Bị ông Trump 'nghỉ chơi', WHO trông đợi làm việc với ông Biden

ngày 9-11 đã hoan nghênh những nỗ lực củng cố tổ chức này thông qua cải tổ và cho biết WHO trông đợi được làm việc chặt chẽ với chính quyền của ông Joe Biden.

Tài trợ của WHO phải linh hoạt hơn và dự báo được để chấm dứt “sự chênh lệnh lớn” giữa những kỳ vọng và nguồn lực sẵn có, hãng tin Reuters dẫn lời ông Tedros phát biểu, đề cập những nỗ lực cải tổ của Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU).

“Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng chúng ta tin là mình đang đi đúng hướng” - ông Tedros nói với các bộ trưởng y tế trong lúc hội nghị thường niên của WHO, tổ chức với 194 quốc gia thành viên có trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ), bắt đầu lại.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: BLOOMBERG

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định ngừng tài trợ cho WHO và bắt đầu tiến trình theo đó Mỹ sẽ rút khỏi cơ quan này vào tháng 7-2021, động thái vốn đã gây ra nhiều chỉ trích trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang đối mặt với đại dịch COVID-19.

Ông Biden, người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, hôm 9-11 đã bắt tay thành lập lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19.

Theo đó, đội đặc nhiệm sẽ do cựu Bác sĩ phẫu thuật Vivek Murthy, cựu Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ David Kessler và Tiến sĩ Marcella Nunez-Smith - Giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Yale - đồng chủ trì, kênh Channel News Asia đưa tin.

Trong thời gian vận động tranh cử, ông Biden từng tuyên bố ngay khi lên nhậm chức sẽ rút lại quyết định tẩy chay WHO của người tiền nhiệm.

Ông Tedros thúc đẩy cộng đồng quốc tế nắm bắt lại ý nghĩa của mục tiêu chung và nói thêm: “Trên tinh thần đó, chúng tôi chúc mừng Tổng thống tân cử Joe Biden và Phó Tổng thống tân cử Kamala Harris và chúng tôi trông đợi làm việc rất chặt chẽ với chính quyền này”.

“Chúng ta cần định hình lại ban lãnh đạo, củng cố sự tin cậy lẫn nhau và cùng chịu trách nhiệm để chấm dứt đại dịch và giải quyết những bất bình đẳng căn bản vốn là gốc rễ của quá nhiều vấn đề trên thế giới” – Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh.

Ông Trump nhiều lần cáo buộc WHO “thiên vị Trung Quốc” trong việc đối phó đại dịch COVID-19, vốn được ghi nhận đầu tiên tại TP Vũ Hán của Trung Quốc trước khi lan rộng ra nhiều nước trên thế giới và Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cho đến nay. Tuy nhiên, ông Tedros liên tục phủ nhận cáo buộc này.

Một ủy ban giám sát hồi tuần qua đã kêu gọi cải tổ WHO, bao gồm các nguồn tài trợ “linh hoạt và dự báo được” cũng như thành lập một hệ thống nhiều lớp để cảnh báo sớm cho các quốc gia thành viên về những đợt bùng phát trước khi dịch bệnh leo thang.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn, phát biểu nhân danh EU, nói WHO cần được tài trợ ổn định và linh hoạt. “EU sẵn sàng đóng vai trò dẫn đạo trong quá trình củng cố WHO và đã khởi động một quá trình toàn diện để thảo luận những ý kiến cải tổ” - Bộ trưởng Spahn nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm