Âm ỉ cuộc đua Mỹ-Trung trong lòng đại dương

(PLO)- Một cuộc cạnh tranh không mới nhưng đầy căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang âm thầm diễn ra trong lòng đại dương.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian gần đây, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc (TQ) diễn ra quyết liệt trên hàng loạt lĩnh vực, trải đều trên các vấn đề kinh tế và quân sự. Trong lòng đại dương, một cuộc chạy đua ngầm giữa hai nước cũng đang âm thầm diễn ra.

Chạy đua phát triển tàu ngầm

Hãng tin Reuters dẫn báo cáo Lầu Năm Góc công bố vào tháng 11-2022 cho biết TQ hiện đang duy trì ít nhất một tàu ngầm tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân dưới biển. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số ít tàu ngầm TQ có thể đang vận hành.

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Tấn của quân đội Trung Quốc tập trận ở Biển Đông năm 2018. Ảnh: REUTERS

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Tấn của quân đội Trung Quốc tập trận ở Biển Đông năm 2018. Ảnh: REUTERS

Tờ The Washington Post đưa tin TQ đang sở hữu 6 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Tấn chạy bằng năng lượng hạt nhân, 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và 44 tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel/hệ thống động lực không dùng không khí.

Đánh giá từ Lầu Năm Góc cho biết các tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Tấn của TQ đang tuần tra "gần như liên tục" từ đảo Hải Nam đến Biển Đông. Các tàu này được được trang bị tên lửa đạn đạo JL-3 thế hệ mới, với tầm bắn ước tính hơn 10.000 km và có thể vươn tới đất liền Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ hiện đang sở hữu là 68 tàu ngầm, trong đó có 14 chiếc thuộc loại tấn công mang tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Ohio và 4 chiếc mang tên lửa hành trình SSGN lớp Ohio đã được cải tiến để mang tên lửa thông thường và hỗ trợ các lực lượng tác chiến đặc biệt.

Mỹ hay TQ sẽ chiếm ưu thế?

Việc TQ đẩy mạnh hoạt động tàu ngầm được dự báo sẽ gây thêm áp lực lên Mỹ và các đồng minh trong bối cảnh cuộc cạnh tranh ở khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương ngày càng gay gắt. Theo đó, mặc dù Mỹ chiếm ưu thế về số lượng tàu ngầm so với TQ, các tên lửa SSGN được thiết kế để hỗ trợ các hoạt động tấn công trên bộ chứ không phải vai trò chống hạm, theo trang USNI News.

Tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường USS Florida của Mỹ tiến vào Vịnh Naples, Ý hồi năm 2011. Ảnh: REUTERS
Tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường USS Florida của Mỹ tiến vào Vịnh Naples, Ý hồi năm 2011. Ảnh: REUTERS

Ông Timothy Wright - chuyên gia phân tích quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh) nhận định các lực lượng Mỹ có thể đối phó các tàu ngầm TQ với nguồn lực hiện có. Tuy nhiên, điều này sẽ kéo căng hệ thống phòng thủ của Mỹ, buộc nước này phải trang bị nhiều khí tài hơn trong 10 đến 15 năm tới, theo Reuters.

Ông Wright nói thêm rằng việc Bắc Kinh nhanh chóng mở rộng lực lượng hạt nhân đồng nghĩa với việc các chiến lược gia của Mỹ lần đầu tiên phải đối mặt với hai "đối thủ hạt nhân ngang hàng" là TQ và Nga.

Dù vậy, bất chấp những tiến bộ của quân đội TQ, một số chuyên gia vẫn tin rằng Mỹ đang có lợi thế đáng kể khi chiến đấu dưới biển. Ông Carl Schuster, chỉ huy hải quân Mỹ đã nghỉ hưu và là cựu giám đốc hoạt động tại Trung tâm tình báo hỗn hợp thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii nhận định tàu ngầm vẫn là một lĩnh vực Washington vẫn chiếm ưu thế vượt trội.

Hải quân TQ trong nhiều năm được cho là có khả năng tuần tra răn đe, nhưng các vấn đề về chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc đã làm chậm quá trình triển khai các hoạt động như vậy. Ngoài ra, các tàu ngầm lớp Tấn tương đối ồn ào khi di chuyển và dễ bị phát hiện và theo dõi.

Trong khi đó, ông Hans Kristensen, giám đốc dự án thông tin hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, cho biết ông tin rằng các vấn đề liên lạc và chỉ huy của tàu TQ vẫn là một "việc đang được tiến hành", nhưng dường như khả năng đó chưa hoàn thiện.

Trước đó, trong một báo cáo năm 2019, các nhà nghiên cứu tại viện đào tạo hải quân TQ ở TP Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) từng cảnh báo về khả năng tổ chức, chỉ huy và phối hợp kém giữa các lực lượng tàu ngầm của Bắc Kinh. Bài báo cũng kêu gọi cải thiện khả năng tấn công hạt nhân từ tàu ngầm.

Nguy cơ va chạm

Chia sẻ thêm với Reuters, chuyên gia Kristensen nhận định việc Bắc Kinh triển khai nhiều tàu ngầm hơn đồng nghĩa là quân đội TQ và Mỹ sẽ ngày càng dễ "cọ xát" nhau, làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột.

Ông dự đoán TQ sẽ giữ các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của nước này ở vùng nước sâu gần lãnh thổ nước này, thay vì mạo hiểm tuần tra ở các vùng biển xa hơn nhằm tránh nguy cơ xảy ra “tai nạn”.

Ông Collin Koh, chuyên gia phân tích an ninh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, đồng quan điểm trên. Theo ông, Bắc Kinh sẽ các tàu ngầm tên lửa đạn đạo trong một "pháo đài" ở vùng biển lân cận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm