Lý do Israel đến nay vẫn không cung cấp vũ khí cho Ukraine

(PLO)- Israel – một đồng minh nổi bật của NATO và là một trong những nước có quân đội mạnh nhất, đến nay vẫn từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine. Israel muốn giữ thế cân bằng giữa lợi ích của phương Tây và lợi ích của nước này trong khu vực để tránh xung đột.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kể từ khi lực lượng Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào nước láng giềng Ukraine cách đây gần một năm, Mỹ và các quốc gia đối tác đã cung cấp cho Ukraine hàng tỉ USD hỗ trợ an ninh trên diện rộng.

Tuy nhiên, Israel – một đồng minh nổi bật của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là một trong những nước có quân đội mạnh nhất, cho đến nay vẫn từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine. Thay vào đó, Israel tập trung vào nỗ lực cung cấp viện trợ nhân đạo.

Israel không viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine

Theo trang Business Insider, các chuyên gia Trung Đông cho rằng đó là do Israel có mối quan hệ phức tạp với Nga và hợp tác với nước này để tiến hành các hoạt động tại Syria. Đồng thời, làm như vậy Israel còn có thể giữ được thế cân bằng giữa lợi ích của các nước phương Tây với lợi ích của nước này trong khu vực nhằm tránh xung đột.

Pháo tự hành M109 cỡ nòng 155mm của Israel được bố trí ở cao nguyên Golan gần biên giới Syria hôm 2-1. Ảnh: JALAA MAREY/AFP/ Getty Images

Pháo tự hành M109 cỡ nòng 155mm của Israel được bố trí ở cao nguyên Golan gần biên giới Syria hôm 2-1. Ảnh: JALAA MAREY/AFP/ Getty Images

Tính đến tháng 2-2022, Israel là nước nhận viện trợ tích lũy lớn nhất của Mỹ, hầu hết là dưới hình thức hỗ trợ quân sự. Israel cũng là một trong những nước có quân đội mạnh nhất thế giới, được trang bị máy bay không người lái (UAV), máy bay chiến đấu hiện đại và thậm chí cả vũ khí hạt nhân, mặc dù điều này không được thừa nhận một cách công khai.

Mỹ và các đồng minh của Mỹ hy vọng Israel sẽ ủng hộ Ukraine khi bị Nga tấn công, song nước này lại chậm chạp trong việc lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin và cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Từ những ngày đầu của cuộc xung đột, Israel đã cung cấp viện trợ nhân đạo và thiết bị cho lực lượng khẩn cấp. Dù vậy, Israel đã quyết định không cung cấp viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine, bất chấp kêu gọi từ giới lãnh đạo ở Kiev.

Mối quan hệ phức tạp với Nga

Mối quan hệ phức tạp của Israel với Nga được thể hiện ở nhiều khía cạnh. Trước hết, Israel là nơi sinh sống của các cộng đồng người Nga và Ukraine, trong khi đó hai quốc gia này cũng đều có người Do Thái sinh sống.

Israel được cho đã tiến hành nhiều cuộc không kích tại Syria trong vài năm qua. Ảnh: Oliver Weiken/EPA

Israel được cho đã tiến hành nhiều cuộc không kích tại Syria trong vài năm qua. Ảnh: Oliver Weiken/EPA

Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm khi nói đến việc Israel không cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine có liên quan đến nước láng giềng Syria và cuộc xung đột không rõ rệt giữa Israel và đối thủ khu vực Iran.

Nga kiểm soát phần lớn không phận Syria, và Moscow cho phép Israel tiến hành các hoạt động nhằm vào lực lượng có liên hệ với Iran cũng như các lô vũ khí vận chuyển tới lực lượng ủy nhiệm trong khu vực như phong trào Hezbollah ở Lebanon. Mỹ coi Hezbollah là tổ chức khủng bố nước ngoài.

“Nga không cố bắn hạ máy bay Israel và máy bay Israel cũng không cố phá hủy các hệ thống phòng không của Nga” – ông Jon Alterman, giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với Business Insider.

Ngay cả khi Nga cho phép Israel kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại Syria thì Nga và Iran đã thắt chặt mối quan hệ quân sự giữa hai nước và hỗ trợ trong suốt cuộc chiến ở Ukraine.

Một quan chức cấp cao của Anh hồi tháng 12-2022 nói rằng Nga cũng đang tìm kiếm nguồn cung cấp tên lửa đạn đạo khổng lồ từ Iran và đổi lại, Moscow sẵn sàng cung cấp cho nước này hỗ trợ quân sự chưa từng có.

Hành vi “mâu thuẫn” và “nghịch lý”

Về mặt lý thuyết, mối đe dọa đặt ra từ sự hợp tác Nga-Iran trong khía cạnh này dường như sẽ là sự thúc đẩy mạnh nhất để Israel cung cấp hỗ trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, ông Alterman nói, Israel không muốn mất quyền tự do hành động mà nước này có tại Syria bởi vì Israel nhận định lực lượng Hezbollah là mối nguy hiểm to lớn.

Lực lượng Ukraine bắn một quả đạn pháo từ lựu pháo 2A65 Msta-B nhằm vào lực lượng Nga tại khu vực tiền tuyến thuộc vùng Zaporizhzhia của Ukraine. Ảnh: REUTERS

Lực lượng Ukraine bắn một quả đạn pháo từ lựu pháo 2A65 Msta-B nhằm vào lực lượng Nga tại khu vực tiền tuyến thuộc vùng Zaporizhzhia của Ukraine. Ảnh: REUTERS

Do đó, ngay cả với mối quan hệ quân sự ngày càng tăng giữa Nga và Iran, Israel vẫn không nỗ lực cung cấp cho Ukraine viện trợ sát thương cần thiết để đánh bại Nga.

Các mối quan hệ quốc tế đôi khi có hành vi “mâu thuẫn” và “nghịch lý”, chuyên gia Yossi Mekelberg về chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) giải thích. Chính sách này có thể không mang lại nhiều ý nghĩa trong bức tranh toàn cảnh nhưng lại hiệu quả đối với một trường hợp cụ thể, ông Mekelberg nói thêm.

Một ví dụ khác về hành vi mâu thuẫn này là Nga không muốn Iran có quá nhiều ảnh hưởng tại Syria và hài lòng khi Israel tiến hành các hoạt động tại nước này. Nếu Nga muốn thì đã có thể ngăn cản hành động của Israel từ lâu rồi, ông Mekelberg nói thêm.

“Mọi quốc gia đều có một loạt lợi ích phức tạp, vì vậy Israel và Nga có một số hiểu biết nhất định. Cũng có thể lập luận rằng Nga và Iran đang hợp tác theo nhiều cách, trong đó có một số cách mà Israel cho là mang tính đe dọa vì Israel đánh giá Iran là mối đe dọa” – ông Alterman nói.

“Do đó, theo tôi, những gì Israel đang làm và những gì Israel mong đợi các nước làm là cân bằng giữa các đối tác và giữa các lợi ích mà không ai đạt được 100%” – chuyên gia Alterman nhận xét.

Trang Axios từng cho hay Mỹ đã hỏi Israel liệu nước này có thể chuyển giao tên lửa phòng không Hawk đã ngưng hoạt động hay không. Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu gần đây nói với đài CNN rằng ông sẽ xem xét cung cấp vũ khí cho Kiev, điều mà Nga cảnh báo sẽ dẫn tới leo thang xung đột, theo báo The Times of Israel.

Trong khi đó, hỗ trợ an ninh của phương Tây dành cho Ukraine tiếp tục tăng lên. Hàng trăm phương tiện bọc thép, bao gồm xe tăng và xe chiến đấu bộ binh sẽ tới Ukraine trong vài tháng tới nhằm giúp nước này phòng vệ trước những gì giới chức Mỹ mô tả là “cuộc tấn công dữ dội” tiềm tàng từ Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm