Bức tranh nợ công toàn cầu lúc này thế nào?

(PLO)- Hãng tin Reuters mới đây dẫn báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) chỉ ra rằng mức tổng nợ công toàn cầu của năm ngoái đã giảm xuống dưới mốc 300.000 tỉ USD ghi nhận hồi năm 2021.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

IDF nhận định kết quả này đến từ các chính sách khôi phục kinh tế hậu đại dịch ở hầu hết các nước và cũng nhờ các hoạt động thông thương trên phần lớn lĩnh vực đã trở lại bình thường.

Dù vậy, mức giảm này chỉ nằm ở nhóm các nước phát triển, với tổng nợ công ở các quốc gia này giảm 6.000 tỉ USD, xuống còn khoảng 200.000 tỉ USD. Ngược lại, nhóm các nước đang phát triển lại chứng kiến tình trạng nợ công tăng kỷ lục lên 98.000 tỉ USD, do chi phí đi vay ngày càng tăng. Nga, Singapore, Mexico và Ấn Độ là một trong số nước có số nợ công tăng nhiều nhất.

Tỉ lệ nợ công trên GDP toàn cầu đã giảm 12%, xuống còn 338% - đánh dấu năm thứ hai giảm liên tiếp. Sự cải thiện phần nhiều đến từ các nước đang phát triển, khi tổng nợ giảm tới 20%, xuống còn khoảng 390% trên tổng GDP. Trái lại, tỉ lệ nợ của các nước mới nổi tăng 2% lên 250% GDP, chủ yếu là vay từ Trung Quốc.

“Gánh nặng nợ công của nhiều nước đang lớn dần, trở nên tồi tệ hơn do đồng nội tệ vào năm ngoái mất giá mạnh so với đồng USD” - IIF cho biết. Tổ chức này cũng lưu ý rằng tình trạng này khiến trái phiếu đồng nội tệ khó thu hút nhà đầu tư quốc tế.

Trong khi đó, báo cáo ngân hàng đầu tư JPMorgan (Mỹ) lại có góc nhìn khác về tình hình nợ toàn cầu. Ngân hàng này chỉ ra rằng tỉ lệ nợ công trên GDP của các nước phát triển đã tăng thêm gần 50% - từ 73% trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008 lên 122% vào năm ngoái. Trong số 21 nền kinh tế lớn của thế giới, có 13 nước chứng kiến tỉ lệ nợ công trên GDP tăng 30% trong khoảng thời gian trên; tám nước còn lại có mức tăng hơn 45%.

Mức tăng này được JPMorgan đánh giá là một vấn đề cần phải xem xét, bởi trong vòng 40 năm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính, tỉ lệ nợ công trên GDP của các nước phát triển chỉ tăng 40%. Và trong 40 năm đó, thế giới cũng đã trải qua nhiều cú sốc lớn, bao gồm giai đoạn stagflation (lạm phát cao kết hợp tăng trưởng kinh tế trì trệ) những năm 1970 và giai đoạn bùng nổ chi tiêu công trong thập niên 1980. Việc tỉ lệ nợ trên GDP tăng quá nhanh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự bền vững kinh tế và cần có chính sách siết chặt tài khóa nhanh chóng trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm