Ukraine khó 'thỏa mãn' được mong muốn vũ khí

(PLO)- Ngày 31-1, hai quan chức Mỹ nói với hãng tin Reuters rằng trong tuần này Mỹ sẽ công bố gói viện trợ quân sự trị giá hơn 2 tỉ USD cho Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong gói viện trợ này dự kiến lần đầu tiên có một số lượng lớn hỏa tiễn tầm xa, thiết bị hỗ trợ cho hệ thống phòng không Patriot, đạn dẫn đường chính xác, tên lửa chống tăng Javelin và nhiều vũ khí khác.

Phần lớn gói viện trợ, dự kiến 1,725 tỉ USD, sẽ được lấy từ quỹ có tên là Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine (USAI), vốn cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden mua vũ khí từ các tập đoàn quốc phòng thay vì lấy từ các kho vũ khí của Mỹ.

Tiền từ Quỹ USAI sẽ được dùng để mua một số loại vũ khí mới, như bom lượn đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) do Boeing sản xuất, có tầm bắn 150 km, có thể cho phép Ukraine đẩy mạnh phản công, làm gián đoạn đà tiến của Nga. Mỹ cũng sẽ mua các bộ phận của hệ thống phòng không HAWK, hệ thống chống máy bay không người lái, pháo phản lực và radar giám sát trên không, thiết bị liên lạc, máy bay không người lái PUMA và phụ tùng thay thế cho các hệ thống lớn như Patriot và Bradley.

Hơn 400 triệu USD còn lại dự kiến được lấy từ các quỹ của cơ quan rút vốn của tổng thống, cho phép tổng thống lấy từ các kho dự trữ hiện tại của Mỹ trong trường hợp khẩn cấp. Khoản 400 triệu USD này dự kiến gồm các phương tiện bảo vệ phục kích kháng mìn (MRAP), hệ thống pháo phóng loạt dẫn đường (GMLRS) và đạn dược.

Cho đến nay Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine. Mỹ đã gửi 27,2 tỉ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi chiến sự nổ ra. Tuy nhiên, Ukraine khả năng khó có thể “thỏa mãn” được hết các mong muốn vũ khí của mình.

Ngày 29-1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thúc giục phương Tây nhanh gửi vũ khí mới cho Ukraine để đối phó với tình huống “rất khó khăn” trước các cuộc tấn công liên tục của quân Nga ở khu vực phía đông tỉnh Donetsk.

Ngày 31-1, Tổng thống Biden cho biết ông sẽ thảo luận với ông Zelensky về các yêu cầu vũ khí tiên tiến mới nhất của Kiev, theo hãng tin AFP. Đến nay Mỹ vẫn từ chối yêu cầu của Ukraine được gửi tên lửa ATACMS có tầm bắn khoảng 300 km dù ông Zelensky liên tục đề nghị để ngăn chặn các đợt tấn công của Nga. Ông Biden cũng nói rõ ông không ủng hộ việc gửi máy bay chiến đấu F-16 đến Ukraine.

Trao đổi với AFP hôm 31-1, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Wojciech Skurkiewicz cho biết nước này không có kế hoạch gửi F-16 cho Ukraine.

Đầu tuần này, Áo và Hungary cho biết hai nước này sẽ không gửi vũ khí cho Ukraine, theo trang tin euractiv.de. Hai nước khẳng định lập trường chung là sẽ không gửi vũ khí đến khu vực xung đột để chiến sự không leo thang hơn nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm