Uy tín TQ và lợi ích của Mỹ trong thỏa thuận hòa giải Iran-Saudi Arabia

(PLO)- Theo các chuyên gia, thoả thuận hoà giải quan hệ giữa Iran-Saudi Arabia có thể nâng cao uy tín ngoại giao của TQ, đồng thời cũng mở ra một cục diện chính trị mới ở Trung Đông có lợi cho Mỹ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-3, Iran và Saudi Arabia đã ký một thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao, chấm dứt 7 năm đóng băng quan hệ, do Trung Quốc (TQ) làm trung gian, theo trang Politico.

Sau cuộc đàm phán kéo dài 4 ngày tại Bắc Kinh, Tehran và Riyadh đồng ý mở lại các đại sứ quán trong vòng hai tháng và kiềm chế can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản TQ Vương Nghị (giữa), Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani (trái) và cố vấn an ninh quốc gia của Saudi Arabia - ông Musaad bin Mohammed Al Aiban tại buổi ký kết thỏa thuận ngày 10-3. Ảnh: REUTERS

Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản TQ Vương Nghị (giữa), Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran Ali Shamkhani (trái) và cố vấn an ninh quốc gia của Saudi Arabia - ông Musaad bin Mohammed Al Aiban tại buổi ký kết thỏa thuận ngày 10-3. Ảnh: REUTERS

Trong tuyên bố chung của TQ, Iran và Saudi Arabia sau khi ký kết thỏa thuận, 3 nước bày tỏ mong muốn thực hiện mọi nỗ lực nhằm tăng cường hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế.

Chuyên gia ngạc nhiên về vai trò của TQ

Nhiều chuyên gia đã tỏ ra khá ngạc nhiên về vai trò trung gian hòa giải của TQ ở Trung Đông, khi thỏa thuận được ký kết chỉ vài ngày trước cột mốc 20 năm kể từ khi Mỹ đưa quân vào Iraq.

Bà Camille Lons - nhà nghiên cứu tại văn phòng Trung Đông thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Mỹ) đánh giá sự tham gia của Bắc Kinh là “khá ngạc nhiên”, ngay cả đối với các nhà phân tích TQ, theo tờ The Washington Post.

Trước đây, Bắc Kinh phần lớn tránh can thiệp chính trị vào Trung Đông, tập trung vào tăng cường quan hệ kinh tế. TQ là nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất từ ​​khu vực. Theo bà Lons, “có rất nhiều mối quan tâm” giữa các ông lớn Trung Đông, bao gồm Saudi Arabia và Iran, trong việc đảm bảo quyền tiếp cận lâu dài vào thị trường TQ.

Theo bà, trong trường hợp này, Bắc Kinh dường như đóng vai trò là chủ nhà và người hỗ trợ cho việc ký kết hiệp định cuối cùng. Tuy nhiên, thỏa thuận gửi một thông điệp mang tính biểu tượng “rất mạnh mẽ”.

TQ sẵn sàng đảm nhận vai trò lớn hơn ở Trung Đông?

Maria Luisa Fantappie, cố vấn đặc biệt về Trung Đông và Bắc Phi tại Trung tâm Đối thoại Nhân đạo ở Geneva (Thụy Sĩ) nhận định vai trò của TQ trong thỏa thuận Iran-Saudi Arabia có lẽ nhằm gửi một thông điệp tới các cường quốc, bao gồm Mỹ, rằng trung tâm của Trung Đông đang thay đổi, theo Washington Post.

Chuyên gia Kristin Smith Diwan thuộc Viện nghiên cứu Các quốc gia Ả Rập tại vùng Vịnh (AGSIW) nhận định: “TQ đã thực sự tiếp cận với tư cách là một tác nhân chiến lược ở vùng Vịnh”.

