Nhật định bắn hạ tên lửa, vệ tinh Triều Tiên: Kịch tính nhưng khó thực hiện

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nhật về việc bắn hạ các phương tiện phóng từ Triều Tiên bay vào lãnh thổ Nhật rất khó thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Yasukazu Hamada đã lệnh cho Lực lượng phòng vệ (SDF) sẵn sàng bắn hạ “bất kỳ vật thể nào” từ Triều Tiên nếu nó đe dọa lãnh thổ Nhật.

Ông Hamada đã chỉ đạo SDF “chuẩn bị tiêu diệt” một tên lửa đạn đạo, hỏa tiễn hoặc vệ tinh “có dấu hiệu” hạ cánh xuống lãnh thổ. Chỉ đạo cũng hướng dẫn quân đội nỗ lực “hạn chế thiệt hại” nếu vật thể này tấn công Nhật.

Công tác chuẩn bị bao gồm triển khai tổ hợp phòng thủ tên lửa trên mặt đất Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) tới tỉnh Okinawa (ở miền Nam) và các tàu khu trục Aegis có trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 tới vùng biển xung quanh.

Kế hoạch của ông Hamada được đưa ra sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết Bình Nhưỡng đang chuẩn bị phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên để chống lại các mối đe dọa từ Mỹ và Hàn Quốc. Ông Kim không đưa ra thời gian cụ thể nhưng yêu cầu giới chức Triều Tiên đẩy nhanh quá trình chuẩn bị.

Nhận xét về kế hoạch bắn hạ của Nhật, các chuyên gia cho rằng đây là một “kịch bản kịch tính” nhưng rất khó xảy ra, theo tờ Japan Times.

Binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật (SDF) triển khai các đơn vị phòng thủ tên lửa PAC-3 tới tỉnh Okinawa từ Cảng Hakata ở (TP Fukuoka, Nhật) vào sáng 23-4. Ảnh: KYODO NEWS

Binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật (SDF) triển khai các đơn vị phòng thủ tên lửa PAC-3 tới tỉnh Okinawa từ Cảng Hakata ở (TP Fukuoka, Nhật) vào sáng 23-4. Ảnh: KYODO NEWS

Trước đây, Triều Tiên đã 2 lần tuyên bố phóng thành công vệ tinh, đó là vào tháng 12-2012 và tháng 2-2016. Tuy nhiên, Tokyo cho rằng đó thực chất là vụ thử nghiệm công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và ra lệnh cho quân đội bắn hạ nếu các bộ phận của tên lửa rơi xuống lãnh thổ Nhật.

Các chuyên gia về tên lửa cho rằng không giống như các vụ thử tên lửa đạn đạo trước đó, lần này Triều Tiên có thể đang nhắm đến việc đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Một động thái có khả năng gây rủi ro nếu vệ tinh rơi xuống chuỗi đảo Nansei (Nhật).

Một số chuyên gia đã lên tiếng lo ngại rằng việc cố gắng bắn hạ một tên lửa hoặc tên lửa mang vệ tinh của Bình Nhưỡng có thể mở ra khả năng leo thang căng thẳng giữa hai nước cũng như làm lộ khả năng phát hiện và đánh chặn của Nhật cho giới quan sát Triều Tiên.

Chẳng hạn, nếu Nhật bắn trượt mục tiêu thì sẽ bị đặt câu hỏi về khả năng phòng thủ của Tokyo. Viễn cảnh này còn ảnh hưởng đến Mỹ và nhiều nước đồng minh, đối tác đang sở hữu các hệ thống phòng thủ như SM-3 và PAC-3 do Washington sản xuất.

Tháng trước, bà Kim Yo Jong - em gái ông Kim Jong-un đã cảnh báo rằng bất kỳ động thái nào của Mỹ hoặc các nước khác nhằm bắn hạ một trong những “vũ khí chiến lược” của Bình Nhưỡng trên vùng biển quốc tế sẽ được coi là “một lời tuyên chiến rõ ràng”.

Trong khi đó, ông Masashi Murano - nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chính sách Hudson (Mỹ) cho rằng nguy cơ leo thang căng thẳng “sẽ không cao” trong trường hợp này vì SDF sẽ chỉ đánh chặn vật thể từ Triều Tiên nếu nó bị lỗi và lao vào lãnh thổ Nhật.

Ông cũng cho biết thêm rằng cả tên lửa SM-3 và khẩu đội PAC-3 đều không thể đánh chặn tên lửa đạn đạo hay hỏa tiễn nếu các phương tiện phóng này đang trong giai đoạn tăng tốc.

“Nói cách khác, nếu phương tiện phóng không rơi xuống lãnh thổ Nhật, sẽ không có hành động đánh chặn nào được thực hiện” - ông nói thêm.

Theo chuyên gia, kế hoạch bắn hạ của Nhật với phương tiện phóng từ Triều Tiên mang chính trị hơn nhiều hơn khả năng thực tế.

Ông Murano nhận định: “Xét đến sự nhạy cảm trong tâm lý của người dân địa phương ở quần đảo Nansei, SDF sẽ thể hiện sự sẵn sàng bảo vệ công chúng nếu có rủi ro xảy ra”.

“Tôi nghĩ điều này nhằm trấn an công chúng cũng như khẳng định sự sẵn sàng của SDF” - ông nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm