Hạm đội phía Tây của Hải quân Indonesia hôm 22-7 đã tổ chức một cuộc tập trận ở biển Java, trong khuôn khổ loạt tập trận bắt đầu hôm 18-7 và dự kiến kết thúc vào ngày 26-7.
Trang tin BenarNews dẫn lời các quan chức Hải quân Indonesia cho biết các hoạt động được tiến hành bao gồm một cuộc diễn tập tấn công đổ bộ trên bãi biển ở Singkep, một hòn đảo thuộc chuỗi Indonesia Land Riau ở Biển Đông.
Chương trình bao gồm mô phỏng trận chiến trên biển với 2.000 binh sĩ, 26 tàu chiến, 19 máy bay và 18 phương tiện chiến đấu trên biển đang tham gia cuộc tập trận, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Hải quân I, Trung tá Fajar Tri Rohadi cho biết.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc được quan sát từ tàu hải quân Indonesia trong một cuộc tuần tra tại quần đảo Natuna. Ảnh: ANTARA/REUTERS
“Ở cấp độ hạm đội, đây là cuộc tập trận phức tạp nhất, bởi vì sẽ có nhiều cuộc tập trận khác liên quan đến tất cả các đơn vị hải quân, Trung tá Fajar nói với BenarNews.
Cuộc diễn tập ngày 22-7 ở biển Java bao gồm các hoạt động kiểm soát thiệt hại, liên lạc, mô phỏng chống tàu ngầm và chiến tranh mặt nước, ông nói thêm.
“Các cuộc diễn tập được thiết kế giống như các hoạt động thực tế” - chỉ huy Hạm đội Hải quân số 1 của Indonesia, Chuẩn Đô đốc Ahmadi Heri Purwono cho biết.
Trong các diễn biến khác liên quan đến bảo vệ bờ biển và vùng lãnh hải của quốc gia quần đảo, Lực lượng bảo vệ bờ biển Indonesia (Bakamla) hôm 22-7 tuyên bố rằng họ đã khai trương Trung tâm Thông tin Hàng hải Indonesia (IMIC), vốn sẽ công bố các báo cáo định kỳ về an ninh hàng hải quốc gia.
Ông Beni Sukadis, một nhà quan sát quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Indonesia, cho biết cuộc tập trận là một phần trong nỗ lực của nước này nhằm khẳng định chủ quyền hàng hải.
“Mặc dù không có nhiều tàu chiến, nhưng chúng tôi cho thấy rằng chúng tôi có quyết tâm khẳng định chủ quyền của mình” - ông nói với BenarNews.
“Về mặt xây dựng năng lực và tính chuyên nghiệp, hoạt động diễn tập thường xuyên là cần thiết. Nó có thể diễn ra một hoặc hai lần mỗi năm. Nó gửi đi một thông điệp rằng Hải quân Indonesia đang cố gắng cải thiện năng lực của mình” - ông nói thêm.
Theo báo cáo năm 2019 của Global Power Fire (GFP), Hải quân Indonesia có 282 tàu trong hạm đội, bao gồm bảy tàu khu trục, 24 tàu hộ tống, năm tàu ngầm và 156 tàu tuần tra.
Vào giữa năm 2019, quân đội Indonesia đã thực hiện một cuộc tập trận kéo dài một tháng với sự tham gia của 8.493 binh sĩ ở biển Java.
Indonesia không phải là một bên trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng vào năm 2016 và cuối năm 2019, căng thẳng đã bùng lên giữa nước này và Trung Quốc sau khi hàng loạt tàu đánh cá Trung Quốc tràn vào vùng biển gần quần đảo Natuna của Indonesia ở phía Nam Biển Đông.
Indonesia đã từ chối lời mời của Trung Quốc tổ chức các cuộc đàm phán giữa hai bên về cái mà Bắc Kinh gọi là “yêu sách về quyền lợi và lợi ích hàng hải chồng lấn ở vùng biển ngoài khơi Natuna”.
Bắc Kinh tuyên bố quyền lịch sử và đánh bắt ở các vùng biển chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia (EEZ) nhưng Jakarta thẳng thừng bác bỏ điều này.
Trong khi đó, tuần qua Trung Quốc đã ngang nhiên đưa tám máy bay chiến đấu đến một căn cứ quân sự tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp từ nhiều năm qua.
Cùng thời điểm, hai nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ đã tiến hành các cuộc diễn tập kéo dài sáu ngày tại Biển Đông nhằm mục tiêu thúc đẩy tự do hàng hải.
Đầu tháng này, Mỹ ra tuyên bố chính thức bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và Ngoại trưởng Mike Pompeo ngay sau đó khẳng định Mỹ sẵn sàng sát cánh với các nước bị Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền ở vùng biển này.
Hôm 21-7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định Washington sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông để ngăn cản các hành vi cưỡng ép nước nhỏ của Trung Quốc nhằm thực hiện mưu đồ biến vùng biển này thành “đế chế hàng hải” của Bắc Kinh.
Trong những ngày gần đây, ngoài việc chỉ trích các hành vi gây lo ngại của Bắc Kinh ở Biển Đông, Mỹ cũng đã thực hiện một loạt hành động nhắm vào Trung Quốc, bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong và việc trấn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.