Thái tử Saudi Arabia - ông Mohammed Bin Salman (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Ả Rập ở Riyadh ngày 9-12-2022. Ảnh: REUTERS
Thái tử Saudi Arabia - ông Mohammed Bin Salman (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Ả Rập ở Riyadh ngày 9-12-2022. Ảnh: REUTERS

Theo đài NBC News, ngày càng có nhiều lo ngại rằng thỏa thuận Iran-Saudi Arabia sẽ chấm dứt ưu thế vượt trội của Mỹ ở Trung Đông.

Ông Aaron David Miller - cựu cố vấn chính sách về Trung Đông tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông "thật sự ngạc nhiên" khi Saudi Arabia đạt được thỏa thuận với TQ và Iran.

“Tôi nghĩ điều đó chứng tỏ rằng ảnh hưởng và uy tín của Mỹ [ở Trung Đông] đã giảm đi và rằng có một kiểu liên kết quốc tế mới đang diễn ra ở khu vực. Điều này đã trao quyền và mang lại cho cả Nga và TQ ảnh hưởng và địa vị mới” - ông Miller nói.

Trong khi đó, theo đài CNN, một sự thay đổi trong các liên minh khu vực đang diễn ra. Mối quan hệ của Saudi Arabia với Mỹ đã trở nên căng thẳng trong những năm gần đây, trong khi vị thế của TQ đã tăng lên.

Không giống như Washington, Bắc Kinh đã cho thấy khả năng vượt qua nhiều sự cạnh tranh ở Trung Đông. TQ đã tạo dựng quan hệ ngoại giao tốt đẹp với các nước trong khu vực, thông qua tăng cường quan hệ kinh tế.

Ông Jonathan Fulton - thành viên cấp cao không thường trực tại Hội đồng Đại Tây Dương (cơ quan cố vấn của Mỹ trong lĩnh vực các vấn đề quốc tế) cho rằng thỏa thuận Iran-Saudi Arabia cho thấy TQ sẵn sàng đảm nhận vai trò lớn hơn trong khu vực, theo hãng tin AFP.

“Đây có thể là dấu hiệu cho thấy TQ ngày càng tin vào sự hiện diện của mình trong khu vực, có thể là dấu hiệu cho thấy TQ nghĩ rằng nước này có không gian để thách thức ưu thế của Mỹ ở Trung Đông” - ông Fulton nói.

"Trong mọi trường hợp, có vẻ như đó là một chiến thắng ngoại giao cho TQ và là một bước khởi đầu đáng kể trong cách tiếp cận của TQ đối với khu vực cho đến thời điểm này” - theo ông Fulton.

Nhà phân tích Hussein Ibish thuộc AGSIW nhận định điều này chắc chắn sẽ khiến Washington, vốn có mối quan hệ đối tác phức tạp kéo dài hàng thập niên với Riyadh "không yên tâm".

Vẫn có lợi cho Mỹ?

Tuy nhiên, ông Ibish cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn có thể hưởng lợi từ thỏa thuận do TQ làm trung gian, theo AFP.

“Chính quyền ông Biden đã đi đầu trong việc nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết là thúc đẩy ngoại giao thay vì xung đột và đối đầu ở Trung Đông và đặc biệt là vùng Vịnh. Có thể sự giảm bớt căng thẳng giữa Iran và các nước Ả Rập vùng Vịnh ‘là tích cực’" - theo ông Ibish.

“Dù Washington có thể coi vai trò trung gian hòa giải đang nổi lên của TQ ở Trung Đông là một mối đe dọa, thực tế là một Trung Đông ổn định hơn, nơi người Iran và người Saudi Arabia không còn cạnh tranh với nhau cũng có lợi cho Mỹ” - chuyên gia Trita Parsi, phó chủ tịch điều hành Viện nghiên cứu Quincy (Mỹ) viết trên Twitter, theo CNN.

Chuyên gia Parsi lập luận rằng động thái mới của TQ sẽ thúc giục Mỹ xem xét lại chính sách Trung Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm