Khác biệt Mỹ-Trung, học giả Trung Quốc hiến kế 'Kế hoạch lớn'

Tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 5-3 dẫn lời phát ngôn viên cơ quan lập pháp Trung Quốc Trương Nghiệp Toại (Zhang Yesui) cho rằng sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc là điều “bình thường” và hai bên có thể "cùng tồn tại như các cường quốc toàn cầu".

‘Sự khác biệt giữa Mỹ - Trung là điều bình thường’

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 4-3 trước phiên khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc, ông Trương cho rằng Washington và Bắc Kinh có thể cùng tồn tại như các cường quốc toàn cầu, song hai nước phải học cách tôn trọng lẫn nhau và không đi vào con đường đối đầu và cạnh tranh sai trái.

Ông Trương cũng cho hay cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 2 là cơ hội để thiết lập lại quan hệ giữa hai bên.

Ông Trương Nghiệp Toại. Ảnh: AFP

“Trung Quốc và Mỹ có thể có bất đồng, đó là điều bình thường. Nhưng việc cắt đứt nguồn cung và sự phân tách đã gây tổn hại và không mang lại lợi ích cho hai nước. Sự đối đầu đã làm tổn hại đến lợi ích của nhau” – ông Trương nói.

Theo ông Trương, Mỹ và Trung Quốc có thể cùng hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, đối phó đại dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Ông Trương cho biết các chính sách về Mỹ của Trung Quốc là nhất quán và luôn tuân thủ nguyên tắc không đối đầu, song ông nhấn mạnh Trung Quốc sẽ bảo vệ lợi ích và chủ quyền của mình.

Trước đó, ông Biden hồi tháng 2 đã cảnh báo "hậu quả" đối với các hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.

Bắc Kinh từ lâu đã bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền và trong cuộc điện đàm với ông Biden, ông Tập đã nhấn mạnh rằng các vấn đề liên quan Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan là “công việc nội bộ của Trung Quốc và liên quan chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.

Ngoài ra, ông Trương cũng cho biết việc Bắc Kinh cung cấp vaccine COVID-19 cho các nước đang phát triển không mang ý đồ chính trị.

Theo ông, Trung Quốc đã tăng cường kêu gọi hợp tác với Mỹ trong nghiên cứu và phát triển vaccine. Tuy nhiên, chính quyền ông Biden được cho là đang đàm phán với các đồng minh trong nhóm “Bộ tứ” (QUAD) - gồm Nhật, Ấn Độ và Úc - để phân phối vaccine COVID-19 cho các nước châu Á trong nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

Lời kêu gọi hai nước “chung sống hòa bình” của ông Trương được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken hôm 3-3 nhấn mạnh Trung Quốc là “thách thức địa chính trị lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt trong thế kỷ 21”.

Giới học giả Trung Quốc hiến kế “Chiến lược lớn”

SCMP hôm 5-3 dẫn lời giới học giả Trung Quốc cho biết hai năm tới là cơ hội để Bắc Kinh xây dựng một “chiến lược lớn” nhằm bảo vệ nước này trước các chính sách đối phó mới của chính quyền ông Biden.

Theo các học giả, quá trình chuyển giao quyền lực ở Mỹ và sự gián đoạn do tác động từ đại dịch COVID-19 là cơ hội để Bắc Kinh vạch ra các bước đi tiếp theo - và thậm chí chiếm thế thượng phong - trong mối quan hệ với Mỹ.

Tuy nhiên, với vô số thách thức phía trước, Trung Quốc cũng cần cải thiện quan hệ với Nhật, châu Âu và các thành phần có thiện cảm ở Mỹ. Bắc Kinh có thể đạt được điều này một phần thông qua việc tận dụng khả năng tiếp cận thị trường nội địa khổng lồ của mình, các chuyên gia nói thêm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CNAS / POLITICO

Theo SCMP, giới chuyên gia đưa ra nhận định trên trong bối cảnh chính quyền ông Biden phát đi tín hiệu rõ ràng rằng Mỹ sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc của người tiền nhiệm Donald Trump, đồng thời sẽ tập hợp sự ủng hộ từ các đồng minh.

Nhà Trắng hôm 3-3 đã công bố tài liệu dài 24 trang phác thảo chính sách an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, trong đó mô tả Trung Quốc là "là đối thủ duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự, công nghệ để tạo ra thách thức lâu dài đối với hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở".

Ông Liu Yuanchun - phó hiệu trưởng Đại học Nhân dân Trung Quốc - kỳ vọng chính quyền ông Biden sẽ chỉ sửa đổi các yếu tố không bền vững trong chính sách Trung Quốc của ông Trump và đưa ra chiến lược kiềm chế trung và dài hạn trong một số lĩnh vực nhất định.

Ông Zhang Ming - phó giám đốc viện tài chính thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc - nhận định Mỹ sẽ sử dụng một chiến lược lớn kết hợp các “lá bài chính trị và kinh tế” để kiềm chế Trung Quốc, nói thêm rằng phản ứng của chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa có hệ thống.

“Chúng tôi cần tạo ra một chiến lược lớn cho trận đấu với Mỹ; sử dụng một chiến lược lớn để đối phó với một chiến lược lớn khác” - ông Zhang cho biết.

Theo ông Zhang, chiến lược của Trung Quốc phải có tính minh bạch cao, định hướng thị trường và dễ hiểu đối với cộng đồng quốc tế.

“Trung Quốc cũng nên phát triển quan hệ hữu nghị với các lực lượng chính trị trong lòng nước Mỹ để quan điểm của Bắc Kinh được hiểu rõ hơn” – ông Zhang nói thêm.

Ông Liu Qing - phó hiệu trưởng Học viện Chiến lược và Phát triển Quốc gia tại Đại học Nhân dân Trung Quốc - cho rằng Bắc Kinh nên xây dựng kế hoạch đối phó bằng cách thiết lập mối quan hệ bền chặt hơn với Nhật và châu Âu.

Theo ông Liu, Trung Quốc có thể làm được điều này bằng cách cho thấy những lợi thế về thị trường nội địa khổng lồ của mình và đánh vào lợi ích của Tokyo và Brussels, nhằm đối trọng với nỗ lực của Mỹ trong thành lập một liên minh chống Trung Quốc.

Ông cho rằng Trung Quốc sẽ có “cơ hội” trong vòng hai năm tới, thời điểm Bắc Kinh sẽ ở thế "thượng phong" trong mối quan hệ kinh tế song phương, nhờ những tác động của đại dịch lên nền kinh tế Mỹ, cũng như sự chia rẽ chính trị trong lòng nước này.

“Nguyên tắc cơ bản của cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ là không thay đổi” – ông Liu nhấn mạnh.

Căng thẳng vẫn xoay quanh vấn đề thương mại?

Theo SCMP, các tuyên bố của chính quyền ông Biden trong hai tuần qua là các chỉ báo cho thấy sự cạnh tranh giữa hai bên sẽ vẫn tiếp diễn trong thời gian tới.

Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) ngày 2-3 tuyên bố chính quyền ông Biden “cam kết sẽ sử dụng tất cả các công cụ hiện có để xử lý hàng loạt hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc tiếp tục gây hại cho người lao động và doanh nghiệp Mỹ”.

Trong phiên điều trần hôm 25-2, bà Katherine Tai - người được ông Biden đề cử làm Đại diện Thương mại Mỹ - nói rằng thuế quan là một “công cụ hợp pháp” để đối phó Trung Quốc. Tuy không đe dọa sẽ áp đòn thuế quan mới, song bà nhấn mạnh Trung Quốc cần phải thực hiện các cam kết của mình trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: FT

Ông Liu Qing ước tính rằng Trung Quốc phải nhập thêm 100 tỉ USD hàng hóa từ Mỹ mới đáp ứng các cam kết, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm từ Mỹ lên trên 200 tỉ USD trong năm nay.

“Tuy [quy mô] không lớn so với toàn bộ kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc, song chúng tôi cần đánh giá mức độ ảnh hưởng đối với các ngành cụ thể” – ông Liu nhận định.

Theo ông Zhang Ming, kế hoạch cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỉ USD do ông Biden đề xuất sẽ thúc đẩy nhu cầu tại Mỹ và khiến tình trạng thâm hụt thương mại với Trung Quốc tiếp diễn.

Ngoài ra, việc tính thanh khoản trên thị trường toàn cầu gia tăng cũng sẽ làm tăng dòng vốn chảy vào Trung Quốc, đặt gánh nặng lên Bắc Kinh trong việc chống lại áp lực tăng giá đối với đồng nhân dân tệ. Điều này có thể khơi lại các cuộc tấn công của Washington nhằm vào Bắc Kinh về việc thao túng tiền tệ.

Ông Zhang cũng cho rằng mâu thuẫn song phương trong lĩnh vực tài chính có thể sẽ gia tăng, trong bối cảnh Mỹ cố gắng loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch, đồng thời các công ty đại lục cũng sẽ bị ngăn cản mua lại các công ty công nghệ của Mỹ.

“Chúng ta nên lập các kế hoạch dự phòng… đừng quá lạc quan” – ông Zhang nhấn mạnh.

Ông Li Xunlei - chuyên gia kinh tế tại công ty Zhongtai Securities - cho rằng điều quan trọng đối với Trung Quốc là đánh giá rủi ro từ các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung của Mỹ và thực hiện các bước nhằm giảm tác động lên hệ thống tài chính Trung Quốc.

Theo ông Li, để cải thiện hợp tác với Nhật và châu Âu, Trung Quốc nên mở cửa thị trường của mình rộng rãi hơn và áp dụng tốt nhất các thông lệ quốc tế.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm