Phía sau các chuyến qua lại giữa lãnh đạo Nhật và phương Tây

(PLO)- Việc Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thăm Nhật ngay sau khi Thủ tướng Kishida thăm phương Tây cho thấy Nhật đang nhanh chóng kết nối đồng minh nhằm chủ động hơn trước các vấn đề an ninh châu Á.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhật gần đây có những bước đi đáng chú ý về lĩnh vực quốc phòng. Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg có chuyến thăm Nhật hai ngày (31-1 và 1-2), không lâu sau chuyến công du của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đến một loạt nước đồng minh chủ chốt phương Tây và Mỹ ngay đầu năm 2023. Diễn biến này cho thấy Nhật và các đồng minh phương Tây đang muốn tăng cường hợp tác quân sự với cường độ cao hơn. Đằng sau những bước đi này là nỗi lo ngại về an ninh châu Á, theo tờ Asia Times.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trước Lực lượng Phòng vệ Nhật tại căn cứ không quân Iruma ở Sayama, phía tây bắc Tokyo vào ngày 31-1. Ảnh: AP

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trước Lực lượng Phòng vệ Nhật tại căn cứ không quân Iruma ở Sayama, phía tây bắc Tokyo vào ngày 31-1. Ảnh: AP

Nhật, NATO cam kết đáp trả rắn các mối đe dọa an ninh

Họp báo chung với Thủ tướng Kishida tại Tokyo ngày 31-1, Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho rằng NATO và Nhật phải “duy trì đoàn kết và vững chắc” trước các mối đe dọa an ninh do Trung Quốc (TQ), Triều Tiên và cuộc chiến của Nga ở Ukraine gây ra, theo hãng tin AFP.

Tuyên bố chung sau cuộc gặp cho thấy cả ông Stoltenberg và ông Kishida cùng bày tỏ lo ngại về sự hợp tác quân sự ngày càng tăng của Nga với TQ, bao gồm thông qua các hoạt động và tập trận chung ở vùng lân cận Nhật.

Ông Stoltenberg cho biết ông và ông Kishida cũng chia sẻ mối quan ngại về “hành vi khiêu khích” của Triều Tiên, từ hoạt động hạt nhân đến các vụ thử tên lửa đạn đạo.

Ông Kishida cho biết Nhật sẽ thành lập một văn phòng đại diện độc lập để giải quyết các giao dịch với NATO như một phần trong nỗ lực làm sâu sắc thêm mối quan hệ. Nhật cũng sẽ xem xét việc tham gia thường xuyên vào các cuộc họp cấp cao do NATO tổ chức.

Trước Nhật, ông Stoltenberg đã đến Hàn Quốc nhằm tăng cường quan hệ và kêu gọi Seoul tăng viện trợ quân sự cho Ukraine. Chuyến đi của ông Stoltenberg đến hai nước Hàn Quốc và Nhật được cho là nhằm củng cố quan hệ với các đồng minh ở châu Á, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine và cuộc cạnh tranh gia tăng với TQ.

Vào ngày 16-2 tới, Nhật và Mỹ sẽ tiến hành diễn tập quân sự chung bắn đạn thật ở một số tỉnh phía Nam của Nhật. Khoảng 1.700 binh sĩ hai bên sẽ được điều động tham gia cùng nhiều khí tài quân sự khác, theo tờ The Japan Times.

Củng cố mạng lưới đồng minh về quốc phòng

Ngay đầu năm 2023, Thủ tướng Kishida đã khởi động một loạt chuyến thăm cấp cao tới Mỹ và các nước đồng minh chủ chốt phương Tây.

Hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13-1, ông Kishida cam kết tăng cường hợp tác song phương trong các ngành công nghiệp quan trọng, đặc biệt là chất bán dẫn. Đây là động thái đáng chú ý giữa lúc phương Tây đang tìm cách thoát phụ thuộc kéo dài hàng chục năm qua vào TQ trên lĩnh vực này.

