Cách Mỹ giúp Ukraine sửa vũ khí ngay tại chiến trường… ‘qua mạng'

(PLO)- Mỹ và NATO không muốn gửi quân hỗ trợ trực tiếp cho Ukraine do lo ngại bị kéo vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga nên đã chuyển sang hỗ trợ trực tuyến.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chưa đầy 2 tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, những khẩu lựu pháo M777 cỡ nòng 155 mm đầu tiên đã được gửi tới Kiev.

Theo tờ Defense News, loại lựu pháo có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 40 km này nhanh chóng được binh lính Ukraine tiếp nhận và ca ngợi vì đã tiêu diệt mục tiêu đối phương một cách chính xác và ở phạm vi đáng kể. Tuy nhiên, các lựu pháo này đôi khi cũng gặp sự cố khi triển khai trên chiến trường và khi đó lính Kiev phải cần đến sự giúp đỡ của chuyên gia Mỹ.

Hướng dẫn sửa pháo… qua mạng

Trên tiền tuyến ở Ukraine, một người lính Kiev gặp trục trặc với khẩu lựu pháo cỡ nòng 155 mm và đã gọi điện đường dây nóng với nhóm chuyên gia Mỹ để được hỗ trợ.

"Tôi cần làm gì? Tôi có những lựa chọn nào?" - binh sĩ Ukraine hỏi nhóm kỹ thuật viên quân sự Mỹ đang đóng tại một căn cứ ở đông nam Ba Lan. Theo hãng tin AP, cuộc gọi được thực hiện trong nhóm chat bảo mật trên điện thoại và máy tính bảng, tạo điều kiện cho quân đội Washington và các nhà thầu quân sự Mỹ hỗ trợ Ukraine ngay tại chiến trường, và thường thông qua phiên dịch viên.

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị lựu pháo M777 tại chiến tuyến tỉnh Kherson hồi tháng 1. Ảnh: AP

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị lựu pháo M777 tại chiến tuyến tỉnh Kherson hồi tháng 1. Ảnh: AP

Thành viên nhóm kỹ thuật Mỹ đã nhanh chóng yêu cầu lính Ukraine tháo khóa nòng phía sau lựu pháo và tự mồi chốt bắn để khai hoả súng. Binh sĩ này đã thực hiện theo hướng dẫn và khẩu lựu pháo đã hoạt động trở lại.

Cuộc trao đổi này là một phần của đường dây hỗ trợ quân sự mở rộng của Mỹ nhằm hỗ trợ các lực lượng Ukraine sửa chữa vũ khí trong trận chiến khốc liệt với Nga hiện nay. Khi Washington và các đồng minh khác gửi vũ khí ngày càng phức tạp và công nghệ cao tới Ukraine, nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật tại tiền tuyến này ngày càng tăng.

Mỹ và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không muốn gửi quân đội vào Ukraine để hỗ trợ trực tiếp cho lính Kiev do lo ngại về việc bị lôi kéo vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga, nên họ đã chuyển sang hỗ trợ trực tuyến qua đường dây nóng.

Nhóm hỗ trợ kỹ thuật Mỹ đóng ở Ba Lan cho biết quân đội Ukraine thường xuyên yêu cầu hỗ trợ sửa chữa khẩu lựu pháo ở tiền tuyến và nhu cầu này hiện đang ngày càng tăng. Vài tháng trước, nhóm hỗ trợ chỉ có hơn 50 thành viên, con số này sẽ tăng lên 150 trong vài tuần tới. Các nhóm chat mới cũng được lập thêm nhiều hơn, từ khoảng 11 phòng vào mùa thu năm ngoái lên 38 phòng như hiện nay.

Đội hỗ trợ hiện có khoảng 20 quân nhân Mỹ, số còn lại gồm nhân viên và nhà thầu quân sự. Họ hy vọng sẽ tiếp tục phát triển khi những vũ khí tinh vi mới được chuyển giao cho Ukraine và lập thêm phòng chat để tăng cường hỗ trợ.

“Rất nhiều lần chúng tôi nhận được cuộc gọi từ ngay trên tiền tuyến, nơi các đợt giao tranh có thể đang diễn ra ngay lúc chúng tôi giúp họ khắc phục sự cố. Đôi khi chúng tôi phải chờ một chút cho đến khi quân Kiev có thể di chuyển đến một địa điểm an toàn hơn” - một nhân viên kỹ thuật chia sẻ.

Một sĩ quan nói rằng vấn đề chính là quân đội Ukraine đang đẩy vũ khí đến điểm giới hạn. Họ khai hoả các lựu pháo với tần suất chưa từng thấy và sử dụng chúng trong khoảng thời gian rất dài. Với tần suất sử dụng như vậy, lính Mỹ thường sẽ mang vũ khí về sửa chữa hoặc loại biên.

Sĩ quan này chỉ vào các bức ảnh về nòng của một khẩu lựu pháo mà lính Ukraine gửi cho họ, các rãnh xoắn (rãnh khương tuyến) bên trong nó gần như bị mòn hoàn toàn. “Họ đang sử dụng các hệ thống này theo cách mà chúng tôi không lường trước được. Chúng tôi thực sự đang rút kinh nghiệm từ họ bằng cách xem các hệ thống vũ khí này có thể chịu đựng tới mức nào và đâu là điểm giới hạn của chúng” - người này nói.

Quân đội Ukraine thường không thích gửi vũ khí ra nước ngoài để sửa chữa. Họ muốn tự mình làm điều đó hơn. Theo ước tính của giới chức Mỹ, phía Kiev luôn tự khắc phục đến khoảng 99% các trường hợp vũ khí gặp sự cố.

Binh sĩ Ukraine khai hoả M777 vào vị trí Nga tại tỉnh Donetsk. Ảnh: AP

Binh sĩ Ukraine khai hoả M777 vào vị trí Nga tại tỉnh Donetsk. Ảnh: AP

Không chỉ lựu pháo

Theo AP, ngoài hỗ trợ khắc phục các sự cố liên quan tới lựu pháo, đội hỗ trợ kỹ thuật Mỹ cũng nhiều lần giúp lính Ukraine khắc phục các vấn đề chẳng hạn như xe quân sự bị chết máy.

Tuy nhiên, đôi khi họ không thể trò chuyện video do gặp trục trặc kết nối mạng. “Rất nhiều lần khi ở tiền tuyến, họ không thể quay video vì mạng di động gặp sự cố. Khi đó họ sẽ chụp ảnh và gửi cho chúng tôi thông qua các nhóm chat để chúng tôi chẩn đoán” - một thành viên nhóm bảo trì Mỹ cho hay.

Theo người này, sau nhiều lần như vậy, các binh sĩ Ukraine đã cải thiện được các kỹ năng sửa chữa vũ khí, chẳng hạn như hàn lại các bộ phận bị vỡ của vũ khí. “Trước đây họ không thể hàn bộ phận làm bằng titan của khẩu lựu pháo nhưng bây giờ họ đã có thể làm được” - người lính Mỹ nói, đồng thời chia sẻ thêm rằng các lựu pháo đã hoạt động trở lại sau khi được lính Kiev sửa chữa.

Theo AP, để đưa ra lời khuyên, các chuyên gia Mỹ phải chẩn đoán nguyên nhân sự cố, tìm ra cách khắc phục, sau đó dịch sang tiếng Ukraina. Họ đang dự định mua một số phần mềm phiên dịch trên thị trường để có thể hiểu nội dung phía lính Ukraine gửi và nhanh chóng phản hồi.

Nhóm chuyên gia cũng đang hy vọng phát triển năng lực chuẩn đoán khi các hệ thống vũ khí trở nên phức tạp hơn, đồng thời tăng số loại và số lượng phụ tùng thay thế mà họ có. Đơn cử là hệ thống tên lửa Patriot, nhóm này nhận định chúng sẽ là một thách thức, đòi hỏi chuyên môn cao hơn trong việc chẩn đoán và sửa chữa nếu sự cố phát sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm