Nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon hàng thập niên nay phát triển và mở rộng sức mạnh nhờ vào tiền Iran hào phóng đổ vào để Hezbollah trả lương cho các tay súng, chi cho các dịch vụ xã hội ở các khu vực mình chi phối ảnh hưởng. Tiền từ Iran cũng được Hezbollah dùng mua sắm, tích trữ một kho vũ khí quy mô lớn vốn giúp nhóm này trở thành một lực lượng vũ trang đáng gờm ở khu vực, có một số lượng lớn tay súng hiện diện ở Syria và Iraq.
Có thể nói Hezbollah là nhóm vũ trang đồng minh lâu dài nhất của Iran ở Trung Đông và được Iran tài trợ nhiều nhất. Tuy nhiên, khả năng tài trợ của Iran cho các đồng minh trong đó có Hezbollah không còn được như cũ từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và ban hành một loạt hạn chế mới về thương mại với Iran năm ngoái. Viễn cảnh nhận tiền tài trợ từ Iran càng mù mịt khi căng thẳng Mỹ-Iran những ngày này lên đến đỉnh cao, theo Washington Post.
Tiền Iran là 70% nguồn thu của Hezbollah
Một nguồn tin từ quan chức Hezbollah cấp cao thừa nhận nguồn tiền Iran chuyển cho nhóm vũ trang này giảm hẳn. Theo quan chức này, “không nghi ngờ gì các lệnh trừng phạt đưa lại hậu quả tiêu cực”. Nguồn tin không nói rõ Iran thường tài trợ bao nhiêu, hay đã cắt bao nhiêu tiền chi cho Hezbollah thời gian này. Tuy nhiên, nói với báo chí hồi tháng 4, đại diện đặc biệt Mỹ về Iran Brian Hook cho biết trước đây Iran thường chuyển cho Hezbollah khoảng 700 triệu USD mỗi năm, tương đương 70% tổng nguồn thu của nhóm này.
Hezbollah cũng đang hứng chịu một danh sách trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty, các cá nhân và các ngân hàng làm ăn với mình. Hezbollah bị Mỹ xem là một tổ chức khủng bố sau khi xảy ra các vụ đánh bom tự sát và bắt cóc nhằm vào người Mỹ ở Lebanon thập niên 1980. Nhiều năm nay Hezbollah nhận quyên góp từ các lãnh đạo doanh nghiệp giàu có trong và ngoài Lebanon nhưng các lệnh trừng phạt đã ngăn chặn điều này, theo ông Hanin Ghaddar, nhà nghiên cứu về Hezbollah tại Viện Cận Đông Washington. Các lệnh trừng phạt cũng ngăn các công ty và các cơ quan chính phủ làm ăn với mạng lưới các công ty và nhà thầu của Hezbollah - vốn nhiều năm nay được mở rộng đáng kể nhờ uy tín chính trị và quân sự của nhóm này, theo ông Sami Nader, Giám đốc Viện Các vấn đề chiến lược Đông Địa Trung Hải (Lebanon, Israel, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ).
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) gặp lãnh đạo Hezbollah Hasan Nasrallah ở Lebanon hồi tháng 2. Ảnh: AP
Hezbollah phải thắt lưng buộc bụng hà khắc
Vì nguồn thu giảm mạnh, Hezbollah bị buộc phải cắt giảm chi tiêu một cách hà khắc, Washington Post dẫn thông tin từ nhiều lãnh đạo cấp cao, thành viên và người ủng hộ nhóm này.
Các tay súng phần phải nghỉ phép không hưởng lương, phần chuyển sang lực lượng dự bị với mức lương thấp hơn hoặc có thể không được nhận lương. Một số lượng lớn tay súng phải rút khỏi Syria - nơi Hezbollah giữ một vai trò quan trọng trong cuộc nội chiến của nước này, chiến đấu bên cạnh lực lượng quân đội Syria nhằm bảo vệ thể chế của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Nhiều chương trình trên đài truyền hình Al-Manar của Hezbollah bị hủy, nhiều nhân viên bị sa thải. Một số chương trình xã hội được thiết kế để thu hút sự ủng hộ của cộng đồng người Shiite ở Lebanon cũng bị hủy, trong đó có chương trình cung cấp miễn phí thuốc và nhu yếu phẩm cho các tay súng, nhân viên hành chính của Hezbollah và gia đình của họ.
Người thân của các tay súng Hezbollah thiệt mạng khi chiến đấu vì quyền lợi của Iran ở Syria mới đây hay trong chiến tranh với Israel trước đó vẫn tiếp tục được nhận tiền hỗ trợ. Theo lời nhiều quan chức Hezbollah thì khoản tiền này là bất khả xâm phạm, rất quan trọng để duy trì uy tín, sự ủng hộ và trung thành với nhóm.
Miễn Iran có tiền, chúng ta có tiền. Ông HASAN NASRALLAH, lãnh đạo Hezbollah từng nói năm 2016 |
Chờ ông Trump ra đi
Chiến lược của Hezbollah là xác định các nguồn thu nhập thay thế trong lúc chờ vượt qua chiến dịch chống Iran của chính phủ Tổng thống Trump, nhà phân tích chính trị Mohammed Abeid ở Beirut vốn gần gũi với Hezbollah nhận định. Hezbollah thừa nhận ông Trump có thể sẽ làm tổng thống Mỹ đến năm 2024 và vạch ra tầm nhìn dài hạn.
Hezbollah hiện đã mở một chiến dịch quyên góp lớn để kiếm tiền bù vào số thất thoát từ Iran. Lời kêu gọi đóng góp được ông Hasan Nasrallah, lãnh đạo Hezbollah đưa ra trong một bài phát biểu hồi tháng 3. Hàng loạt thùng quyên góp được đặt khắp các tuyến phố ở các khu vực trung thành với Hezbollah ở Lebanon. Hezbollah hiện là lực lượng có ảnh hưởng nhất trong chính trị Lebanon, chiếm giữ một số lượng lớn ghế trong quốc hội và nội các nước này.
Nhiều quan chức Hezbollah khẳng định việc Iran giảm tài trợ không ảnh hưởng gì đến vị thế của nhóm ở Trung Đông hay đến sức sẵn sàng chiến đấu của nhóm. Washington Post dẫn lời một quan chức Hezbollah cho biết: “Chúng tôi vẫn nhận vũ khí từ Iran. Chúng tôi vẫn sẵn sàng đối đầu với Israel. Chúng tôi vẫn duy trì vai trò ở Iraq và Syria”.
Trong lúc này, Iran cũng sẽ cố gắng tìm các nguồn tiền mới. Nhà phân tích Abeid cho rằng “Iran sẽ quay trở lại với các phương thức cũ mà mình đã vận dụng trước khi có thỏa thuận hạt nhân, trong đó có thị trường đen”. Theo ông, Iran có “nhiều cách để buôn lậu dầu, qua Iraq, qua Pakistan, qua Oman, qua Afghanistan, thậm chí qua Dubai”.
Theo nhiều nhà phân tích, các lệnh trừng phạt ông Trump áp lên Iran nhằm triệt tiêu tham vọng hạt nhân của nước này hà khắc hơn nhiều so với những biện pháp trừng phạt mà chính phủ của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama áp dụng để đưa Iran ngồi vào bàn thương lượng và ký thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1. Theo nhiều quan chức chính phủ Trump, trừng phạt của Mỹ đã khiến Iran mất khoảng 10 tỉ USD kể từ khi được tái áp đặt lên Iran tháng 11-2018, ảnh hưởng lớn đến chi tiêu của chính phủ Iran. |