Trần nợ đang là một vấn đề gây chia rẽ đối với các cử tri Mỹ - nhưng vấn đề không phải là việc người dân lo ngại chính phủ mắc thêm nợ mà là xung đột mang tính ý thức hệ trong việc chính phủ nên thay đổi chi tiêu như thế nào.
Một cuộc thăm dò do Redfield & Wilton Strategies (công ty tư vấn chiến lược toàn cầu tại Anh) thực hiện trên 1.500 người trưởng thành ở Mỹ cho thấy một nửa nghĩ rằng chính phủ đang chi tiêu quá nhiều, nửa còn lại mong muốn nợ trần tăng lên nhưng kèm theo các cam kết cắt giảm chi tiêu từ chính phủ.
Mỹ hiện đang đối mặt với tình trạng cấp bách là nếu trần nợ không được nâng lên, nước này sẽ đạt đến giới hạn vào cuối tháng 5 và sẽ vỡ nợ với khoản nợ 31.500 tỉ USD. Điều này có thể tác động sâu sắc đến Mỹ và các nền kinh tế trên toàn thế giới.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington D.C. Ảnh: THE NEW YORK TIMES |
Hôm 1-5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã viết thư cho quốc hội, cảnh báo rằng theo ước tính của Bộ Tài chính, chính phủ sẽ không còn khả năng duy trì các nghĩa vụ cho vay “ngay từ ngày 1-6” nếu giới hạn không được nâng lên.
Mặc dù các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đã thông qua dự luật nâng trần nợ, nhưng dự luật này có khả năng sẽ gây khó chịu tại Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát vì dự luật yêu cầu cắt giảm chi tiêu trong các lĩnh vực vốn là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của Tổng thống Joe Biden.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết dự luật nhằm “tránh vỡ nợ và khắc phục tình trạng chi tiêu thiếu cẩn trọng”.
Trong khi đó, Tổng thống Biden đã thúc đẩy một dự luật tăng giới hạn nợ mà không buộc chính phủ phải cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, ngay sau lá thư cảnh báo của bà Yellen, ông đã mời các nhà lãnh đạo quốc hội gặp ông vào ngày 9-5 và gợi ý rằng có thể có chỗ cho đàm phán.
Ông Christopher Phelps - giáo sư lịch sử chính trị tại ĐH Nottingham (Anh) cho rằng “cuộc chiến” là do các đảng viên Dân chủ có xu hướng tin rằng việc tăng trần nợ “nên là lẽ đương nhiên” trong khi đảng Cộng hòa sử dụng việc này để “buộc chính phủ cắt giảm chi tiêu vì họ cho rằng đây là cách duy nhất”.
Đảng Cộng hòa ở Hạ viện đã yêu cầu chính phủ cắt giảm 4.800 tỉ USD trong thập niên tới, đồng thời đảo ngược một số nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự của ông Biden như: chương trình khoản vay sinh viên, tín dụng thuế năng lượng sạch,...
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: NEWSWEEK |
Theo cuộc thăm dò của tờ Newsweek tiến hành vào ngày 30-4, khoảng 50% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy chính phủ đang chi tiêu quá nhiều (69% trong số này là những người đã bỏ phiếu cho ông Donald Trump vào năm 2020), 25% cho rằng chính phủ đang chi tiêu đúng mức, trong khi 10% cho rằng chính phủ chi tiêu chưa đủ.
Ông Thomas Gift - giám đốc Trung tâm về Chính trị Mỹ tại ĐH College London (UCL) (Anh) nhận xét rằng cuộc tranh luận trần nợ “phân chia rất rõ ràng theo ý thức hệ”.
Phó giáo sư chính trị Julie Norman của UCL lưu ý rằng trần nợ “thường được kết hợp với chi tiêu của chính phủ nói chung” nhưng nó “không phải lúc nào cũng bị chính trị hóa”. Cả bà và giáo sư Phelps đều nhắc lại rằng các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã nâng trần nợ mà “không có vấn đề gì” dưới thời các tổng thống Cộng hòa gần đây, nhưng lại sử dụng nó như đòn bẩy chống lại tổng thống đảng Dân chủ.
Một cuộc khảo sát khác của Newsweek về dự luật nâng trần nợ của đảng Cộng hòa cho thấy 44% người được hỏi ủng hộ dự luật và 19% phản đối. Đáng chú ý, trong số những người ủng hộ dự luật, 56% là những người từng bỏ phiếu cho ông Trump và 36% đã bỏ phiếu cho ông Biden hồi năm 2020.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người Mỹ nghi ngờ về việc chi tiêu của chính phủ, kể cả các đảng viên Dân chủ và những người từng ủng hộ Tổng thống Biden.
Ông Gift nhận xét rằng lạm phát vẫn là “một thách thức dai dẳng và ngoan cố” đối với ông Biden. Theo ông, bên cạnh tác động của đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine, người dân có thể đổ lỗi cho mức chi tiêu cao của chính phủ là nguyên nhân đẩy lạm phát lên cao. Điều này thúc đẩy sự hoài nghi của công chúng với chính phủ.
Theo các chuyên gia, mặc dù thái độ với nợ trần chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi yếu tố đảng phái, nhưng người Mỹ vẫn chia rẽ gay gắt về việc liệu việc nâng trần nợ có nên đi kèm với các cam kết cắt giảm chi tiêu hay không.
Cả 3 chuyên gia đều đồng ý rằng rất có thể Tổng thống Biden và ông McCarthy sẽ đạt được thỏa thuận về chi tiêu. Nhưng ngay cả khi 2 người đạt được thỏa thuận, cũng không chắc ông McCarthy sẽ thuyết phục được các thành viên bảo thủ trong đảng Cộng hòa đồng ý. Cần lưu ý rằng cách đây vài tháng, ông McCarthy đã phải trải qua 15 lần bỏ phiếu mới thuyết phục được các đảng viên trong đảng Cộng hòa để ông nắm giữ vị trí Chủ tịch Hạ viện.
Trong khi chờ đợi kết quả cuộc gặp của ông Biden và ông McCarthy, sự lo lắng đã xuất hiện trên thị trường tài chính Mỹ. Theo trang tin Bloomberg, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ gần đây tăng cao do lo ngại về khả năng chính phủ vỡ nợ, các nhà đầu tư cũng đang tìm cách tránh rủi ro.
Khi đối mặt với viễn cảnh sụp đổ tài chính, một trong hai bên - chính phủ của ông Biden hoặc đảng Cộng hòa ở Hạ Viện - sẽ phải nhượng bộ. Một số chuyên gia cho rằng có thể Tổng thống Biden sẽ nhượng bộ vì ông ấy không thể để Mỹ vỡ nợ, nhất là trong bối cảnh ông đang vận động tái tranh cử vào Nhà Trắng.