Phần mình, ông Biden hoàn toàn ủng hộ các chính sách mới của Nhật và nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác quốc phòng nhiều hơn nữa giữa hai nước trong những năm tới trước những lo ngại chung về TQ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nhà lãnh đạo Nhật cũng đã gặp những người đồng cấp ở châu Âu để ký các thỏa thuận quốc phòng mới nhằm tăng cường khả năng tương tác quân sự và tập trận chung. Tại Anh, ông Kishida ký thỏa thuận tăng cường hơn nữa khả năng tương tác quân sự giữa hai quốc gia. Tại Ý, ông Kishida ký thỏa thuận về phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu - loại máy bay sẽ nâng cao khả năng chiến đấu của không quân Nhật - Ý trong nhiều năm tới.

Nhật cũng đang đàm phán một thỏa thuận an ninh thông tin với Canada, khi nước này vừa đưa ra chiến lược về mở rộng hiện diện chiến lược và hải quân ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Những động thái mới nhất của chính quyền ông Kishida cho thấy Nhật đang tìm cách tăng cường hợp tác với các đồng minh phương Tây nhằm củng cố khả năng phòng thủ của mình với tư cách là một cường quốc ngày càng tự chủ ở châu Á. •

Nhật tăng khả năng ứng phó với an ninh khu vực

Tháng 12-2022, Nhật công bố gói chi tiêu quốc phòng cho giai đoạn 2023-2027 là 315 tỉ USD, tăng gần 119 tỉ USD so với giai đoạn 2019-2023. Mục tiêu của Nhật là hiện đại hóa khả năng phòng thủ và thu hẹp khoảng cách quân sự với các cường quốc đối thủ.

Năm ngoái Nhật cũng công bố chiến lược an ninh quốc gia mới. Tài liệu này thẳng thắn chỉ rõ “môi trường an ninh khu vực đang trở nên phức tạp và nghiêm trọng nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến II” do các cường quốc “tìm cách đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”.

Chiến lược an ninh quốc gia nhấn mạnh sự cần thiết của Nhật trong việc phát triển “khả năng phản công”, cụ thể là những vũ khí cho phép quân đội tấn công chính xác vào các căn cứ và trung tâm chỉ huy - kiểm soát của các quốc gia đối phương trong trường hợp có xung đột. Theo đó, Nhật dự kiến ​​sẽ tăng cường mạng lưới hệ thống phòng thủ tên lửa, đặc biệt là tên lửa đối đất Type-12 kết hợp với tên lửa hành trình Tomahawk do Mỹ sản xuất với tầm bắn khoảng 1.600 km trong năm năm tới.

Dù nhấn mạnh rằng khả năng quân sự ngày càng tăng của TQ và Triều Tiên là “mối đe dọa thực sự”, song chiến lược an ninh quốc gia khẳng định “khả năng phản công” của Nhật sẽ chỉ được áp dụng trong hoàn cảnh nước này buộc phải tự vệ, chứ không áp dụng cho tấn công phủ đầu.

Đặc biệt, tài liệu nêu rõ việc phát triển các khả năng quân sự mới sẽ phải đáp ứng nghiêm ngặt ba điều kiện tiên quyết, đó là (i) một cuộc tấn công vũ trang nhắm vào Nhật đã xảy ra hoặc sắp xảy ra, (ii) không có cách nào khác để ngăn chặn một cuộc tấn công, (iii) việc sử dụng vũ lực được giới hạn ở mức tối thiểu cần thiết.

Thừa nhận chính sách an ninh mới của Nhật là một sự thay đổi lớn so với chính sách an ninh thời hậu chiến, song Thủ tướng Kishida khẳng định rằng việc xây dựng hệ thống phòng thủ và định hướng chiến lược mới của Nhật là “hợp hiến pháp” và rằng “cam kết của Nhật với tư cách là một quốc gia hòa bình sẽ không thay đổi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm