Tu chính án 14: Lối thoát hay ngõ cụt cho tình trạng vỡ nợ của Mỹ?

(PLO)- Mặc dù được thúc giục, nhưng vì nhiều lý do, Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa đưa ra quyết định cuối cùng về khả năng viện dẫn Tu chính án thứ 14 để giải quyết tình trạng nợ công chạm trần.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đến nay, Tổng thống Joe Biden chưa thể phá thế bế tắc sau nhiều ngày đàm phán không có kết quả với đảng Cộng hòa về việc nâng trần nợ công, vốn được quốc hội ấn định ở mức 31,4 nghìn tỉ USD. Hiện chi tiêu của chính phủ đã chạm trần nợ, nếu không kịp thời nâng mức giới hạn này, Mỹ sẽ lâm vào cảnh vỡ nợ.

Trước tình hình đó, càng có nhiều người thúc giục ông sử dụng Tu chính án thứ 14, một lý thuyết pháp lý chưa được kiểm chứng, để đơn phương giải quyết trần nợ của quốc gia mà không cần sự thống nhất của lưỡng đảng tại quốc hội, theo trang Axios.

Tu chính án thứ 14 là gì?

Theo tờ The Hill, Mục 4 của Tu chính án thứ 14 (hay còn gọi là điều khoản nợ công) nêu rõ: “Tính hợp lệ của những khoản nợ công của Mỹ, vốn được luật pháp đảm bảo… sẽ không thể bị nghi ngờ”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trong cuộc đàm phán ngày 22-5. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trong cuộc đàm phán ngày 22-5. Ảnh: THE WASHINGTON POST

Mục này đã được thêm vào Tu chính án 14 để giải quyết các khoản nợ phát sinh trong cuộc Nội chiến Mỹ (1861-1865). Một số chuyên gia pháp lý lập luận rằng theo câu chữ của Tu chính án 14, việc Mỹ vỡ nợ sẽ là điều vi hiến. Chính vì thế, ông Biden, với cương vị tổng thống, có nghĩa vụ vô hiệu hóa quy định về trần nợ công và vay thêm tiền để trả nợ, nếu quốc hội không tăng giới hạn nợ.

Theo chuyên gia pháp lý Laurence H. Tribe của Trường Luật Harvard (Mỹ), ông Biden phải nói với Quốc hội "rằng Mỹ sẽ thanh toán tất cả hóa đơn khi đến hạn, ngay cả khi Bộ Tài chính phải vay nhiều hơn mức mà quốc hội cho phép", Axios đưa tin.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đồng quan điểm nêu trên. Theo ông, Tổng thống Biden có thẩm quyền và trách nhiệm theo Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp để tránh vỡ nợ. Mục 4 của bản sửa đổi phải được sử dụng để “tiếp tục thanh toán hóa đơn đúng hạn và không chậm trễ, ngăn chặn thảm họa kinh tế và ngăn chặn những cắt giảm lớn đối với chăm sóc sức khỏe và giáo dục, ông Sanders nói thêm.

Chưa từng có tiền lệ?

Chưa từng có tổng thống nào sử dụng Tu chính án thứ 14 để giải quyết các cuộc đàm phán về trần nợ. Do đó, một số chuyên gia khác nói rằng việc viện dẫn tu chính án này sẽ là vi hiến.

Ông Philip Wallach - thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nói với tờ The Wall Street Journal rằng việc chính quyền ông Biden đưa ra những ý tưởng này đã làm ông nghi ngờ về "sự trung thành của chính phủ đối với hiến pháp".

Các quan chức của ông Biden cũng âm thầm bày tỏ nghi ngờ về khả năng Tu chính án thứ 14 sẽ vượt qua các rào cản về mặt lập pháp và ngăn chặn phản ứng tiêu cực của thị trường.

Ngay cả Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng bác bỏ "Kế hoạch B", trong đó bao gồm việc dùng Tu chính án thứ 14 vì điều này "có vấn đề về mặt pháp lý". Nhà Trắng cũng không đồng tình việc dùng cách này để ngăn vỡ nợ.

Lối thoát duy nhất

Hôm 21-5, ông Biden cho biết ông đang "xem xét Tu chính án thứ 14" và nói rằng ông nghĩ "chúng tôi có quyền" sử dụng để xử lý trần nợ. Tuy nhiên, theo ông, câu hỏi đặt ra là liệu nó có thể được viện dẫn kịp thời để vượt qua tất cả thách thức pháp lý và có hiệu lực trước ngày 1-6 hay không, theo tờ The Washington Post.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trả lời báo giới ngày 24-5. Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trả lời báo giới ngày 24-5. Ảnh: REUTERS

Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo Mỹ sẽ vỡ nợ vào ngày 1-6. Trong bối cảnh thời gian không còn nhiều, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm 23-5 nói rằng việc viện dẫn Tu chính án thứ 14 "sẽ không giải quyết được vấn đề mà Mỹ đang gặp phải vào thời điểm này". Theo bà, ông Biden và đảng Dân chủ cần tập trung đàm phán và tìm ra tiếng nói chung với phe Cộng hòa tại quốc hội.

Do đó, hiện chỉ còn duy nhất một giải pháp khả thi khi đất nước đứng trước bờ vực vỡ nợ thảm khốc: Một thỏa thuận giữa ông Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy - nhân vật quyền lực nhất của đảng Cộng hòa ở Hạ viện. Trước đây, quốc hội Mỹ từng một số lần nâng giới hạn nợ để tránh vỡ nợ. Lần gần nhất là vào tháng 12-2021, trần nợ được nâng lên mức 31,4 nghìn tỉ USD.

Tín hiệu lạc quan

Thế bế tắc diễn ra khi đảng Cộng hòa muốn chính phủ thuộc đảng Dân chủ của ông Biden cắt giảm khoảng 8% chi tiêu tùy ý cho năm tài chính 2024 bắt đầu vào tháng 10. Trong khi đó, phe Dân chủ muốn giữ nó ổn định ở mức của năm nay, và đề xuất tăng thuế với người giàu và các tập đoàn dầu mỏ lớn để bù đắp các khoản thâm hụt do chính phủ chi tiêu quá mức.

Dù vậy, các cuộc đàm phán đã dần cho thấy các tín hiệu tích cực hơn. Tối 24-5, sau cuộc họp kéo dài 4 giờ tại Nhà Trắng, ông McCarthy cho biết các cuộc đàm phán đã được cải thiện và sẽ tiếp tục thảo luận. Ông dự đoán hai bên sẽ đạt được thỏa thuận, mặc dù một số vấn đề vẫn chưa được giải quyết, theo hãng tin Reuters.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết các cuộc đàm phán vẫn có kết quả.

"Nếu nó tiếp tục diễn ra một cách thiện chí, chúng tôi có thể đạt được một thỏa thuận ở đây" - bà nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm