Kinh tế Nga trước sức ép cực mạnh từ cấm vận phương Tây

Ngày 27-2, Mỹ và các đồng minh đã nhất trí loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. “Việc này sẽ đảm bảo các ngân hàng (NH) bị ngắt kết nối khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và gây thiệt hại khả năng hoạt động toàn cầu của họ” - đài CNN trích từ tuyên bố chung của các bên.

Ngoài ra, Nhà Trắng còn tuyên bố sẽ có những biện pháp nhằm ngăn NH trung ương Nga triển khai nguồn dự trữ quốc tế theo cách gây tổn hại đến sức ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, đồng thời hạn chế việc bán “hộ chiếu vàng” giúp giới siêu giàu Nga né tránh tác động của lệnh cấm vận.

“Vũ khí hạt nhân tài chính” của phương Tây

Hãng tin AP cho biết SWIFT là từ viết tắt của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên NH toàn cầu, được so sánh như một mạng xã hội của các NH, giúp cung cấp thông tin giao dịch cho các tổ chức tài chính. Hệ thống này thành lập năm 1973, có trụ sở tại Bỉ và hiện kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Người dân Nga xếp hàng sử dụng ATM của Ngân hàng Sberbank tại thủ đô Moscow ngày 25-2. Ảnh: GETTY

Mỗi năm, hơn một nửa các khoản thanh toán giá trị lớn xuyên quốc gia đều xử lý qua hệ thống này. Theo Hiệp hội SWIFT quốc gia Nga, khoảng 300 NH và tổ chức của nước này sử dụng SWIFT, hơn một nửa tổ chức tín dụng tham gia hệ thống này biến Nga thành nước đứng thứ hai (sau Mỹ) về số lượng người dùng.

Với việc bị cắt khỏi SWIFT, các chuyên gia cho rằng Nga hiện tại phải hoạt động như thời kỳ chưa có Internet. “Hãy tưởng tượng những tổ chức này hoạt động trực tuyến với các khách hàng gửi thông tin và giao dịch, rồi đột nhiên ngắt kết nối với hệ thống” - đài CBC dẫn lời chuyên gia Markos Zachariadis thuộc ĐH Manchester (Anh) giải thích.

Khi Iran bị loại khỏi SWIFT năm 2012 do theo đuổi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tăng trưởng kinh tế nước này đã sụt giảm đến 7%, trong khi hoạt động thương mại giảm tới 30%. Ảnh hưởng đối với Nga do đó sẽ không hề nhỏ và chính vì điều này mà Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire từng gọi đây là “vũ khí hạt nhân tài chính” - một trong những đòn mạnh nhất mà phương Tây có thể giáng lên Nga mà không cần viện tới biện pháp quân sự.

Trụ sở Ngân hàng VTB Bank tại thủ đô London, Anh - một trong những ngân hàng chịu lệnh cấm vận từ phương Tây. Ảnh: THE TIMES UK

Chưa kể, ảnh hưởng từ việc bị cô lập khỏi SWIFT có thể sẽ còn trở nên tiêu cực hơn khi cộng hưởng với những đòn trừng phạt khác liên tiếp áp đặt lên Nga trong thời gian gần đây. Đơn cử, Liên minh châu Âu ngày 25-2 đã công bố một gói cấm vận toàn diện nhắm vào lĩnh vực tài chính, năng lượng và vận tải, chính sách thị thực của Nga, trong đó có biện pháp kiểm soát xuất khẩu và cấm tài trợ xuất khẩu hàng hóa Nga vào thị trường EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh EU sẽ “buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải chịu trách nhiệm” vì tấn công Ukraine; và đây sẽ là “các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất, khắc nghiệt nhất” mà EU từng cân nhắc đối với Nga. Cùng với EU, chính quyền Đức đình chỉ việc cấp phép dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Streams 2 của Nga với đoạn ống đi qua Đức trị giá hơn 11 tỉ USD, trong khi chính quyền Phần Lan tuyên bố tạm hoãn các dự án xây dựng nhà máy hạt nhân với tập đoàn năng lượng hạt nhân quốc gia Nga (ROSATOM).

Trong khi đó, Mỹ và Anh chọn cách trừng phạt các NH lớn ở Nga. Washington đã trừng phạt hai trong các NH quốc doanh của Nga là VEB và Promsvyazbank, bị cho là đặc biệt thân cận với điện Kremlin và quân đội Nga; và chặn các NH này giao dịch trên các thị trường Mỹ và châu Âu. Anh áp trừng phạt lên năm NH, gồm Rossiya Bank, IS Bank, General Bank, Promsvyazbank và Black Sea Bank cùng ba tỉ phú Nga là các ông Gennady Timchenko, Boris Rotenberg và Igor Rotenberg. Tất cả NH này bị cấm hoạt động giao dịch ở Anh, trong khi các cá nhân được nêu tên bị đóng băng tài sản ở Anh và cấm nhập cảnh nước này.

Một người biểu tình ở Ukraine giơ biểu ngữ yêu cầu loại Nga khỏi hệ thống SWIFT hôm 24-2. Ảnh: REUTERS

Trong một phát biểu ngày 26-2, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev cảnh báo có thể sẽ đáp trả việc các nước chiếm giữ tài sản của công dân và công ty Nga ở nước ngoài bằng cách đóng băng tài sản của các công ty nước ngoài tại Nga. Ông khẳng định Nga không thật sự cần mối quan hệ ngoại giao với các bên đã cấm vận Nga và nói đã đến lúc “khóa cửa các đại sứ quán” ở những nước này. 

Giữa vòng vây cấm vận, Nga sẽ đối phó ra sao?

Hãng tin Reuters dẫn lời các chuyên gia tại Công ty tư vấn rủi ro thị trường Capital Economics (Anh) nhận định nền kinh tế Nga trên thực tế đang ở một vị thế khá tốt để có thể chống chọi với các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Vào thời điểm năm 2014 khi Nga đưa quân sáp nhập bán đảo Crimea, các lệnh trừng phạt của phương Tây cùng với giá dầu toàn cầu giảm mạnh thời điểm đó đã làm giảm 2% GDP của Nga và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính mà phải đến hai năm sau mới có thể khôi phục hoàn toàn.

Rút kinh nghiệm từ giai đoạn trên, cơ cấu nền kinh tế Nga đã được thay đổi toàn diện để trở nên vững chắc hơn. Qua thời gian, nước này đã giảm bớt sự phụ thuộc vào các khoản vay và đầu tư nước ngoài, đồng thời tích cực tìm kiếm các cơ hội thương mại mới từ những thị trường khác ngoài phương Tây, Trung Quốc là một phần trong chiến lược đó.

Theo báo cáo của Viện tài chính quốc tế, kể từ năm 2014 Nga đã cắt giảm đáng kể việc sử dụng đồng USD trong các giao dịch tài chính. Vàng và đồng euro hiện chiếm tỉ trọng lớn hơn nhiều so với đồng USD trong kho dự trữ của Nga. Nước này cũng có một số biện pháp bảo vệ kinh tế khác như tăng quy mô khối lượng dự trữ ngoại tệ lên 635 tỉ USD và giữ cho tỉ lệ nợ trên GDP ở mức thấp - khoảng 18% vào năm ngoái.

Moscow đã thực hiện những bước đầu tiên để tạo ra hệ thống thanh toán quốc tế riêng, để đề phòng trường hợp bị loại khỏi SWIFT như lúc này, với tên gọi là Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS) và được kết nối với mạng liên NH Trung Quốc CIPS (hệ thống thanh toán quốc tế của Trung Quốc).

Hãng tin Sputnik cho biết đến nay đã có hơn 400 NH Nga tham gia SPFS và chính phủ cũng đã có các biện pháp thúc đẩy tư nhân sử dụng hệ thống này. Tuy nhiên, việc chỉ mới có vài chục NH nước ngoài tham gia có thể sẽ làm SPFS khó giúp được Nga trong các giao dịch quốc tế.

Dù vậy, các doanh nghiệp ở Nga cũng sẽ phần nào yên tâm hơn khi trực tiếp chính quyền liên bang đã cam kết có đủ nguồn lực tài chính cho sự ổn định của hệ thống trước các lệnh trừng phạt và các mối đe dọa từ bên ngoài. Cụ thể, chính phủ nước này mới đây đã ra thông báo cam kết đảm bảo hoạt động bền vững của các công ty, NH nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây, đồng thời bảo toàn việc làm và tiền lương cho nhân viên. Thông báo cũng cho biết các bộ, ngành liên quan đã phát triển kế hoạch rõ ràng về các biện pháp bảo vệ thị trường tài chính và các công ty cá nhân nhưng không nói rõ các kế hoạch này là gì, theo hãng thông tấn TASS.

Chưa thể đánh giá được tác dụng của lệnh cấm vận từ phương Tây

Do đến nay vẫn chỉ mới là giai đoạn đầu của các chiến dịch của Nga ở Ukraine cũng như của các đợt trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này, vẫn chưa có nhiều thông tin để xác định mức độ thiệt hại thực tế của nền kinh tế Nga. Một số chỉ dấu đầu tiên đến từ thị trường chứng khoán Nga khi chỉ số MOEX của sàn giao dịch Moscow sụt giảm điểm trung bình 8%-10%. Cổ phiếu tập đoàn dầu mỏ Rosneft bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong các doanh nghiệp quốc doanh Nga khi ghi nhận mức giảm tới 20%, theo sau là Tập đoàn khí đốt Gazprom với mức giảm 16%. Nhìn chung, thị trường chứng khoán Nga kể từ sau các động thái leo thang với Ukraine đã bốc hơi khoảng 30 tỉ USD, theo tờ Financial Times.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn các chuyên gia tại NH đầu tư JPMorgan Chase (Mỹ) dự báo thị trường chứng khoán Nga sẽ còn tiếp tục giảm sâu trong ngắn hạn dưới sức ép của các đợt cấm vận. Đồng quan điểm, Công ty tư vấn rủi ro thị trường Capital Economics (Anh) cho rằng những biện pháp trừng phạt thông thường có thể làm giảm 1% GDP của Nga nhưng những biện pháp mạnh tay hơn như loại nước này ra khỏi hệ thống SWIFT có thể làm giảm tới 5% GDP. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm