Trong cuộc phỏng vấn với đài CNN hôm 31-1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông đang xem xét viện trợ quân sự cho Ukraine và sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải, sau lời kêu gọi của Mỹ về việc can dự tích cực hơn trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Ronen Zvulun/POOL/REUTERS |
Cân nhắc viện trợ Vòm sắt cho Ukraine
Cụ thể, trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình về việc liệu Tel Aviv có thể cung cấp các loại vũ khí như hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm sắt) hay không, ông Netanyahu nói: “Chúng tôi chắc chắn đang xem xét điều đó".
Iron Dome là hệ thống tên lửa đất đối không, được thiết kế để chống lại các loại tên lửa tầm ngắn. Theo dữ liệu từ giới chức quốc phòng Israel, hệ thống này có tỉ lệ bắn trúng mục tiêu thành công 90%.
Bên cạnh đó, ông Netanyahu cho hay Mỹ đã chuyển một kho đạn pháo tại Israel sang Ukraine, đồng thời khẳng định nước này cũng đã có những hành động nhằm chống lại việc Iran sản xuất vũ khí được cho là sử dụng ở chiến trường Ukraine. Iran nhiều lần bác bỏ các cáo buộc của phương Tây về việc cung cấp máy bay không người lái (UAV) cho Nga để phục vụ cho cuộc xung đột tại Ukraine.
Bình luận của ông Netanyahu đưa ra ngay sau chuyến thăm Israel của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong đó ông Blinken đã kêu gọi nước này tăng cường hỗ trợ Ukraine.
Phản ứng trước tuyên bố cân nhắc viện trợ quân sự cho Kiev của Thủ tướng Netanyahu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 1-2 cảnh báo bất kỳ ai xem xét việc gửi vũ khí tới Ukraine đồng nghĩa họ đang làm leo thang xung đột, theo đài RT.
“Tất cả quốc gia cung cấp vũ khí [cho Ukraine] nên hiểu rằng chúng tôi sẽ coi những [vũ khí] này là mục tiêu hợp pháp của các lực lượng vũ trang Nga” - bà Zakharova nhấn mạnh.
Bà nói thêm: “Bất kỳ nỗ lực nào đã được thực hiện hoặc thậm chí chưa được thực hiện nhưng đã được thông báo về việc viện trợ thêm vũ khí mới hoặc một số loại vũ khí khác đều dẫn đến sự leo thang cuộc khủng hoảng này".
Israel cân nhắc gửi hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm sắt) cho Ukraine. Ảnh: Amir Cohen/REUTERS |
Sẵn sàng làm vai trò trung gian hòa giải
Cũng trong cuộc phỏng vấn với đài CNN, Thủ tướng Netanyahu nói rằng ông sẵn sàng cân nhắc làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine nếu cả hai nước này và Mỹ yêu cầu.
“Nếu tất cả các bên yêu cầu, tôi chắc chắn sẽ xem xét điều đó, nhưng tôi không tự mình dấn thân vào” - ông cho biết, đồng thời nhấn mạnh vai trò trung gian hòa giải cũng cần chờ “đúng lúc và đúng hoàn cảnh".
Ông Netanyahu nói rằng lời đề nghị làm trung gian hòa giải cho xung đột Nga-Ukraine cũng cần gửi tới Mỹ vì “không thể có quá nhiều người làm cùng một việc".
Thủ tướng Israel cũng tiết lộ rằng ngay sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào tháng 2-2022, ông được đề nghị làm vai trò trung gian hòa giải nhưng ông đã từ chối vì lúc bấy giờ ông đang là lãnh đạo phe đối lập ở Israel. Đối với ông, “chỉ một thủ tướng tại một thời điểm".
Mặc dù ông không cho biết ai đã đề nghị ông đảm nhận vai trò trên, nhưng tiết lộ đó là một yêu cầu “không chính thức".
Ukraine đã đề nghị người tiền nhiệm của ông Netanyahu, cựu Thủ tướng Naftali Bennett, làm trung gian hòa giải. Ông Bennett đã gặp cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, song không thể dàn xếp một thỏa thuận hòa bình, theo hãng tin Reuters.