Ông Trump giảm nợ công là nhờ tiền thời Obama?

Theo đánh giá của nhà chiến lược trưởng của ông Trump, ông Steve Bannon, ông Trump đã làm việc xuất sắc, thành công trong tháng đầu tại nhiệm. Ông Bannon liệt kê ba nội dung mà ông gọi là thành tích của ông Trump: Rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đưa chủ quyền lại cho người dân Mỹ (ra các sắc lệnh về nhập cư, đảm bảo an ninh và quyền lợi Mỹ); tái cấu trúc chính phủ khi chọn các lãnh đạo kinh doanh vào nội các. Nhưng liệu tháng đầu tiên của tổng thống Mỹ đời thứ 45 có thật sự thành công đến vậy?

Giảm nợ nhờ tiền thời Obama

Bản thân ông Trump luôn chỉ trích truyền thông thành kiến, không công bằng, không ghi nhận các thành tích của ông. Trong đó có “thành tích” giảm 12 tỉ USD nợ công trong tháng tổng thống đầu tiên mà ông vừa tự tuyên bố trên Twitter ngày 25-2.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự hoài nghi về con số này. Nói với tờ PolitiFact, nhà kinh tế Dan Mitchell tại Viện Cato cho rằng mức nợ sẽ di chuyển lên xuống gần như mỗi ngày, trong ngắn hạn, tùy theo nhiều yếu tố độc lập. Một trong những yếu tố đó, theo nhà kinh tế Donald Marron, Giám đốc sáng kiến chính sách kinh tế tại Viện Urban, có thể là nhờ chính phủ Obama đã để lại khá nhiều tiền và chính phủ Trump không phải đi mượn. Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy vào thời điểm ngày 20-1, số tiền chính phủ Obama để lại là 382 tỉ USD. Đến ngày 22-2, số tiền này giảm còn 228 tỉ USD.

Cuộc họp đầu tiên với Quốc hội ngày 1-3 được kỳ vọng sẽ giúp Tổng thống Trump đưa chính phủ Mỹ tập trung trở lại vào các mục tiêu cải cách kinh tế mà ông từng đề xuất. Ảnh: AP

Không có thay đổi thực chất

Mặt khác, theo các chuyên gia, nợ công thực sự giảm cũng khó có khả năng xảy ra khi ông Trump thời gian qua không ban hành bất kỳ quy định tài chính nào. Các chuyên gia nhận định số nợ công có vẻ giảm sau khi ông Trump nhậm chức nhưng khả năng lớn là sẽ không tránh được khuynh hướng sẽ tiếp tục tăng. GS Jeffrey Frankel tại ĐH Harvard cho rằng con số của một tháng không là gì nếu so về lâu dài. Theo ông, nợ công sẽ tăng mạnh trong năm nay và những năm tiếp theo nếu ông Trump thực hiện chỉ một nửa lời hứa cắt giảm thuế và tăng chi tiêu lúc tranh cử.

Tờ Wall Street Journal cũng cho biết các quan chức Nhà Trắng đang lên kế hoạch thay đổi cách tính toán thâm hụt thương mại để “phù phép” cho con số này “lạm phát”. Theo đó, những hàng hóa cập kho cảng tại Mỹ rồi xuất khẩu ngay lập tức sẽ không được tính là xuất khẩu nhưng vẫn được tính vào nhập khẩu. Việc làm phình to thâm hụt thương mại sẽ tăng khả năng cho chính phủ ông Trump đàm phán lại hoặc thậm chí có cớ để xé bỏ một số thỏa thuận thương mại của Mỹ, tờ Foreign Policy bình luận.

Không bằng các hình mẫu tổng thống trước

Người tiền nhiệm Barack Obama làm được hơn ông Trump rất nhiều trong tháng đầu nhậm chức. Cuối tháng 2-2009, Tổng thống Obama đã thông qua được gói giải cứu kinh tế trị giá 787 tỉ USD mà các nhà kinh tế nhận định đã giúp đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc đại suy thoái. Trong vòng một tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Cộng hòa George W. Bush (Bush cha) đã chỉ đạo thành lập vùng cấm bay ở Iraq - một bước đi quan trọng trong cuộc chiến Iraq.

Tổng thống Franklin D. Roosevelt được xem là hình mẫu để các tổng thống Mỹ so sánh thành tích của mình và là người đầu tiên đưa ra thời gian “100 ngày” để đánh giá thành tích tổng thống.

Nhậm chức trong thời điểm nước Mỹ bị khủng hoảng, trong 100 ngày ông Roosevelt tích cực đối phó khủng hoảng kinh tế với hàng loạt cải cách kinh tế và xã hội. Thành tích của ông là đã đem lại sự ổn định cho hệ thống ngân hàng và khôi phục tự tin cho nền kinh tế.

__________________________

9% là mức tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng mà Tổng thống Trump sẽ đề xuất với Quốc hội trong cuộc họp ngày 1-3 (giờ Việt Nam). Ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2016 là 584 tỉ USD và ông Trump muốn tăng thêm 54 tỉ USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm