hơn với thực tiễn. “Chúng tôi cho rằng: Chất lượng quy hoạch phải được ưu tiên hàng đầu, có tính dẫn dắt, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm phát huy tiềm năng lợi thế quốc gia, khắc phục hạn chế khó khăn, mâu thuẫn chồng chéo… của pháp luật!” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
+ Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Minh Hoan cho rằng cần ngồi lại, tĩnh tâm chút xíu để minh định lại tất cả thuật ngữ, khái niệm, nội hàm, từ quy hoạch tích hợp và các vấn đề như quy hoạch từ trên xuống dưới hay từ dưới lên trên.
+ Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà thì cho rằng cần có sự quản lý các quy hoạch, phải tích hợp các quy hoạch để đảm bảo mối quan hệ hữu cơ, hài hòa đồng bộ chứ không phải tích hợp tất cả quy hoạch làm một. Không thể cả nước này chỉ có một quy hoạch.
+ Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã xin trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp của ĐBQH và hứa sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành rà soát sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật quy hoạch đô thị, luật xây dựng… để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong thời gian tới.