Nhật: Trong 1 tháng có 2.153 người chết vì tự tử

Các chuyên gia đã cảnh báo rằng đại dịch có thể dẫn đến khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Thất nghiệp hàng loạt, giãn cách xã hội và lo lắng đang ảnh hưởng đến mọi người trên toàn cầu, đài CNN đưa tin.

Tại Nhật, thống kê của chính phủ cho thấy số người chết do tự tử trong tháng 10 còn nhiều hơn số người chết vì COVID-19 tính từ đầu năm đến nay. Theo Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật, trong tháng 10, nước này đã có đến 2.153 vụ tự tử.

Trong khi đó, tính từ đầu dịch đến nay thì số nạn nhân tử vong vì COVID-19 là 2.087 người, theo dữ liệu của Bộ Y tế Nhật.

Tỉ lệ tự tử ở Nhật Bản đang tăng trở lại sau đại dịch. Ảnh: CNN

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Nhật từ lâu đã có tỉ lệ tự tử cao nhất thế giới. Vào năm 2016, Nhật có tỉ lệ tử vong do tự tử là 18,5 trên 100.000 người, chỉ đứng sau Hàn Quốc ở khu vực Tây Thái Bình Dương và gần gấp đôi mức trung bình toàn cầu là 10,6 trên 100.000 người.

Trong khi các lý do khiến tỉ lệ tự tử cao ở Nhật là phức tạp, thời gian làm việc dài, áp lực học đường, giãn cách xã hội và sự kỳ thị văn hóa xung quanh các vấn đề sức khỏe tâm thần đều được cho là những yếu tố góp phần đưa tỉ lệ tự tử ở nước này tăng cao.

Tuy nhiên, từ năm 2009 đến năm 2019, số vụ tự tử ở Nhật đã giảm xuống còn khoảng 20.000 người vào năm ngoái, theo Bộ Y tế nước này. Con số này được cho là thấp nhất kể từ khi cơ quan y tế nước này bắt đầu lưu trữ hồ sơ vào năm 1978.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 dường như đã khiến xu hướng tự tử ở Nhật quay trở lại và phụ nữ Nhật chiếm số lượng lớn hơn. Mặc dù tỉ lệ phụ nữ Nhật bị nhiễm COVID-19 ít hơn nam giới, nhưng số lượng phụ nữ tự sát lại cao hơn.

Vào tháng 10 năm nay, các vụ tự tử là phụ nữ ở Nhật đã tăng gần 83% so với cùng kỳ năm trước. Để so sánh, số vụ tự tử của nam giới tăng chỉ khoảng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để lý giải điều này nhiều người cho rằng do phụ nữ chiếm tỉ lệ lớn hơn trong các ngành nghề khách sạn, dịch vụ ăn uống và bán lẻ, nơi bị ảnh hưởng nặng vì dịch COVID-19 và có tình trạng sa thải nhân viên ngày càng trầm trọng.

Ngoài việc công việc bị ảnh hưởng, phụ nữ còn phải chịu nhiều áp lực hơn nam giới khi con cái của họ không được đến trường vì đại dịch và họ phải gánh vác cả việc nhà, chăm sóc con cái và hoàn tất việc công ty tại nhà.

Bốn lần tự tử vì không chịu được áp lực

Eriko Kobayashi đã tự tử bốn lần vì không chịu được áp lực cuộc sống. Trong lần toan tính tự tử đầu tiên, cô mới 22 tuổi. Lúc đó, công việc xuất bản toàn thời gian ở Tokyo và cô không đủ trả tiền thuê nhà và tiền đi chợ.

"Tôi thực sự rất đáng thương" - cô Kobayashi, người đã nằm viện mê man ba ngày sau khi tự tử, cho biết.

Năm nay 43 tuổi, cô Kobayashi đã viết sách về những cuộc đấu tranh tinh thần của mình và có một công việc ổn định tại một tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 lại một lần nữa kéo cô trở lại quãng thời gian căng thẳng.

Eriko Kobayashi đã tự tử bốn lần vì không chịu được áp lực cuộc sống. Ảnh: CNN

"Lương của tôi đã bị cắt và tôi cảm thấy mọi thứ như mù mịt. Tôi liên tục cảm thấy khủng hoảng và lo lắng rằng tôi có thể rơi vào cảnh nghèo khó" – cô Kobayashi nói thêm.

“Chúng tôi thậm chí còn không phải phong tỏa toàn quốc và tác động của đại dịch COVID-19 là rất nhỏ so với các quốc gia khác .... Tuy nhiên, số vụ tự tử vẫn gia tăng rất lớn” - bà Michiko Ueda, phó giáo sư tại Đại học Waseda tại Tokyo, chuyên gia về các vụ tự tử ở Nhật Bản cho biết.

Trẻ em cũng bị áp lực

Nhật là quốc gia thuộc nhóm G-7 duy nhất có số người tự tử là người trẻ ở độ tuổi từ 15-39. Số vụ tự tử ở những người dưới 20 tuổi đã gia tăng ngay cả trước khi đại dịch diễn ra, theo Bộ Y tế nước này.

Gần đây, Trung tâm Sức khỏe và Phát triển Trẻ em Quốc gia Nhật đã tiến hành một cuộc khảo sát trên hơn 8.700 phụ huynh và trẻ em. Kết quả cho thấy 75% học sinh Nhật có dấu hiệu căng thẳng do đại dịch.

Việc đóng cửa trường học trong đại dịch đã khiến bài tập về nhà của bọn trẻ trở nên dồn ứ hơn. Ông Naho Morisaki, thuộc trung tâm Sức khỏe và Phát triển Trẻ em nói rằng trẻ em Nhật cũng có ít tự do gặp gỡ bạn bè hơn, điều này cũng góp phần khiến họ dễ gặp căng thẳng hơn.

"Những đứa trẻ bị áp lực và tự làm tổn thương bản thân vì chúng nghĩ rằng ba mẹ chúng không lắng nghe được chúng” - ông Morisaki cho biết.

Người nổi tiếng tự tử

Những người nổi tiếng ở Nhật cũng tự tử liên tiếp những tháng gần đây. Theo các chuyên gia cướp đi mạng sống của họ trong những tháng gần đây.

Cô Hana Kimura, một vận động viên đô vật chuyên nghiệp, 22 tuổi và là ngôi sao của chương trình truyền hình thực tế "Terrace House" vừa tự tử vào mùa hè rồi, sau khi người dùng mạng xã hội ném đá cô bằng những tin nhắn đầy thù hận.

Mẹ của Hana, bà Kyoko Kimura, nói rằng bà ý thức được rằng cái chết của con gái bà cũng có thể ảnh hưởng đến những người khác đang muốn tự tử.

Vận động viên đô vật chuyên nghiệp Hana Kimura đã tự tử vì không chịu được áp lực. Ảnh: CNN

"Khi Hana chết, tôi đã nhiều lần yêu cầu cảnh sát không nên tiết lộ bất kỳ tình huống cụ thể nào về cái chết của nó” – bà Kimura cho biết.

Bà Kimura cho biết đại dịch khiến con gái bà có nhiều thời gian hơn để đọc các tin nhắn độc hại trên mạng xã hội và nó khiến cô ây bị áp lực hơn.

"Con bé tìm thấy lý do để sống bằng cách chiến đấu như một vận động viên đô vật chuyên nghiệp. Đó là một phần quan trọng đối với nó. Con bé đang ở trong một tình huống thực sự khó khăn vì nó không thể đấu vật. Đại dịch khiến xã hội trở nên ngột ngạt hơn" – bà Kimura nói.

Trong những tuần gần đây, Nhật đã báo cáo số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày cao kỷ lục, khi các bác sĩ cảnh báo về đợt lây nhiễm thứ ba. Các chuyên gia lo ngại rằng tỷ lệ tự tử cao sẽ trở nên tồi tệ hơn khi suy thoái kinh tế tiếp tục.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm