Điểm nóng nhất hiện nay có lẽ là Mỹ - quốc gia đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ dự kiến vào tháng 11 năm nay. Hôm 6-8, ba “ông lớn” gồm Facebook, YouTube và Apple đã cùng tấn công các trang thông tin của Alex Jones - “ông trùm thuyết âm mưu” đã sáng lập website Infowars vào năm 1999.
Không khoan nhượng tin giả, kích động, thù địch
Alex Jones và các trang thông tin của ông ấy cũng được Vox đánh giá đi đầu trong việc cung cấp các thông tin đậm chất thuyết âm mưu có tính chất bạo lực và thỉnh thoảng phân biệt chủng tộc (bài trừ Do Thái). Điển hình, hãng tin CNN cho biết Alex Jones từng lên tiếng cho rằng vụ thảm sát khiến 26 người chết, trong đó có 20 trẻ em của Trường Tiểu học Sandy Hook ở bang Connecticut vào năm 2012 chỉ là “tin vịt”. Trên Infowars, Alex Jones đã nhiều lần đưa ra giả thuyết chính quyền Mỹ đã dàn dựng vụ tấn công khủng bố đầu tiên trên đất Mỹ vào ngày 11-9-2001. Jones từng dính vào các vụ kiện tụng cáo buộc “đưa thông tin sai, độc ác và nguy hiểm”.
Tuy nhiên, “thuyết âm mưu” không phải là lý do khiến Alex Jones bị “cấm cửa” mà vấn đề nằm ở chỗ Jones và Infowars “chủ đích cổ súy, ủng hộ hoặc xúi giục thù hận hay bạo lực chống lại một nhóm người hay các cá nhân đặc thù”. Cụ thể, Facebook lý giải tài khoản Alex Jones “cổ động bạo lực, vi phạm chính sách Facebook, sử dụng những ngôn từ vô nhân đạo để mô tả nhóm người chuyển giới, người theo Hồi giáo và dân nhập cư”.
YouTube “đóng cửa” kênh Alex Jones, tuyên bố “khi người dùng vi phạm các chính sách sử dụng nhiều lần, như chính sách chống tin kích động, thù địch, quấy rối hoặc các quy định chống lừa đảo, chúng tôi sẽ chấm dứt quyền sử dụng những tài khoản của họ”.
BBC dẫn lại tuyên bố của Apple rằng hãng này “không khoan nhượng thông tin kích động, thù địch”. “Chúng tôi có những hướng dẫn rất rõ ràng rằng những người tạo ra hay phát triển (thông tin) phải tuân thủ (các quy định) để đảm bảo một môi trường an toàn cho tất cả người dùng của chúng tôi” - Apple tuyên bố.
Hãng âm nhạc trực tuyến Spotify đã xóa bỏ các chương trình của Alex Jones trong hệ thống, tuyên bố “chúng tôi rất xem trọng các báo cáo về thông tin kích động, thù địch. Do vi phạm nhiều lần các chính sách liên quan nội dung bị cấm, các chương trình của Alex Jones đã mất quyền tiếp cận nền tảng của Spotify”.
Alex Jones với trang Infowars ủng hộ ứng viên Donald Trump, thường xuyên chỉ trích Hillary Clinton trong bầu cử Mỹ năm 2016. Ảnh: NYMAG
Cuộc tranh luận về tự do ngôn luận
Việc các “ông lớn”, không biết vô tình hay hữu ý, cùng nhau tấn công Alex Jones và Infowars đã khiến cuộc tranh luận về tự do ngôn luận ở Mỹ xảy ra. Động thái của Facebook, YouTube và Apple với Alex Jones và Infowars không có dấu hiệu phạm pháp, thậm chí được nhiều người ủng hộ mạnh mẽ. Các tập đoàn Internet, nhất là Facebook, đang chịu sự giám sát gắt gao của các nhà lập pháp Mỹ lẫn Liên minh châu Âu (EU) sau vụ bê bối rò rỉ thông tin, cũng như các chỉ trích liên quan đến tin giả, tin kích động thù địch. Thậm chí Đức là quốc gia đi đầu EU đã ban hành các quy định buộc Facebook phải kiểm duyệt thông tin, đảm bảo môi trường mạng xã hội lành mạnh. Giá cổ phiếu Facebook mới đây rớt thê thảm càng khiến Facebook và những nhà cung cấp các nền tảng thông tin trực tuyến trở nên thận trọng. Chỉ riêng tại Đức đã có hàng ngàn nhân viên Facebook tham gia quá trình kiểm duyệt, xóa bỏ tin giả, tin kích động, thù địch.
Trang Infowars nhận được khoảng 10 triệu lượt truy cập mỗi tháng và kênh Alex Jones trên YouTube có 2,4 triệu người đăng ký với 17 triệu lượt xem trong 30 ngày. (Theo thống kê của Vox) |
Tại Mỹ, làn sóng tin giả, tin kích động, thù địch trở nên nóng hơn bao giờ hết kể từ cuộc bầu cử 2016. Thống kê của statista.com cho thấy năm 2017 có đến 42% tổng lượng thông tin giả được ghi nhận lan truyền qua kênh mạng xã hội, chiếm tỉ lệ cao nhất trong các kênh thông tin. Hơn một nửa số người dân Mỹ được khảo sát cho biết họ xác định thông tin giả là một vấn đề nghiêm trọng. Chính cựu tổng thống Mỹ Barack Obama từng nói mối đe dọa đối với nền dân chủ Mỹ hiện nay không phải là báo chí hay các cường quốc bên ngoài mà chính là việc người Mỹ không chia sẻ một sự hiểu biết chung về “sự thật”.
Infowars đã không đưa ra bình luận về lệnh cấm của các “gã khổng lồ” nhưng Alex Jones đã viết trên Twitter khuyến khích người dùng nên truy cập trực tiếp vào website Infowars (thay vì thông qua các nền tảng khác như Facebook).
Các nhóm người hâm mộ Alex Jones cho rằng các “ông lớn” đang thông đồng và can thiệp bầu cử (sắp tới), đồng thời đẩy quyền tự do ngôn luận đối mặt tình trạng rủi ro. Wikileaks cho rằng lệnh cấm nhắm vào Jones và Infowars là bằng chứng của “vấn đề chống lại sự thật mang tính toàn cầu”. Thượng nghị sĩ Ted Cruz cũng lên tiếng bênh vực quyền tự do ngôn luận của Jones, cho rằng luật chống độc quyền cần được áp dụng để xử lý các tập đoàn như Facebook. Ông cho rằng những ai “cấm cửa” Alex Jones cũng có thể làm điều tương tự với những cá nhân, đoàn thể khác.
Việc một loạt “gã khổng lồ” Internet tấn công Alex Jones và Infowars không phải là dấu hiệu kết thúc của cuộc chiến chống thông tin độc hại mà dường như chỉ mới bắt đầu giữa hai phe giằng co về cái gọi là “sự thật”. Trong môi trường Internet phẳng và mở, giới hạn phân định tự do ngôn luận và thông tin độc hại dường như rất mong manh.