Mỹ-Nhật-Hàn đầu tư điểm nóng đối đầu Trung Quốc ở biển Đông

Theo hãng tin Bloomberg, Bộ trưởng điều phối hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan hôm 17-1 (giờ địa phương) cho biết ba nước Mỹ - Nhật - Hàn tỏ ý muốn đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất và chế biến thủy sản ở quần đảo Natuna.

"Các nhà đầu tư Mỹ cũng như các nhà đầu tư đến từ Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc đều bày tỏ sự quan tâm của họ. Đối với chúng tôi, họ đến từ đâu không thành vấn đề” - ông Pandjaitan nhấn mạnh. 

Dù vậy, Bloomberg cho rằng nỗ lực nhằm thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài vào quần đảo này của giới chức Indonesia phần nhiều xuất phát từ mối lo ngại Trung Quốc đang lan rộng ảnh hưởng vào các khu vực xung quanh nước này.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến quần đảo Natuna hôm 8-1. Ảnh: AFP

Cụ thể, vụ hơn 60 tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng biển xung quanh Natuna thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia hồi tháng trước đã đặt quan hệ hai bên vào vòng căng thẳng. Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố vùng biển này là ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc trong khi Jakarta ra sức bác bỏ lập luận phi pháp này. 

Hiện Indonesia không tham gia tranh chấp chủ quyền trên biển Đông nhưng khẳng định sẽ bảo vệ chủ quyền của mình xung quanh quần đảo Natuna. 

“Chiến tranh là giải pháp cuối cùng trong quá trình đàm phán của chúng tôi. Dù vậy chúng tôi sẽ không nhượng bộ chủ quyền dưới bất kỳ hoàn cảnh nào” - ông Pandjaitan nhấn mạnh.

Trước đó, hôm 8-1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cùng một số lãnh đạo quân sự nước này ra thăm quần đảo Natuna, giữa lúc lực lượng Indonesia và Trung Quốc đang đối đầu nhau. Chuyến đi của ông Widodo được đánh giá là đã gửi một thông điệp mạnh mẽ cho Bắc Kinh khi Trung Quốc kỳ vọng sẽ uy hiếp được Jakarta giải quyết mềm mỏng vấn đề theo hướng có lợi cho Trung Quốc. 

Cùng ngày, quân đội Indonesia cho biết đã phái tám tàu chiến và bốn chiến đấu cơ F-16 đến khu vực nói trên để "bảo vệ chủ quyền". Không dừng lại ở đó, theo ông Widodo, Indonesia sẽ đưa hàng trăm ngư dân và tàu cá đến vùng biển quanh Natuna để trông chừng tàu nước ngoài.

Phản ứng trước động thái cứng rắn này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 8-1 kêu gọi Indonesia bình tĩnh, khẳng định giữa hai nước không có tranh chấp lãnh thổ mà chỉ có tuyên bố chồng chéo về quyền và lợi ích hàng hải ở một số khu vực tại biển Đông. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm