Năm 21 tuổi, Niloofar Rahmani trở thành nữ phi công quân đội đầu tiên của Afghanistan, tiếp nối giấc mơ của cha và trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh cho phép phụ nữ tham gia các công việc ngoài xã hội. Đây là bước ngoặt trong cuộc đời nữ đội trưởng đơn vị Không lực Afghanistan, như cô phát biểu “Đây là giấc mơ của tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ nó”. Cô được thăng chức đội trưởng vào năm ngoái.
Rahmani trở nên nổi tiếng ở Afghanistan vào năm 2013. Đó cũng là lúc cô nhận được những cú điện thoại de doạ với thông điệp rất rõ ràng “Hãy từ bỏ nếu không muốn chết”.
Ngày 31-3-2013, một lá thư từ một nhánh của phiến quân Taliban được gửi tới nhà của Rahmani với nội dung “Mày vẫn chưa hiểu rõ lời đe doạ. Theo Luật của người Hồi giáo, phụ nữ không được làm việc cho người Anh hoặc người Mỹ. Nếu mày tiếp tục làm công việc đó, mày và gia đình mày phải chết”.
Lá thư kêu gọi Rahmani hãy nhớ đến trường hợp của Malala Yousafzai - cô gái trẻ được trao giải Nobel sau khi suýt chết vì đấu tranh đòi quyền cho phụ nữ ở thung lũng Swat, Pakistan.
Năm 21 tuổi, Niloofar Rahmani trở thành nữ phi công quân đội đầu tiên của Afghanistan
Kinh khủng hơn, họ hàng của cô đã đe doạ, buộc tội cô khiến gia đình mất mặt. Chú và các anh em họ của Rahmani tin rằng trừng phạt cô là cách duy nhất để lấy lại danh dự cho gia đình. Tuy nhiên gia đình cô vẫn ủng hộ con gái hết mình.
Sau một lần nhà riêng bị đột nhập, gia đình cô đã phải bán nhà và từ đó đến nay, gia đình cô đã phải chuyển nhà liên tục. Người anh Omar bị tấn công hai lần, bị gãy tay; cha của Rahmani bị mất việc, còn người chị Afsun bị buộc li dị và không được gặp con đã hơn một năm.
Rahmani nói “Nếu biết, tôi đã không để gia đình mình lâm vào hoàn cảnh nảy. Dù chuyện gì xảy ra họ vẫn ủng hộ tôi. Đôi lúc tôi cảm thấy nếu không có sự ủng hộ của họ, chắc chắn tôi sẽ không sống nổi”.
Sau khi lánh nạn ở Ấn Độ trở về, Không lực Afghanistan đã yêu cầu Rahmani nghỉ việc nhưng cô vẫn tiếp tục làm việc nhờ sức ép từ phía Mỹ. Hồi tháng 3 năm nay , Bộ Ngoại giao Mỹ đã trao tặng Rahmani giải thưởng International Women of Courage (tạm dịch: Phụ nữ dũng cảm thế giới), vì những gì cô phải trải qua do lựa chọn nghề nghiệp của mình. Thị trưởng thành phố Chicago cũng chọn ngày 10-3 năm nay là ngày “Đội trưởng Niloofar Rahmani”. Tuy nhiên, vinh dự này lại không nhận được sự công nhận từ cấp trên của Rahmani.
Đại tá Bahadur Khan - Người phát ngôn của Không lực Afghanistan - phát biểu “Tất cả phi công đều gặp nguy hiểm chứ không riêng gì Niloofar. Kẻ thù không phân biệt nam nữ. Cô ấy phải cứng rắn chống lại sự đe doạ và dũng cảm phục vụ đất nước”.
Dù lực lượng phi công có kinh nghiệm của Afghanistan còn thiếu nhưng vì lý do an ninh, Rahmani vẫn chưa được bay lại kể từ tháng Bảy. Rahmani nói “Tôi thật sự rất muốn tham gia quân đội. Tôi rất muốn gia nhập Không lực. Nhưng tôi không thể tiếp tục thực hiện giấc mơ của mình trong tình trạng này”.