Mỹ: Tham vọng không gian mới

Cơ quan NASA sẽ được tăng thêm ngân sách. Tuy nhiên, việc từ bỏ chương trình thám hiểm mặt trăng cũng đã gây tranh cãi trong giới nghiên cứu vũ trụ.

Hôm 15/4, trước 200 người tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy tại Cap Canaveral, Tổng thống Obama đã thông báo tham vọng không gian mới của Mỹ đến năm 2035. Theo chương trình đưa ra, trong vòng một phần tư thế kỷ tới đây, Mỹ sẽ cố gắng trở thành nước đầu tiên trong lịch sử đưa người lên các hành tinh xa hơn mặt trăng. Tổng thống Obama hứa hẹn ngay trong thập niên tới chắc chắn sẽ có những tàu vũ trụ mới đưa người đến các vì sao xa xôi.

Chiến lược chinh phục vũ trụ mới của Mỹ đi cùng với quyết định từ bỏ chương trình "Chòm sao" được xây dựng dưới thời chính quyền Bush với dự định đưa người trở lại mặt trăng vào năm 2020. Lý do mà ông Obama đưa ra là chương trình này quá tốn kém, với chi phí đến nay đã lên tới 19 tỉ USD và chậm so với hạn định. Một cuộc xét duyệt độc lập kết luận rằng chương trình "Chòm sao" bị thiếu hụt 8 tỉ USD và không có hy vọng đạt được các mục tiêu của nó.

Mỹ: Tham vọng không gian mới ảnh 1

Chương trình không gian mới của Mỹ gây nhiều tranh cãi

Chương trình mới cũng sẽ nhằm vận động cho việc phát triển các dịch vụ chuyên chở thương mại trong không gian và bao quanh trái đất bằng các vệ tinh để theo dõi sự thay đổi khí hậu. Các kế hoạch được đưa ra giữa lúc NASA chuẩn bị chấm dứt chương trình phi thuyền con thoi vào cuối năm nay.

Các viên chức NASA nói công việc về chương trình mới sẽ được mở rộng trong khắp 10 trung tâm dã chiến của cơ quan, với Trung tâm Không gian Johnson ở Houston lãnh trách nhiệm về một chương trình 5 năm tốn kém 6 tỉ USD để giám sát những cuộc trình diễn kỹ thuật. Trung tâm Không gian Kennedy ở Florida sẽ chịu trách nhiệm về một nỗ lực 5 năm tốn kém 5,8 tỉ USD để giúp các công ty tư phát triển các dịch vụ chuyên chở trên quỹ đạo.

Các trung tâm ở Maryland, California và Ohio sẽ đảm trách một chiến dịch được mở rộng để quan sát trái đất. NASA sẽ cho ba phi thuyền không gian “về hưu” vào mùa thu tới vì những lo ngại về phí tổn và an toàn, sau khi ba sứ mạng nữa sẽ hoàn tất việc xây dựng Trạm Không gian Quốc tế (ISS), một dự án 100 tỉ USD của 16 quốc gia đã ở trong tình trạng xây dựng kể từ năm 1998.

Chương trình mới của Mỹ kéo dài hoạt động của trạm không gian cho tới ít nhất năm 2020. Nhưng chỉ riêng ở Florida, hàng ngàn nhân viên hợp đồng được dự trù sẽ mất việc vì chương trình con thoi chấm dứt.

Để thực hiện tham vọng vũ trụ mới, Tổng thống Mỹ quyết định tăng ngân sách cho Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) thêm 6 tỉ USD. Ông Obama lý giải thêm, với việc tăng ngân sách cho NASA, trong vòng hai năm sẽ tạo thêm 2.500 việc làm cho vùng Cap Canaveral, bù lại cho hàng nghìn người bị mất việc do hủy chương trình đưa người lên mặt trăng.

Chiến lược chinh phục vũ trụ mới hủy bỏ chương trình lên mặt trăng của ông Obama đã gây không ít tranh cãi trong giới nghiên cứu vũ trụ của Mỹ. Cựu phi hành gia Neil Armstrong, người đầu tiên bước trên mặt trăng trong chuyến đi của tàu Apollo tháng 11/1969, cho rằng, kế hoạch của ông Obama sẽ gây nhiều thiệt hại và đe dọa vị thế cường quốc dẫn đầu của Mỹ trong các chương trình khám phá không gian.

Giang Khuê tổng hợp (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm