Ông Blinken thăm Trung Quốc: Có phải ‘trang sử mới’ cho quan hệ song phương?

(PLO)- Việc Trung Quốc sắp xếp cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cho thấy Bắc Kinh muốn xoa dịu quan hệ, liệu cuộc gặp của ngoại trưởng Mỹ đã tạo đột phá?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 19-6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh, nơi ông gặp gỡ một loạt quan chức cấp cao Trung Quốc (TQ), trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-TQ đi xuống nghiêm trọng sau sự cố khinh khí cầu TQ bay qua không phận Mỹ. Ngoài ra, hai cường quốc cũng đang bất hòa về một loạt vấn đề, như Đài Loan, Biển Đông, quan hệ chặt chẽ giữa TQ với Nga và việc Mỹ hạn chế bán các công nghệ tiên tiến cho TQ.

Trước chuyến thăm của ông Blinken, cả Mỹ và TQ đều hạ thấp kỳ vọng sẽ có bước đột phá lớn từ sự kiện này. Cho đến nay, không bên nào đề cập các thỏa thuận cụ thể. Tuy nhiên, chuyến thăm cũng được xem là có ý nghĩa trong việc hàn gắn quan hệ Mỹ - Trung.

Không phải là chuyến thăm “tạo đột phá”

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thủ đô Bắc Kinh (TQ) ngày 18-6 để bắt đầu chuyến công du TQ. Ảnh: CNN

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thủ đô Bắc Kinh (TQ) ngày 18-6 để bắt đầu chuyến công du TQ. Ảnh: CNN

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCMxung quanh chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ, TS. Nguyễn Tăng Nghị, giảng viên khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM nhận định rằng chuyến thăm của ông Blinken không tạo ra sự đột phá trong mối quan hệ Mỹ - Trung.

Giải thích cho lập luận trên, TS. Nghị cho cho rằng mối quan hệ Mỹ - Trung mang tính hệ thống, trải rộng trên nhiều lĩnh vực và bao gồm nhiều thành tố. Do đó, rất khó để đánh giá mối quan hệ hai nước có chuyển biến, như tích cực hơn, chỉ sau một chuyến thăm.

“Không nên kỳ vọng rằng chuyến thăm này, hoặc bất kỳ chuyến thăm cấp cao nào đó trong tương lai có thể mở ra ‘trang sử mới’ trong quan hệ hai nước” - TS. Nghị nói.

Bản thân Ngoại trưởng Blinken cũng thừa nhận chuyến đi của ông đã “đạt được tất cả các mục tiêu nhưng vẫn chưa đủ”, theo hãng tin Reuters.

“Mối quan hệ đang ở điểm bất ổn và cả hai bên đều nhận ra sự cần thiết phải làm việc để ổn định nó. Nhưng tiến trình là rất khó khăn, cần có thời gian và đó không phải là sản phẩm của một chuyến thăm, một chuyến đi hay một cuộc thảo luận” - ông lưu ý.

Theo quan điểm của TS. Nghị, để cải thiện mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, hai nước cần phải thể hiện thiện chí và cần có thời gian trao đổi, đàm phán nhiều hơn nhằm hiểu nhau hơn.

Thực tế là Mỹ rất mong muốn duy trì các kênh liên lạc song phương. Trong cả 3 cuộc gặp riêng của ông Blinken với ông Tập, với Bộ trưởng Ngoại giao TQ Tần Cương và với ông Vương Nghị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương đảng Cộng sản TQ, Ngoại trưởng Mỹ đều nhấn mạnh “tầm quan trọng của ngoại giao và duy trì các kênh liên lạc mở về toàn bộ các vấn đề để giảm nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai lầm”.

Phía TQ đồng ý “thúc đẩy đối thoại, trao đổi và hợp tác” và “duy trì các tương tác cấp cao”, tuy nhiên Bắc Kinh đến nay vẫn từ chối nỗ lực nối lại các kênh liên lạc giữa quân đội sự giữa hai nước đã bị ngắt trong năm qua với lý do các lệnh trừng phạt của Mỹ đang là trở ngại.

Trung Quốc vẫn muốn xoa dịu quan hệ

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (trái) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh (TQ) ngày 19-6. Ảnh: BBC

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (trái) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh (TQ) ngày 19-6. Ảnh: BBC

Bất chấp những trở ngại hiện có trong quan hệ hai nước, TS. Nghị nhận định rằng việc TQ sắp xếp cuộc gặp giữa ông Tập và ông Blinken đang cho thấy quan điểm mềm mỏng của Bắc Kinh với Washington và thiện chí mong muốn xoa dịu quan hệ song phương.

Theo vị chuyên gia, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, kinh tế suy thoái và việc ý thức được quan hệ Mỹ - Trung có ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới nên phía TQ đã tạm thời gác lại những căng thẳng song phương (trong đó có cả những điều Bắc Kinh không vừa ý với ông Blinken do thái độ cứng rắn của ông với TQ) để sắp xếp cuộc hội kiến.

Khi tiếp ông Blinken, ông Tập nói: “Việc TQ và Mỹ có thể hòa thuận với nhau hay không ảnh hưởng đến tương lai và vận mệnh của nhân loại”.

Nhà lãnh đạo TQ nói với ông Blinken rằng sự cạnh tranh giữa các cường quốc không thể giải quyết các vấn đề mà Mỹ hay thế giới đang phải đối mặt, và hai cường quốc nên tìm cách tôn trọng lợi ích của nhau.

“TQ tôn trọng lợi ích của Mỹ và sẽ không thách thức hoặc thay thế Mỹ. Tương tự như vậy, Mỹ cũng phải tôn trọng TQ và không làm tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của TQ” - ông Tập lưu ý.

Như vậy, dù TQ tuyên bố rất cứng rắn nhưng vẫn xem Mỹ là đối tác quan trọng và đã chủ động tìm cách làm giảm căng thẳng, vị chuyên gia nhận định.

Thấy gì từ nghi lễ tiếp đón của TQ với ông Blinken?

TS. Nghị cho rằng nghi lễ ngoại giao trong việc TQ tiếp đón ông Blinken đã cho thấy quan hệ hai nước rất lạnh nhạt ở thời điểm này.

Điều này thể hiện ở chỗ một quốc gia như TQ - vốn rất coi trọng nghi thức ngoại giao, lại đón ông Blinken ở sân bay mà không thảm đỏ. Ngoài ra, trong cuộc hội kiến với ông Tập, vị trí ngồi của ông Blinken cũng không giống các ngoại trưởng Mỹ trước đây như ông Mike Pompeo hay ông John Kerry.

Cụ thể, trước đây, khi ông Tập tiếp ông Pompeo hay ông Kerry, Chủ tịch TQ sẽ ngồi gần với quan chức Mỹ, ở giữa kê một chiếc bàn nhỏ. Còn lần này, trong cuộc gặp với ông Blinken, ông Tập ngồi ở vị trí “quyền lực” - trung tâm của bàn và ông Blinken được sắp xếp ngồi bên phải ông Tập. Theo TS. Nghị, vị trí ngồi như vậy cho thấy phía TQ muốn đưa ra quan điểm, muốn Mỹ lắng nghe nhiều hơn là cùng nhau ngồi trao đổi.

Ngoài ra, chuyên gia cũng chia sẻ thêm rằng báo chí TQ gọi chuyến thăm của ông Blinken là 3 “đầu tiên”: Chuyến thăm TQ đầu tiên của ông Blinken dưới cương vị là ngoại trưởng Mỹ; quan chức cấp cao Mỹ đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden thăm Bắc Kinh và quan chức cấp cao Mỹ đầu tiên trong 5 năm qua thăm TQ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm