Trong cuộc phỏng vấn với các báo The Age và The Sydney Morning Herald của Úc, nhiếp chính (chức vị tương đương tỉnh trưởng) của quần đảo Natuna - Abdul Hamid Rizal cho biết ông muốn Mỹ đầu tư xây dựng một sân bay quốc tế mới để thay thế sân bay quân sự với công dụng hạn chế hiện đang phục vụ hòn đảo này.
Natuna Besar, còn gọi là Great Natuna, là hòn đảo chính của quần đảo Natuna ở rìa Biển Đông, cách Jakarta hơn 1000 km về phía Bắc. Với khoảng 80.000 người sinh sống, quần đảo này là tiền tuyến chiến lược của Indonesia tại Biển Đông, nơi Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích.
Nhiếp chính (chức vị tương đương tỉnh trưởng) của quần đảo Natuna - ông Abdul Hamid Riza. Ảnh: DETIKCOM
Một sân bay quốc tế mới sẽ đưa khách du lịch đến đảo, thúc đẩy sự phát triển và củng cố quyền kiểm soát của Indonesia đối với biển Bắc Natuna (vùng biển ngoài khơi Natuna được Indonesia đặt tên hồi năm 2017 mà Trung Quốc có gom một phần vào yêu sách chủ quyền đường chín đoạn phi lý của nước này) cùng nguồn tại nguyên tại đây.
Ông Abdul đã gặp cựu Đại sứ Mỹ tại Indonesia Joseph Donovan, người đã đến thăm hòn đảo này vào năm 2018, để thảo luận về các cơ hội đầu tư và nói rằng có thể bao gồm một sân bay quốc tế do Mỹ xây dựng.
“Chúng tôi hoan nghênh đầu tư nước ngoài nhưng nếu được, đó có thể là (các nhà đầu tư) từ Nhật Bản, Úc hoặc các quốc gia khác. Nếu đó là các nhà đầu tư Trung Quốc, chúng tôi không hoan nghênh. Chúng tôi lo ngại giả sử các lao động mà họ đưa đến không phải là công nhân mà là quân đội của họ thì sao?” – ông nói.
Ông nói rằng đầu tư từ các quốc gia khác vốn ủng hộ Biển Đông tự do và cởi mở sẽ là “về kinh doanh, không phải quá nhiều về chính trị”.
“Nhưng từ Trung Quốc, vâng, chúng tôi lo ngại rằng sẽ có khía cạnh chính trị cho điều đó. Chẳng hạn như tàu đánh cá của họ, những người ở biển (Bắc Natuna), các thuyền viên được đào tạo. Được đào tạo, nghĩa là quân đội” – ông nói thêm.
Lời kêu gọi đầu tư lớn hơn của phương Tây vào Natuna của ông Abdul được đánh giá là trực tiếp hơn chính phủ của Tổng thống Joko Widodo, vốn trước đây từng tuyên bố sẽ hoan nghênh các nguồn vốn nước ngoài như vậy.
Đây là lần đầu tiên một quan chức nhà nước nói rằng đầu tư của Trung Quốc không được hoan nghênh và là lời kêu gọi đầu tiên hướng vào việc thu hút đầu tư từ Úc. Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đã đóng góp kinh phí và chuyên môn để nâng cấp cảng cá và mở rộng kho chứa lạnh được cho các ngư dân địa phương sử dụng.
Lời kêu gọi được đưa ra khi Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động gây lo ngại tại vùng biển tranh chấp trong những tháng gần đây.
Indonesia không tranh chấp Biển Đông nhưng gần đây liên tục phản đối Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc liên quan các hoạt động của Bắc Kinh gần quần đảo Natuna.