Mỹ giục Trung Quốc nối lại kênh liên lạc quân sự

(PLO)- Kênh liên lạc quân sự Mỹ - Trung bị ngắt sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan vào tháng 8-2022 làm tăng rủi ro tính toán sai lầm dẫn đến va chạm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quan hệ Mỹ - Trung đang trong thời điểm căng thẳng, liên quan các cáo buộc qua lại vụ khinh khí cầu do thám và chuyện gửi vũ khí cho Nga và Ukraine. Giữa làn sóng căng thẳng này, Mỹ và Trung Quốc (TQ) vẫn duy trì mở các kênh ngoại giao, riêng một trong những kênh quan trọng nhất - liên lạc giữa quân đội với quân đội hai bên vẫn trong tình trạng “đóng băng”.

Đóng băng đã nửa năm

Kênh liên lạc quân sự Mỹ - Trung đã bị phía TQ đóng hồi tháng 8-2022 sau chuyến thăm của chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi đến Đài Loan. Hồi tháng 10-2022, Bộ Quốc phòng TQ nêu quan điểm rằng Bắc Kinh rất coi trọng quan hệ quân sự Trung - Mỹ nhưng nếu Washington muốn tăng cường liên lạc quân sự thì nên “tôn trọng lợi ích và các mối quan tâm chính của TQ” - bao gồm vấn đề Đài Loan.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Ảnh: CNN

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa. Ảnh: CNN

Về phía mình, Mỹ vẫn muốn phía TQ mở lại kênh liên lạc quân sự. Đầu tháng này, ngay sau khi Mỹ bắn hạ khinh khí cầu TQ ngày 4-2, Mỹ đã xúc tiến liên lạc với phía TQ qua đường dây nóng đặc biệt để Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có thể trao đổi, giải thích với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nhằm không để căng thẳng leo thang.

“Chúng tôi tin vào tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở giữa Mỹ và TQ để quản lý mối quan hệ một cách có trách nhiệm… Đường dây liên lạc giữa các quân đội của chúng ta đặc biệt quan trọng trong những thời điểm như thế này” - theo thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick S. Ryder.

Tuy nhiên, phía TQ đã từ chối yêu cầu của Mỹ để nối máy đến ông Ngụy Phượng Hòa, ông Ryder cho hay. Lý do theo Bộ Quốc phòng TQ là vì Mỹ “không tạo ra bầu không khí thích hợp để đối thoại” - tạp chí Fortune đưa tin.

Trợ lý bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ely Ratner cho biết phía quân đội Mỹ vẫn kiên trì và nỗ lực để mở thêm các đường dây liên lạc với phía TQ, vì lo ngại việc quân đội hai nước khó khăn trong liên lạc là điều “thực sự nguy hiểm”. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cũng bày tỏ rằng Mỹ “thực sự” mong muốn kết nối lại kênh liên lạc quân sự hai bên.

Rủi ro va chạm nếu không liên lạc

Theo ông Christopher S Chivvis, Giám đốc Chương trình quản trị Mỹ tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ), nhiều nước, gồm Mỹ và TQ, ngày càng phát triển khả năng quân sự và đang chạy đua để xây dựng khả năng tình báo của mình trong các lĩnh vực mới như mạng và không gian. Điều này tạo ra một môi trường hoạt động quân sự và tình báo dày đặc, nơi mà Mỹ và TQ dễ xảy ra va chạm. Khi đó, nguy cơ cao là sẽ có tính toán sai lầm dẫn đến leo thang ngoài ý muốn hay thậm chí là chiến tranh toàn diện.

Ngoài việc bị đình chỉ gần đây nhất vào tháng 8-2022 sau khi bà Pelosi thăm Đài Loan, kênh liên lạc quân sự Mỹ - Trung từng bị đóng nhiều lần trước đó, phần lớn do phía TQ chủ động: Sau vụ NATO đánh bom nhầm vào Đại sứ quán TQ ở Belgrade (Serbia) năm 1990; trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan 1995-1996; sau vụ máy bay gián điệp EP-3 của Mỹ va chạm với chiến đấu cơ TQ năm 2001.

Phía Mỹ cũng thừa nhận việc thiếu kênh liên lạc khẩn cấp này đã gia tăng rủi ro cho mối quan hệ Mỹ - Trung hiện nay, vào thời điểm mà sức mạnh quân sự của TQ đang phát triển mạnh và căng thẳng với Mỹ đang gia tăng. Nếu không có kênh liên lạc quân sự để các tướng lĩnh cấp cao hai bên nhanh chóng trao đổi, Mỹ lo rằng những hiểu lầm, thông tin sai lệch hoặc các vụ việc va chạm tình cờ có thể bùng lên thành xung đột lớn, theo Fortune.

Mặc dù các cơ chế chính xác cần thiết để ngăn chặn xung đột vẫn đang được giới chuyên gia tranh luận nhưng hầu hết đều đồng ý rằng có một kênh quản lý rủi ro tốt hơn là không có gì cả. Theo chuyên gia Paul Haenle tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ) và là thành viên nghiên cứu cấp cao thỉnh giảng tại Viện Đông Á (ĐH Quốc gia Singapore), nếu Mỹ và TQ nghiêm túc trong việc ngăn chặn khủng hoảng thì lựa chọn sáng suốt và có lợi nhất để ngăn ngừa xung đột là mở lại các kênh trao đổi giữa quân đội hai nước.

Ông Haenle từng là giám đốc phụ trách mảng TQ trong ban tham mưu của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng dưới thời các cựu tổng thống George W. Bush và Barack Obama. Ông Haenle thừa nhận trao đổi quân sự không phải là thuốc chữa bách bệnh cho vô số vấn đề đang gây khó khăn cho quan hệ Mỹ - Trung, tuy nhiên nếu được triển khai đúng cách, ít nhất chúng có thể giảm thiểu rủi ro các sự cố hoặc va chạm không an toàn leo thang thành khủng hoảng rộng lớn hơn. Nối lại liên lạc quân sự, đồng nghĩa Mỹ và TQ thiết lập lại hàng rào bảo vệ ngăn chặn rủi ro xuất hiện tình huống đối đầu quân sự khó lường.

Vào thời Chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô đã phát triển nhiều kênh liên lạc, đặc biệt là giữa hai quân đội, để khi xảy ra sự cố họ có thể liên lạc nhanh chóng và ngăn chặn khủng hoảng leo thang vượt khỏi tầm kiểm soát. Chính nhờ kênh đáng tin cậy này mà hai cường quốc đi qua Chiến tranh lạnh đã không xảy ra chiến tranh hạt nhân.•

TQ phản đối máy bay Mỹ bay qua eo biển Đài Loan, Biển Đông

TQ cáo buộc Mỹ “gây nguy hiểm” cho hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan sau khi một máy bay quân sự trinh sát và tuần tra hàng hải P-8A Poseidon của Mỹ bay qua eo biển hôm 27-2, theo hãng tin Reuters.

Chiến khu Đông Bộ của quân đội TQ cho biết đã giám sát chặt chẽ đường đi của chiếc P-8A Poseidon, vốn cũng được sử dụng cho các nhiệm vụ chống tàu ngầm, khi nó bay qua eo biển Đài Loan.

Lầu Năm Góc chưa bình luận về diễn biến này. Mỹ trước nay vẫn giữ quan điểm các hoạt động này thể hiện cam kết của Mỹ với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Hai ngày trước đó, đài NBC News đưa tin phía TQ đã cảnh cáo qua vô tuyến và sau đó điều một máy bay phản lực để theo dõi chiếc P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ bay qua Biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm