NASA tiết lộ thông tin về sự sống trên Sao Hỏa

Thỉnh thoảng, Hành tinh Đỏ phun trào khí mê-tan, một dấu hiệu khả dĩ về sự sống của vi sinh vật bên dưới bề mặt hành tinh. Hôm 21-6, rô bốt tự hành Curiosity một lần nữa phát hiện ra khí mê-tan nhưng ở nồng độ cao hơn nhiều so với báo cáo trước đó, theo tờ The New York Times.

Curiosity lần đầu tiên phát hiện ra khí mê-tan trên bề mặt sao Hỏa vào năm 2013 nhưng bằng chứng về khí này sau đó đã biến mất, khiến các nhà khoa học hoang mang. Sau đó tàu thăm dò sao Hỏa Mars Express của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (European Space Agency - ESA) cũng phát hiện ra một luồng khí mê-tan.

Nhưng Roscosmos Trace Gas Orbiter (TGO), hiện đang ở trên quỹ đạo sao Hỏa, lại không tìm thấy dấu vết của khí mê-tan trong khí quyển, khiến vấn đề trở nên bí ẩn.

Rô bốt tự hành Curiosity. Ảnh: NASA

So với số liệu về mật độ mê-tan đo được trước đây là 7 phần tỉ trong bầu khí quyển, đã được coi là cao, thì số liệu mới nhất đo được trong tuần này là 21 phần tỉ. Một con số cao hơn nhiều.

Các nhóm nhà khoa học phụ trách rô bốt Curiosity, tàu Mars Express và tàu TGO – các dự án riêng biệt, đã thảo luận về các báo cáo liên quan đến mật độ mê-tan vừa thu được, nhưng chưa sẵn sàng để đưa ra một kết luận chắc chắn. Tiến sĩ Marco Giuranna, một nhà khoa học tại Viện Vật lý thiên văn Quốc gia ở Ý, người làm việc với Mars Express, cho biết ông vẫn coi phát hiện về mật độ mê-tan này là “sơ bộ”.

“Có rất nhiều dữ liệu (vẫn) được xử lý. Tôi sẽ đưa ra kết quả sơ bộ trong một tuần tới”, ông Giuaranna trả lời qua email.

Lý do về việc dùng nồng độ mê-tan để xác định sự sống trên sao Hỏa được giải thích bởi các nhà khoa học rằng khí mê-tan có thể được tạo ra bởi hai nguyên nhân: (1) các vi sinh vật - tương tự như những hoạt động trong điều kiện oxy thấp, như đá sâu dưới lòng đất hoặc đường ruột của động vật hoặc bằng (2) hoạt động địa chất. Những hoạt động này giải phóng mê-tan đi kèm với propan hoặc ethane, hoặc lưu huỳnh điôxit.

Năm tới, sẽ có thêm hai rô bốt tự hành được đưa lên Sao Hỏa: Mars 2020 của NASA và Rosalind Franklin của ESA. Rosalind Franklin, tên trước đây là ExoMars, được đặt theo tên một nhà khoa học người Anh ở thế kỷ 20 được biết đến với nghiên cứu về DNA. Cả hai rô bốt sẽ được trang bị các cảm biến để phát hiện dấu tích sự sống dựa trên carbon và sẽ đến bề mặt sao Hỏa vào năm 2021.

Sputnik News

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm