Liệu ông Biden có thay đổi được chủ trương 'Nước Mỹ trên hết'?

Kể từ khi trở thành tổng thống đắc cử, ông Joe Biden đã từng nói rằng việc khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường thế giới là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông, đài Channel News Asia đưa tin.

Một trong những việc đầu tiên ông Biden làm sau khi nhậm chức có lẽ là về chính sách thương mại. Trong bốn năm qua, Tổng thống Donald Trump đã phá vỡ nhiều thỏa thuận thương mại, phát động nhiều cuộc thương chiến, và tác động tiêu cực đến hoạt động nhiều tổ chức thương mại quốc tế. Tất cả những điều này được cho đã khiến Mỹ phải nhường vị trí lãnh đạo kinh tế toàn cầu cho Trung Quốc, dễ thấy nhất là việc Bắc Kinh gần đây đã ký thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia châu Á.

Ông Biden đang muốn đưa nước Mỹ trở lại hình ảnh của thời kỳ “kỷ nguyên vàng” sau thế chiến hai, khi Mỹ là nước tạo ra và duy trì các quy tắc và thể chế thúc đẩy toàn cầu hóa.

Sau bốn năm “rút lui” của ông Trump, việc đưa Mỹ trở lại vị trí dẫn đầu có thể khó hơn ông Biden nghĩ vì ngày càng có nhiều người Mỹ ở cả cánh hữu và cánh tả hoài nghi về thương mại tự do.

Cái giá của "Nước Mỹ trên hết"


Tất cả những quyết định liên quan chính sách thương mại mà ông Trump ủng hộ và theo đuổi đều phục vụ chủ trương "Nước Mỹ trên hết". Có thể thấy qua việc áp dụng thuế quan trừng phạt đối với các sản phẩm cụ thể như thép và nhôm và đối với toàn bộ các nước, đặc biệt là Trung Quốc với quy mô chưa từng thấy trong nhiều thập niên.

Ông Trump tại một cuộc vận động tranh cử ở bang Arizona vào tháng 10 năm 2020. Ảnh: AFP/CNA

Tuy nhiên, chính sách thuế quan của ông Trump đã tiêu tốn của các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ hàng chục tỉ USD, làm tổn thương nghiêm trọng đến nông dân và các nhà sản xuất Mỹ khi đóng cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm của Mỹ qua Trung Quốc và các nơi khác. Hơn nữa, chính quyền sau đó lại phải chi thêm hàng chục tỉ USD hỗ trợ nông dân ảnh hưởng vì chính sách thuế quan.

"Nước Mỹ trên hết" cũng là lý do đằng sau việc ông Trump quyết định rút khỏi các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tập trung vào các thỏa thuận song phương thay vì đa phương như trước đây.

Bên cạnh việc phủ nhận những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do mang lại cho các công ty Mỹ, ông Trump còn đưa ra những chính sách khiến Mỹ ngày càng đứng ngoài lề khi các quy tắc thương mại toàn cầu được ban hành.

Thêm vào đó, các cường quốc khác sẽ tìm cách đưa ra các điều khoản thương mại với các đồng minh của Mỹ. Chẳng hạn như việc Bắc Kinh đã làm với hiệp định thương mại với các nước châu Á hồi tháng 11.

Ông Biden sẽ làm gì?

Có những lý do rất quan trọng để Mỹ bắt đầu tương tác lại với thế giới. Thương mại toàn cầu có thể là chìa khóa để giúp Mỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19. Nhưng để làm như vậy, ông Biden sẽ phải điều hướng hai nhóm dưới đây.

Đầu tiên là phe dân túy, bảo thủ, chủ yếu là các cử tri thuộc tầng lớp lao động, những người đã ủng hộ chính sách thương mại của ông Trump vào năm 2016.
Giống như ông Trump, họ có xu hướng nhìn thương mại qua lăng kính chủ nghĩa dân tộc, trong đó “người chiến thắng sẽ giành lấy tất cả”. Có nghĩa là, họ hiểu thương mại không mang lại lợi ích cho tất cả các bên mà là một cuộc cạnh tranh có thể thắng hoặc thua dựa trên việc ai đang có thặng dư thương mại hoặc ai giành được hay để mất thị phần.

Ông Biden (ảnh) sẽ gặp khó khăn trong việc thay đổi chủ trương "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump. Ảnh: AFP/CNA

Lý thuyết thương mại cơ bản cho thấy rằng, ở một quốc gia giàu có như Mỹ, những người lao động có kỹ năng thấp hơn bị tác động từ thương mại tự do, trong khi những người lao động có kỹ năng và nhà tư bản nhận được nhiều lợi ích hơn. Có thể hiểu được nhiều cử tri thuộc tầng lớp lao động đang cảm thấy bị nền kinh tế mới này bỏ lại phía sau và bị chính phủ phớt lờ.

Nếu đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát Thượng viện, rất có thể sức mạnh ngày càng tăng của phe dân túy sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sự hoài nghi thương mại trong đảng. Điều này sẽ ràng buộc ông Biden khi đàm phán các giao dịch thương mại mới do bị phụ thuộc vào sự chấp thuận của Thượng viện.

Nhưng ngay cả khi đảng Dân chủ xoay sở để giành được Thượng viện, ông Biden có thể sẽ vẫn cần phải thu phục những cử tri thuộc tầng lớp lao động, chủ yếu là người da trắng khi ông tìm cách duy trì đa số ủng hộ từ phía quốc hội. Dù bằng cách nào, họ sẽ vẫn là một lực lượng mạnh sau khi ông Trump ra đi.

Ngoài ra, phe dân túy không phải là phần quan trọng duy nhất trong phổ chính trị Mỹ hoài nghi về thương mại. Phe dân túy cánh tả, do thượng nghị sĩ Bernie Sanders dẫn đầu từ lâu đã ủng hộ việc hạn chế ngoại thương. Động cơ của nó hơi khác, tập trung nhiều hơn vào sự hoài nghi về quyền lực của doanh nghiệp và tác động của thương mại đối với quyền lao động và môi trường.

Cuối cùng, mặc dù những người theo chủ nghĩa dân túy ở cánh hữu và cánh tả đại diện cho một vị trí thiểu số về thương mại, họ sẽ vẫn là những lực lượng chính trị mạnh mẽ trong tương lai gần. Vì những lý do này, không chắc ông Biden sẽ có thể đưa thương mại Mỹ trở lại như bình thường hay không. Có thể ông Biden không thể mở rộng cánh cửa thương mại toàn cầu, nhưng ông ấy sẽ giúp giữ nó không tiếp tục khép lại với thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm