Mỹ định lập mạng lưới tên lửa tấn công đối phó Trung Quốc

Tờ Nikkei Asia ngày 5-3 đưa tin Mỹ sẽ tăng cường năng lực răn đe Trung Quốc bằng cách thiết lập một mạng lưới tên lửa tấn công chính xác dọc chuỗi đảo thứ nhất.

Đây là một phần của kế hoạch chi 27,4 tỉ USD cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong sáu năm tới, cốt lõi của đề xuất Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương (PDI) mà Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (INDOPACOM) đã đệ trình lên Quốc hội, Nikkei Asia cho biết.

Mỹ sẽ thiết lập mạng lưới tên lửa tấn công đối phó Bắc Kinh. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Đề xuất trên nêu rõ: "Mối nguy lớn nhất đối với tương lai của Mỹ tiếp tục là sự xói mòn về khả năng răn đe thông thường”.

"Nếu không đưa ra biện pháp răn đe thông thường có hiệu lực và thuyết phục, Trung Quốc có thể sẽ tăng cường hành động trong khu vực và trên toàn cầu nhằm thay thế lợi ích của Mỹ" - đề xuất cho biết.

"Do cán cân quân sự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trở nên không thuận lợi, Mỹ đang đối diện nguy cơ gia tăng từ việc các đối thủ có thể đơn phương cố gắng thay đổi hiện trạng” - đề xuất cho biết thêm.

Đề xuất kêu gọi "thiết lập một lực lượng liên quân tương tác với mạng lưới tấn công chính xác dọc theo chuỗi đảo thứ nhất, thống nhất phòng vệ tên lửa trên chuỗi đảo thứ hai và phân bố lực lượng có thể bảo đảm ổn định, hoặc nếu cần sẽ phân phối và duy trì chiến dịch chiến đấu lâu dài".

Chuỗi đảo thứ nhất trải dài từ Triều Tiên qua Nhật đến Đông Nam Á và Đài Loan (Trung Quốc). Chiến lược chống tiếp cận, chống xâm nhập của Trung Quốc muốn đẩy các lực lượng Mỹ ra khỏi Biển Đông và biển Hoa Đông nằm trong chuỗi đảo thứ nhất.

Theo Nikkei Asia, Trung Quốc cũng tìm cách ngăn cản lực lượng của Mỹ tiếp cận "chuỗi đảo thứ hai" ở Tây Thái Bình Dương, mở rộng từ đông nam Nhật đến đảo Guam và tới Indonesia.

Trung Quốc hiện nắm giữ một kho vũ khí tên lửa đa dạng với mục đích nhằm ngăn chặn sự sự hiện diện quân sự của Mỹ trong chuỗi đảo thứ hai, khiến chiến lược của Mỹ xoay quanh lực lượng hải quân và không quân kém khả thi hơn.

Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc có thế mạnh hơn về tên lửa tầm trung phóng từ đất liền với kho vũ khí khoảng 1.250 tên lửa.

Trước đó, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh INDOPACOM, đã đề xuất bản kế hoạch bổ sung ngân sách, phục vụ mua sắm vũ khí, tăng cường tập trận với đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực, nhằm tăng cường khả năng đối phó các thách thức ở khu vực.

Báo cáo của INDOPACOM trình lên Quốc hội Mỹ ngày 1-3 kêu gọi cấp tổng ngân sách bổ sung 27,3 tỉ USD cho lực lượng này trong giai đoạn từ năm 2022-2027, trong đó riêng năm tài khóa 2022 là 4,6 tỉ USD.

Theo đó, hơn 27 tỉ USD ngân sách bổ sung sẽ được chi cho nhiều hạng mục, trong đó có khoản chi 1,6 tỉ USD để xây dựng năng lực phòng thủ tích hợp tại đảo Guam, với sự hỗ trợ của hệ thống radar cao tần trị giá khoảng 197 triệu USD đặt tại Palau. Hệ thống radar đặt ngoài không gian ước tính trị giá 2,3 tỉ USD.

Báo cáo còn đề xuất khoản chi 3,3 tỉ USD phát triển hệ thống tên lửa tầm xa phóng từ đất liền với tầm bắn hơn 500 km, tạo thành mạng lưới tấn công dọc chuỗi đảo thứ nhất. 

Theo Sách trắng quốc phòng Nhật, Mỹ có khoảng 132.000 quân đồn trú tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm