Thỏa thuận hạt nhân Iran và chuyện hỗ trợ vũ khí cho Ukraine là hai vấn đề chính trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin với giới lãnh đạo nước đồng minh Israel tại Tel Aviv ngày 9-3, theo hãng tin AP.
Mỹ muốn Israel kiên nhẫn, đừng vội đánh Iran
Theo AP, các cuộc gặp giữa ông Austin và giới lãnh đạo Israel đã một lần nữa nhấn mạnh sự khác biệt lâu dài giữa Mỹ và Israel về cách ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran hiện đang phát triển nhanh. Các nỗ lực nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran - vốn được xem là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt trong nỗ lực của phương Tây nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran - bị đình trệ trong nhiều tháng.
Tại Tel Aviv, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh rằng “ngoại giao là cách tốt nhất để ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Trong khi đó, tiếp ông Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant không đề cập đến thỏa thuận hạt nhân hay tiến trình đàm phán đang bị ngưng trệ, thay vào đó cho rằng “phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”.
“Mối đe dọa hạt nhân của Iran đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi hành động” ông Gallant nhắc lại hai lần câu nói này trong cuộc gặp với ông Austin.
Bộ trưởng Quốc phòng MỹLloyd Austin (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tại cuộc họp báo sau cuộc gặp tại Sân bay Quốc tế Ben Gurion (Israel) ngày 9-3. Ảnh: REUTERS |
Theo AP, ông Gallant dường như gợi ý rằng Israel có thể dùng đến hành động quân sự để loại bỏ các cơ sở hạt nhân của Iran.
Sự khác biệt giữa các phát ngôn của hai bộ trưởng cho thấy cách tiếp cận khác nhau của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đối với Iran.
Năm 2015 - khi ông Biden còn là phó tổng thống Mỹ, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã dẫn đầu nỗ lực đàm phán và ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran, theo đó Iran được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và đổi lại phải kiềm chế chương trình hạt nhân của mình.
Thời điểm đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gay gắt phản đối thỏa thuận này. Ông cho rằng các điều khoản trong thỏa thuận không hiệu quả trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân Iran, chưa kể nội dung thỏa thuận cũng không đề cập chương trình tên lửa của Iran do đó không giải quyết được hành vi gây hấn phi hạt nhân của nước này trong khu vực.
Sau khi nhậm chức tổng thống Mỹ năm 2018, ông Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Iran. Tehran đáp trả bằng việc dần dần tăng cường làm giàu uranium, mở rộng kho dự trữ uranium đã làm giàu, và phát triển máy ly tâm tiên tiến.
Hiện các chuyên gia Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết Iran đã làm giàu uranium tại cơ sở hạt nhân Fordow đến độ tinh khiết 84%, chỉ kém cấp độ vũ khí, và chỉ còn vài tháng nữa đạt đến khả năng chế tạo vũ khí. Còn hãng Fox News cuối tháng 2 đưa tin rằng Iran có thể sản xuất đủ nguyên liệu cho một quả bom hạt nhân trong “khoảng 12 ngày”. Ông Austin ngày 9-3 cho biết ông “quan ngại sâu sắc” trước báo cáo của IAEA.
Sau khi nhậm chức tổng thống Mỹ thay thế ông Trump đầu năm 2021, Tổng thống Biden cam kết sẽ đưa Mỹ tham gia lại thỏa thuận hạt nhân và dỡ bỏ trừng phạt với Iran nếu Tehran tuân thủ các giới hạn nghiêm ngặt của thỏa thuận đối với chương trình hạt nhân.
Tuy nhiên những nỗ lực nhằm hồi sinh thỏa thuận tính đến thời điểm này chưa có kết quả. Hiện tiến trình đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran - được ký giữa Iran với nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức) và Liên minh châu Âu - bị đình chỉ sau khi Iran nổ ra làn sóng biểu tình kéo dài trên toàn quốc cũng như vì thông tin Iran bán máy bay không người lái (UAV) có vũ trang cho Nga để Nga sử dụng trong xung đột ở Ukraine.
Với Israel, Iran là đối thủ số một ở Trung Đông. Cuộc đối đầu nhiều năm nay giữa hai đối thủ này đã lan ra khắp khu vực. Sau khi tái đắc cử tổng thống Israel vào cuối năm ngoái, ông Netanyahu đã công khai ủng hộ hành động quân sự chống lại Iran.
Theo AP, Israel thời gian qua bị cáo buộc đã thực hiện một loạt vụ phá hoại bí mật và các hoạt động giết người có chủ đích, nhằm đẩy lùi ảnh hưởng và sức mạnh của Iran trong khu vực cũng như làm chậm khả năng làm giàu uranium của Iran.
“Chúng ta phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo rằng giấc mơ của các ayatollah không bao giờ được thực hiện bằng bất cứ giá nào” – AP dẫn phát ngôn kiên quyết của ông Gallant. (Ayatollah là một danh hiệu kính trọng dành cho các giáo sĩ Twelver Shia cấp cao ở Iran và Iraq, được sử dụng rộng rãi trong thế kỷ 20).
Khả năng Israel tấn công phủ đầu Iran là nỗi lo ngày càng lớn của cả Mỹ và châu Âu. Dù lo ngại về tiến trình làm giàu uranium của Iran nhưng đầu tuần này Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi nói rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel hoặc Mỹ nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran sẽ bị coi là bất hợp pháp.
Mỹ muốn Israel gửi vũ khí cho Ukraine, Tel Aviv tránh né
Bên cạnh bất đồng về Iran, hai đồng minh thân thiết là Mỹ và Israel cũng có khác biệt căng thẳng liên quan cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Israel mặc dù gửi viện trợ nhân đạo cho Ukraine nhưng từ chối các yêu cầu thường xuyên của Kiev về việc gửi hệ thống phòng không và nhiều loại vũ khí khác. Israel cũng kiềm chế thực thi các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt với Nga vì sợ làm tổn hại đến mối quan hệ sống còn với Moscow.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào ngày 9-3. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO ISRAEL |
Nhiều năm nay Nga và Israel có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và có sự phối hợp chặt chẽ để tránh va chạm trên bầu trời Syria, nước láng giềng phía đông bắc của Israel, nơi Không quân Nga hỗ trợ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Theo AP, ngày 9-3, ông Austin lưu ý đến mối quan hệ quân sự ngày càng chặt chẽ giữa Iran và Nga trên chiến trường Ukraine.
“Trong năm qua, sự hợp tác quân sự của Nga với Iran đã trở nên sâu sắc hơn và điều đó đặt ra những thách thức nghiêm trọng cho khu vực này… Iran đang thu được kiến thức và kinh nghiệm chiến trường quan trọng ở Ukraine, những kinh nghiệm này cuối cùng sẽ chuyển giao cho các lực lượng ủy nhiệm nguy hiểm ở Trung Đông” – ông Austin nói trong cuộc họp báo chung với Gallant ngày 9-3.
Ông Austin cũng thúc giục Israel làm nhiều hơn để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột: “chúng tôi kêu gọi tất cả các đồng minh và đối tác của mình hành động ngay bây giờ, vào thời điểm bản lề của lịch sử. …tất cả phải khẩn trương làm phần việc của mình để giúp Ukraine”.
Tuy nhiên, về phần ông Gallant, khi được một phóng viên hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Israel cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, vị bộ trưởng Israel chỉ nói chung chung rằng Israel “đang làm hết sức mình”. Ông Gallant cũng từ chối trả lời trực tiếp khi được một nhà báo hỏi liệu ông Austin có nhắc lại yêu cầu của Mỹ rằng Israel cần gửi vũ khí cho Ukraine hay không: “Đây là vấn đề mà tôi phải tham khảo ý kiến của Mỹ trước khi công bố”.
Chưa biết giữa hai đồng minh thân thiết Mỹ và Israel thì cuối cùng ai sẽ nhường ai trong hai vấn đề bất đồng này.
Trước cuộc gặp với ông Austin, ông Netanyahu đã nhấn mạnh “chương trình nghị sự chung” của Mỹ và Israel trong việc ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và “duy trì sự thịnh vượng và an ninh” của Trung Đông.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ thì trong chuyến thăm ông Austin và các lãnh đạo Israel “đồng ý tăng cường hợp tác để đối đầu với sự xâm lược của Iran” trong khu vực, và nhấn mạnh “hậu quả chết người” của việc Iran cung cấp UAV có vũ trang cho Nga đề sử dụng ở Ukraine, và cả nguy cơ Nga chuyển giao công nghệ trở lại cho Iran.
Iran bắt tay với Nga về uranium và vũ khí?
Fox News đưa tin vào đầu tuần này rằng Iran đã thực hiện một thỏa thuận bí mật với Nga về an toàn uranium làm giàu.
Theo thông tin từ Fox News, thỏa thuận đạt được vào mùa hè năm ngoái, có thể vào tháng 7-2022, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ở Iran. Theo đó Nga sẽ trả lại uranium đã được làm giàu của Iran nếu thỏa thuận hạt nhân thất bại.
Fox News không nêu rõ loại uranium nào sẽ được trả lại, nhưng thỏa thuận được cho là đề cập đến hơn 12.500 kg uranium làm giàu thấp mà Iran đã chuyển cho Nga vào năm 2015.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Samarkand (Uzbekistan) ngày 15-9-2022. Ảnh: SPUNIK/ REUTERS |
Fox News còn thông tin rằng Iran có khả năng bổ sung điều khoản hoàn trả uranium như một phần của thỏa thuận rộng hơn nhằm cung cấp UAV cho Nga sử dụng trong xung đột ở Ukraine.
Một quan chức tình báo giấu tên nói với Fox News rằng thỏa thuận này “sẽ làm suy yếu đáng kể lợi ích của Mỹ và sẽ giúp Nga có quyền kiểm soát trên thực tế đối với thỏa thuận hạt nhân trong hiện tại và tương lai”.
Bên cạnh đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Nga đã đề nghị với Iran “sự hợp tác quốc phòng chưa từng có, bao gồm cả tên lửa, thiết bị điện tử và phòng không” và có thể cung cấp cho Tehran các máy bay chiến đấu. Điện Kremlin và Bộ Quốc phòng Nga không trả lời yêu cầu bình luận.
Theo thông tin từ hãng Bloomberg thì Iran đang tìm cách sở hữu các hệ thống phòng không mới tinh vi từ Nga như S-400. Nga không cho biết công khai liệu có cung cấp S-400 cho Iran hay không. Sẽ mất gần hai năm để S-400 đi vào hoạt động. Iran chưa bình luận về thông tin này.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: AP |
Phía Israel tin rằng nếu Iran sở hữu S-400 thì cơ hội tấn công chương trình hạt nhân của Tehran sẽ bị thu hẹp, và khả năng một cuộc tấn công nhằm vào Iran sẽ xảy ra sớm hơn.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đề cập khả năng tấn công vào Iran tại một hội nghị an ninh ở Tel Aviv tuần trước: “Càng chờ đợi lâu, điều đó càng trở nên khó khăn hơn…Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”.