Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt mục tiêu đưa người Mỹ lên mặt trăng trong năm năm tới. Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu tiên con người đặt chân lên thiên thể này kể từ lần gần nhất diễn ra vào năm 1972.
Nhiệm vụ bất khả thi?
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) bằng mọi cách sẽ đưa người Mỹ lên mặt trăng trước năm 2024, báo The New York Times dẫn lời Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 26-3 cho biết. Ông Pence khẳng định Mỹ một lần nữa đang tăng tốc trước các đối thủ như Nga và Trung Quốc (TQ) trong cuộc đua vào không gian vũ trụ.
Để đạt được mục tiêu với chi phí hàng tỉ USD này, Giám đốc NASA Jim Bridenstine cho biết cần đẩy mạnh phát triển một tên lửa khổng lồ với tốc độ cao hơn, theo tờ Japan Times. Trước đó, NASA đã lập kế hoạch sẽ đặt một trạm Gateway vào quỹ đạo quanh mặt trăng năm 2024 và đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng trước năm 2028.
Theo hãng tin Reuters, ông Pence yêu cầu NASA phải thay đổi cơ cấu tổ chức trở nên linh hoạt hơn. Thêm vào đó, tên lửa và tàu đổ bộ mặt trăng của NASA cần được thay thế bằng các thiết bị của công ty tư nhân nếu cần thiết. Tỉ phú công nghệ Elon Musk lập tức nhận định trên Twitter rằng đây là một ý tưởng truyền cảm hứng cho nhân loại khi thấy con người trở lại mặt trăng.
Ông Bobby Braun, cựu kỹ sư trưởng của NASA, đề cập đến việc xem xét ngân sách và chi tiết của việc thực hiện dự án này. Theo ông, cộng đồng hàng không vũ trụ Mỹ chắc chắn có thể hoàn thành nhiệm vụ này nếu được cung cấp nguồn lực cần thiết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: GETTY IMAGES
Cuộc chạy đua khốc liệt
Theo hãng tin RIA Novosti, ông Evgeniy Mikrin, tổng công trình sư các tổ hợp có người lái của Nga, đã đề xuất xây trạm không gian quốc gia đầu tiên của Nga trên quỹ đạo mặt trăng vào năm 2025. Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) hồi tháng 2-2019 khẳng định họ đã sẵn sàng để tiếp tục đưa con người đến trạm vũ trụ quốc tế sau một thập niên kể từ chuyến du hành vũ trụ cuối cùng.
Nếu cuộc chiến giữa Mỹ và Nga là tâm điểm chú ý của nửa cuối thế kỷ 20 thì việc TQ bứt phá trở thành “tay chơi” mới đầy tiềm năng lại đang thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia trong nửa đầu thế kỷ 21. Năm 2003, TQ trở thành quốc gia thứ ba phóng thành công tàu vũ trụ có người lái vào không gian sau Liên Xô và Mỹ.
Đầu năm nay, tờ The Guardian đưa tin cơ quan quản lý vũ trụ quốc gia TQ (CNSA) đã hạ cánh tàu thăm dò Chang’e 4 (Hằng Nga 4) xuống vùng tối chưa từng được khám phá trên bề mặt mặt trăng. Bên cạnh đó, TQ đang tiến hành các bước đi quan trọng, đặt nền móng cho tham vọng xây dựng thành công trạm vũ trụ vào năm 2020.
Không gian vũ trụ cũng được nhiều quốc gia quân sự hóa từ sáu thập niên trước. Các phát minh kỹ thuật của Nga và TQ đang đe dọa đến các vệ tinh quan trọng của Mỹ ngoài Trái đất, theo trang Foreign Affairs. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra chỉ thị thành lập lực lượng không gian như là nhánh quân sự thứ sáu thuộc không quân Mỹ hồi tháng 2 năm nay. Các vệ tinh đã trở thành một thành phần không thể thiếu trong việc xây dựng sức mạnh của Mỹ. Chúng cung cấp các dịch vụ quân sự quan trọng, bao gồm thông tin liên lạc an toàn, dữ liệu điều hướng và một tên lửa đạn đạo phóng hệ thống cảnh báo để bảo vệ chống lại những cuộc tấn công bất ngờ. Chúng cho phép các lực lượng quân sự Mỹ phối hợp với nhau trên không gian địa lý rộng lớn, hỗ trợ nhiều nhiệm vụ khác nhau trong các cuộc xung đột hay hỗ trợ nhân đạo.
Trong khi đó, chính quyền Moscow cũng đang tạo ra một lực lượng không gian vũ trụ tích hợp, thực hiện các nhiệm vụ bao gồm phát hiện và giải quyết các mối đe dọa từ không gian vũ trụ. Chính quyền Bắc Kinh còn thành lập một lực lượng hỗ trợ chiến lược, kết hợp sức mạnh không gian vũ trụ quân sự và các nhiệm vụ không gian mạng của TQ.
Người phụ nữ đầu tiên và người đàn ông tiếp theo đặt chân lên mặt trăng sẽ là các phi hành gia người Mỹ. Họ sẽ du hành trên các tàu vũ trụ của Mỹ với tên lửa Mỹ được phóng từ đất Mỹ. Phó Tổng thống Mỹ MIKE PENCE |
Tờ Foreign Affairs cho biết cả Nga và TQ đang phát triển và triển khai vũ khí chống lại vệ tinh để làm suy yếu quân đội Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột. Họ cũng đang phát triển các công nghệ laser để phá hủy các cảm biến vệ tinh và đang xây dựng khả năng tác chiến điện tử để chặn tín hiệu từ các vệ tinh liên lạc và điều hướng của Mỹ.
TQ hiện có một tên lửa trên mặt đất nhằm tiêu diệt các vệ tinh trong quỹ đạo thấp. Quân đội TQ đã bắt đầu được huấn luyện sử dụng tên lửa này. Bắc Kinh thậm chí có tham vọng nhắm vào mục tiêu là các vệ tinh trong quỹ đạo cao hơn. Cường quốc kinh tế thứ hai thế giới đã phóng một vật thể với độ cao cực đại đạt 30.000 km hồi tháng 5-2013. Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc, đây có thể là một thử nghiệm nhằm đạt được khả năng chống vệ tinh tầm cao.
Trong khi đó, Nga tuyên bố sẽ phát triển tên lửa phóng từ trên không nhắm vào các vệ tinh trong không gian của Mỹ. Những vệ tinh trong quỹ đạo tầm cao của Mỹ chứa nhiều tài sản quan trọng, bao gồm các vệ tinh kiểm soát và chỉ huy chiến lược hạt nhân. Những cuộc tấn công chống lại các vệ tinh này sẽ đặc biệt nguy hiểm vì chúng có thể gia tăng lo ngại về chiến tranh hạt nhân và dẫn đến sự leo thang cạnh tranh hạt nhân nếu khủng hoảng hoặc xung đột xảy ra.
Ngân sách đầu tư lĩnh vực không gian vũ trụ Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, TQ chi khoảng 8,4 tỉ USD và Mỹ chi khoảng 48 tỉ USD cho các chương trình không gian dân sự và quân sự năm 2017. Theo trang Phys.org, Nga chi khoảng 3 tỉ USD cho các chương trình không gian dân sự này. Con người chinh phục mặt trăng Nhà du hành vũ trụ Mỹ Neil Armstrong là người đầu tiên trên thế giới đặt chân lên mặt trăng. Ông đã chỉ huy tàu vũ trụ Apollo 11 đáp xuống mặt trăng ngày 20-7-1969. Câu nói đầu tiên của ông sau khi đặt chân lên mặt trăng “Đây là bước nhỏ bé của con người nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại” đã đi vào sách lịch sử. Chuyến du hành với tàu vũ trụ Apollo 17 của Mỹ là lần đổ bộ thứ sáu và cuối cùng của con người trên mặt trăng. Apollo 17 rời Trái đất từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy (Mỹ) vào ngày 7-12-1972. Các phi hành gia ở trên bề mặt của mặt trăng trong hơn ba ngày để thu thập mẫu đất, đá và thực hiện các thí nghiệm khoa học. Đây cũng là lần đầu tiên NASA thực hiện một vụ phóng tàu vũ trụ vào buổi đêm và cũng là lần thử nghiệm đầu tiên của tên lửa đẩy thế hệ mới nhất lúc đó của Mỹ là Saturn V. |
______________________________________
(*) Hà Minh Thu là nhà báo đang làm việc tại đài truyền hình địa phương ở nước Cộng hòa Moldova, châu Âu.